| Hotline: 0983.970.780

Kẻ cười người khóc

Thứ Tư 09/04/2014 , 12:55 (GMT+7)

Một tài xế kiêm chủ chiếc xe chở me chua từ Phú Yên vào nhất định không chịu nói tên, cho biết, anh chở đúng tải, nhưng vẫn bị “vịn” hoài.

Mặc dù đang có chiến dịch xử lý nghiêm xe quá tải, nhưng khi đến chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) để tìm hiểu, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những gì đã thấy và nghe từ những tài xế xe tải, từ lực lượng bảo vệ, và ban quản lý chợ.

MỘT CHUYẾN “DÍNH” 2 BIÊN BẢN

Tại khu chợ A, tôi gặp anh Nguyễn Minh Sang, tài xế chở củ hành khô từ Vĩnh Châu, Sóc Trăng lên chợ đầu mối Thủ Đức, anh cho biết, dọc đường anh “dính” 2 cái biên bản phạt. Một cái đầu bị phạt 400 ngàn, lỗi đèn chiếu sáng, cái còn lại bị phạt đến 2,2 triệu đồng vì xe anh tải trọng cho phép 10 tấn nhưng chở đến hơn 11 tấn củ hành.

“Bình quân 1 đêm chợ đầu mối Thủ Đức tiếp nhận ngót 400 chuyến xe tải ra vào, và hơn 3.500 tấn nông sản các loại từ khắp mọi miền đất nước đổ về. Đa số các xe này đều chở quá tải. Trọng tải xe 10 tấn thì họ chở đến 17 - 20 tấn, như vậy họ mới có đồng lời. Còn nếu chở đúng tải thì chẳng còn gì ăn. Thực ra, chúng tôi cũng chẳng thích việc xe quá tải vào chợ. Nhưng nguyên tắc là xe chở hàng đến thì mình phải tiếp nhận”, ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty Quản lý & Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức.

“Chạy dưới tỉnh không “dính” lỗi quá tải, lên đến đại lộ Đông – Tây, Sài Gòn mới bị. Coi như chuyến này chủ xe lỗ chắc”, anh Sang than. Nhưng theo anh Sang thì: “Ở đây phạt như vậy còn rẻ, chứ dưới Vĩnh Châu, nếu chủ xe kêu chở quá tải, bị phạt từ 3 – 6 triệu, chủ xe phải trực tiếp đi đóng phạt. Còn tài xế bị phạt riêng 1,5 triệu. Bữa nay tôi chở thêm là do có sự đồng ý của chủ xe nên cái này chủ xe chịu. Giờ ít dám chạy quá tải lắm, chỉ những người có “gốc” lớn họ mới dám”. “Có gốc lớn là sao?”, tôi hỏi. “Là họ chung chi tháng rồi”.

Khi tôi hỏi lại: “Ý anh là họ mua đường?”, anh gật đầu xác nhận. Anh Sang cho biết: Nếu chở thêm tải khoảng 2 – 3 tấn thì một chuyến hàng, sau khi trừ chi phí, xăng dầu, chủ xe lời khoảng 2,5 - 3 triệu. Còn chở đúng tải, thì chỉ được chừng hơn 1 triệu. “Nếu phạt tiền thì còn đỡ, kẹt nhất là bị giam bằng cả tháng, không chạy xe được, lấy gì ăn?”, anh Sang nói thêm.

Tấp vào khu chợ B, anh Tâm, một tài xế chạy xe cho chú ruột, chở khoai lang từ Vĩnh Long lên, cho biết: “Xe tôi tải trọng 8,7 tấn, hôm nay tôi chở 13 tấn, vì lỡ lãnh rồi nên chạy luôn, với lại người ta cần gấp”. “Vậy có bị CSGT thổi phạt không?”. “Hôm nay hên, không gặp”, anh Tâm đáp.

18-34-01-nh-2183910432
Chiếc xe này tải trọng 8 tấn nhưng chở đến 13 tấn, và may mắn không bị CSGT “sờ gáy”

Tôi hỏi tiếp: “Nếu gặp công an thì sao?”. Anh đáp: “Thì xuống chung chi chút đỉnh là đi thôi”. Tôi hỏi: “Chung bao nhiêu?”. Đáp: “Ít lắm, 1 - 2 trăm thôi hà”. Tôi hỏi: “Mấy bạn chạy xe của anh có chạy quá tải không?”. Đáp: “Nhiều lắm, mấy thằng bạn tôi chạy quá tải không hà”. “Chạy đúng tải thì xe này một chuyến kiếm được bao nhiêu?”. “Được khoảng hơn triệu. Còn chạy quá tải, nếu bị công an thổi, đóng phạt hết vài triệu cũng vậy. Có khi lỗ”.

“Không nhiều thì ít, đa số xe nào cũng quá tải. Có lý do quá tải thì nhiều. Tôi thấy, nhiều khi không chở quá tải không được. Ví như chiếc xe này chẳng hạn, tải trọng xe được 10 tấn, nhưng hàng của tôi chỉ có 5 tấn thôi. Buộc lòng chủ xe phải ghép hàng. Nếu một chủ hàng khác có 5 tấn rưỡi thì không lẽ chỉ chở đúng 5 tấn, bỏ lại 500 ký? Một tình trạng khác nữa là nhiều khi chủ hàng báo số ký có thể chênh lệch vài ba trăm ký”, chị Trương Thị Mỹ Hạnh, chủ xe hàng anh Sang đang chở nói.

DN VẬN TẢI LỚN ĐÃ “MUA ĐƯỜNG”?

Một tài xế kiêm chủ chiếc xe chở me chua từ Phú Yên vào nhất định không chịu nói tên, cho biết, anh chở đúng tải, nhưng vẫn bị “vịn” hoài. “Đủ thứ phí không tên hết anh ơi. Từ trạm cân, CSGT đến thanh tra giao thông… Ở ngoài tôi, vào trạm cân là phải biết điều, nếu không thì mệt với nó. Mà nếu đã “chung” ở trạm cân rồi thì suốt một tuyến dài, không bị công an thổi nữa. Cho đến địa bàn tỉnh khác, thuộc đơn vị khác quản lý.

Tôi làm ăn nhỏ lẻ nên không dám liều, chở quá tải. Chứ mấy người làm ăn lớn ở ngoài tôi, hầu hết là quá tải. Nhưng họ làm ăn lớn nên đã “mua đường” hết rồi. Có xe cong mà chở đến 80 tấn”.

18-34-01-nh-1183908411
Chiếc xe chạy từ Sóc Trăng lên đến TP.HCM “dính” 2 biên bản

Anh Hưng, một chủ hàng chuyên thu mua hàng nông sản từ Bình Thuận đi các tỉnh Tây Nguyên, TP.HCM cho biết: “Tôi chuyên thu mua khoai mì, bắp, bán cho các công ty, nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày tôi mua cả trăm tấn nông sản, thuê mỗi chuyến cả 5 – 7 xe.

Chủ xe cho chở quá tải, và dĩ nhiên là phải chung chi tháng, chung chi dọc đường cho cảnh sát giao thông. Dù việc này không liên quan đến tôi, nhưng phần “cước phí” đó cũng bị tính vào cước vận chuyển, nên lời lãi ngày càng ít đi”.

Đến văn phòng