Trong khuôn khổ Tuần lễ Môi trường Việt Nam - Nhật Bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản đồng tổ chức từ ngày 15/12 đến ngày 17/12/2021, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Hội thảo Quản lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về chính sách kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là tái chế và quản lý chất thải.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và các viện nghiên cứu của Việt Nam tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, bà Hata Yumiko, Trưởng Bộ phận Kinh tế tuần hoàn tài nguyên, Vụ Môi trường và Công nghệ công nghiệp (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản), giải thích lịch sử hình thành và phát triển các chính sách kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản, từ “Tầm nhìn về nền kinh tế tuần hoàn” năm 1999 đến tầm nhìn mới được xây dựng vào năm 2020.
Tiếp đến, ông Takashi Togi, chuyên gia cao cấp về môi trường, Văn phòng Xúc tiến xã hội tuần hoàn vật chất (Bộ Môi trường Nhật Bản) trình bày tổng quan về “Đạo luật cơ bản để thiết lập xã hội tuần hoàn vật chất an toàn” được xây dựng trên tinh thần “mottainai” - trong tiếng Nhật đó là cụm từ thể hiện sự tiếc nuối trước những lãng phí và gần đây được sử dụng nhiều để khuyến khích “giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế” rác thải.
Ông Satoshi Arima, Hiệp hội thiết bị điện gia dụng Nhật Bản, đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn về tái chế đồ điện gia dụng tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, giáo sư Ken Kawamoto (Đại học Saitama), giới thiệu công nghệ tái chế chất thải xây dựng được phát triển trong Dự án JST – JICA SATREPS do Đại học Saitama, Đại học Xây dựng Hà Nội và các viện nghiên cứu khác thực hiện thông qua việc áp dụng kinh nghiệm của Nhật Bản. Công nghệ này cho phép tái chế hơn 97% chất thải xây dựng tại Nhật Bản vào năm 2018.
Việc đưa khái niệm "kinh tế tuần hoàn" vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua năm ngoái là một trong những bước đột phá trong chính sách môi trường của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khái niệm này và chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính hiện tại thành nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ cho phép tất cả các thành phần của nền kinh tế áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong thiết kế, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ, tiêu dùng cũng như xử lý chất thải.
“Tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của Nhật Bản về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thông qua tăng cường hợp tác của chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, tăng cường quan hệ đối tác hiệu quả với khu vực tư nhân và thu hút người tiêu dùng, sẽ giúp ích cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế tuần hoàn,” ông Murooka Naomichi, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, chia sẻ.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường - đánh giá cao sự hỗ trợ của JICA trong việc xây dựng các quy định chi tiết về kinh tế tuần hoàn trong Nghị định sắp tới theo luật sửa đổi. “Buổi hội thảo hôm nay có rất nhiều thông tin và hữu ích. Là cơ quan đầu mối phụ trách xây dựng chính sách kinh tế tuần hoàn tại Bộ TN&MT, chúng tôi cho rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà các diễn giả Nhật Bản chia sẻ là vô cùng quan trọng, giúp chúng tôi hiện thực hóa các chính sách và chiến lược về kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới,” ông nói.