Ở tuổi 50, xem như Jimmy Nguyễn có được một cuộc “tri thiên mệnh” qua hành trình sáng tác và biểu diễn. Jimmy Nguyễn không đột phá gì về nghệ thuật, nhưng cũng tạo ra được một kênh thẩm mỹ riêng để được công chúng đón nhận.
Tên tuổi Jimmy Nguyễn không xa lạ với người yêu nhạc. Ca khúc của Jimmy Nguyễn vẫn được hát thầm thì trên môi nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, vị trí Jimmy Nguyễn trong đời sống nghệ thuật vẫn cứ hư hư thực thực. Có thể vì Jimmy Nguyễn không mấy mặn mà với chốn thị phi show biz, mà cũng có thể vì Jimmy Nguyễn không theo đuổi cá tính sáng tạo rõ ràng.
Tác phẩm Jimmy Nguyễn trôi nổi trên mạng và trong các sản phẩm băng đĩa, cũng rất khó đoán định chính xác về bản quyền.
Jimmy Nguyễn nên được gọi là ca sĩ hay nhạc sĩ? Nếu là ca sĩ thì chất giọng của Jimmy Nguyễn trên sân khấu chuyên nghiệp, không thể xưng tụng xuất sắc. Nếu là nhạc sĩ thì ca khúc của Jimmy Nguyễn lại rất ít được giới biểu diễn ưa chuộng.
Khi và chỉ khi, Jimmy Nguyễn tự hát các ca khúc của mình thì mới tạo được dấu ấn nhất định. Thực tế, Jimmy Nguyễn chưa từng chứng minh bản lĩnh ca hát với nhạc phẩm của người khác, Anh chỉ hát ca khúc của mình, với sự mê đắm và sự tôn thờ bản thân.
Jimmy Nguyễn tên thật Nguyễn Thanh Dũng Ngọc Long, sinh năm 1970 tại Sài Gòn. Cha là nhạc công, mẹ là ca sĩ, nên Jimmy Nguyễn cũng có sẵn năng khiếu âm nhạc.
Từ năm 10 tuổi, Jimmy Nguyễn định cư tại Mỹ và theo học ngành luật. Tuổi đôi mươi, Jimmy Nguyễn có thu nhập ổn định và có cuộc sống khá êm ấm với vị hôn thê là một người mẫu quê gốc Hà Nội.
Thế nhưng, một biến cố xảy ra, vị hôn thê của Jimmy Nguyễn đã trở thành nạn nhân một vụ án mạng thê lương. Cú sốc ấy quá khủng khiếp đối với Jimmy Nguyễn. Anh mang tro cốt của vị hôn thê về chùa Quán Sứ, và bắt đầu vùi mình vào những ủ dột hoang mang đến mức phải chấp nhận điều trị tâm lý.
Cũng may, trong chới với tuyệt vọng thì Jimmy Nguyễn đã tìm được cứu cánh trong âm nhạc. Ca khúc đầu tay “Tình như lá bay xa” viết năm 1992 được vụt thoát từ phiền lụy: “Chiều nay ta bơ vơ trên cát dài hoang vắng/ Xót thương cho cuộc tình tan/ Nhìn sóng vỗ miên mang/ Thương cho đời cay đắng/ Người yêu hỡi có biết hay chăng/ Tình yêu ta như muôn vàn giấc mơ mỏng manh/ Với những ước mơ cho đêm về ta vẫn còn mãi bên nhau”.
Công việc viết ca khúc không chỉ giúp Jimmy Nguyễn thoát khỏi trầm cảm mà còn cho anh cơ hội chia sẻ với công chúng. Album “Mãi mãi bên em” ra đời năm 1993 đã đưa Jimmy Nguyễn lên thành một hiện tượng âm nhạc hải ngoại.
Năm 1994, ca khúc “Mãi mãi bên em” của Jimmy Nguyễn được đề cử giải Grammy. Tuy không được vinh danh, nhưng ca khúc “Mãi mãi bên em” cũng xem như thương hiệu của Jimmy Nguyễn: “Tìm được gì khi ta đã mất, dĩ vãng bay xa tầm tay/ Và một người ra đi cuối trời/ Cho một người ngồi đây nhớ thương/ Khi bên nhau sợ câu giã từ/ Sợ một ngày ta sẽ mất nhau/ Mà cuộc đời làm sao ta đoán được/ Nhắm mắt xuôi tay tình xa”.
Vì sao Jimmy Nguyễn bùng lên như một hiện tượng âm nhạc nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước? Rất đơn giản, vì một cơ duyên đặc biệt là lúc ấy giới trẻ Việt Nam ở trong nước lẫn hải ngoại đều thích thú với nhạc Hoa lời Việt.
Các bài hát Jimmy Nguyễn thể hiện đều na ná Tứ Đại Thiên Vương của Hồng Kong lúc ấy là Trương Học Hữu, Lê Minh, Lưu Đức Hoa và Quách Phú Thành, nên nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ đám đông. Thậm chí, không ít ca khúc của Jimmy Nguyễn y hệt bản sao từ Tứ Đại Thiên Vương.
Giới nhạc sĩ dĩ nhiên không đánh giá cao các sáng tác của Jimmy Nguyễn. Thế nhưng, Jimmy Nguyễn hình như cũng không có ý định thiết lập phong cách độc đáo nên cũng không đính chính mà cũng không phân bua về những ca khúc hơi giống nhạc Hoa lời Việt.
Cần nói thêm, lúc ấy vấn đề bản quyền cũng chưa đặt ra nghiêm túc như hiện nay, và cũng chưa có internet để công chúng dễ dàng kiểm chứng về mức độ mô phỏng.
Vì vậy, Jimmy Nguyễn vẫn hồn nhiên với sự chinh phục khán giả theo kiểu của anh. Người ta đồng cảm với Jimmy Nguyễn khi “Nhớ về em” tha thiết: “Nhớ về em, nhớ những lúc cô đơn trở về/ Nhớ về em, nhớ ánh mắt môi cười thơ ngây”.
Người ta chia sẻ với Jimmy Nguyễn khi “Chiều nghe biển khóc” âm thầm: “Cho tôi xin cơn sóng chỉ xô bờ/ Đừng quay ra khơi cho tình phải bơ vơ/ Cho tôi xin cơn gió hãy ru hời/ Đại dương trong tim tôi đừng khóc/ Cho tôi xin em vẫn đứng bên đời/ Để cho con tim tôi còn mãi chơi vơi/ Cho tôi xin em tóc xõa trong chiều/ Biển xanh muôn đời đẹp mãi”.
Người ta cũng phấn khích với Jimmy Nguyễn khi tán tỉnh “16 mắt nai” nhí nhảnh: “Này cô bé có cặp mắt nai vàng/ Này cô bé và mái tóc thề, bàn tay thon từng ngón nõn nà/ Tôi lâng lâng ngây ngất chơi vơi khi nhìn em”.
Nói chung, ca khúc của Jimmy Nguyễn quyến rũ vì được hát theo kiểu riêng Jimmy Nguyễn. Chứ giai điệu thì không có gì đáng chú ý, còn ca từ thì hơi sến súa.
Trong hàng trăm ca khúc của Jimmy Nguyễn, thì bài hát mang chất Jimmy Nguyễn rõ nhất và cũng ít ảnh hưởng nhạc Hoa nhất, có lẽ là “Hoa bằng lăng” vừa có nét lý sự vừa có nét bi lụy: “Nhà bên đang đón dâu rộn tiếng cười vui/ Tôi làm thân khách đến chúc phúc mà thôi/ Quà tôi mang đến trao chỉ mỗi hoa bằng lăng/ Bởi mình nghèo nên chỉ đứng nép ngoài sân/ Ôi tình xưa đã phai, nay bàn tay nàng đan với ai/ Em giờ đây nỡ quên mối tình thơ ấu/ Thôi đành mang đớn đau cho người vui trọn đến kiếp sau/ Riêng mình tôi ôm lấy ngàn nỗi đau”.
Năm 1997, Jimmy Nguyễn về nước biểu diễn vài lần, rồi quyết định hồi hương. Anh sống ở Sài Gòn, vẫn sáng tác, vẫn ca hát, vẫn nổi tiếng nhưng không phải ngôi sao thượng thặng.
Khách quan mà đánh giá, lối trình diễn của Jimmy Nguyễn không còn phù hợp với thị trường âm nhạc bây giờ. Công chúng của Jimmy Nguyễn chủ yếu là độ tuổi trung niên, nghe lại dòng nhạc từng quen thuộc thuở mộng mơ mà thôi.
Phần lớn ca khúc của Jimmy Nguyễn được viết từ nỗi nhớ thương vị hôn thê bạc mệnh. Thật kỳ duyên, một cô ca sĩ gốc Hải Phòng là Ngọc Phạm đã thấu hiểu được góc khuất tâm hồn Jimmy Nguyễn và tình nguyện gắn bó cuộc đời với anh.
Ca sĩ Ngọc Phạm tiết lộ: “Tôi yêu thầm ảnh từ năm 13 tuổi khi nghe ảnh hát "Mãi mãi bên em". Tới năm 19 tuổi gặp nhau là quyết định mãi mãi với ảnh luôn”. Không chỉ chăm sóc Jimmy Nguyễn miếng ăn giấc ngủ, ca sĩ Ngọc Phạm còn sinh cho Jimmy Nguyễn cả thảy ba đứa con.
Còn Jimmy Nguyễn thường xuyên đánh đu với mấy anh tri thức nhàn rỗi nên cũng thích lối phát ngôn à ơi chiêm nghiệm khi thổ lộ về người phụ nữ bên cạnh mình: “Tôi từng nói với Ngọc Phạm: Anh là cây xương rồng bị gãy gần hết gai rồi. Nếu cắt những cái gai còn lại, anh sẽ thành quả dưa chuột, không còn là anh nữa".
Jimmy Nguyễn cho biết thần tượng của anh là ca nhạc sĩ Nhật Bản - Kazumasa Odai. Và Jimmy Nguyễn ở tuổi 50 vẫn tiếp tục cuộc chơi âm nhạc đầy hào hứng và cũng đầy tự chủ: “Với tôi, âm nhạc đến từ nỗi đau rồi hóa thành nhân duyên và một khi nó là nhân duyên, mình có tính cũng không bằng trời tính. Những sự việc xảy ra đã làm tôi mất khá nhiều thời gian và tiền bạc, tuy nhiên tôi vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc.
Từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ lấy được một xu từ băng đĩa của tôi bày bán ngoài thị trường nên tôi không bao giờ hoàn thành bằng mọi giá để cho biết mình đang có mặt. Tôi chỉ phải hứa với lòng mình một ngày gần nhất sẽ quay lại ca hát để bày tỏ lòng biết ơn đến khán giả.
Thật ra, từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ có hoặc đạt được cái thời hoàng kim. Với tôi, nó chỉ là chút hào quang nào đấy lóe lên rồi chợt tắt”.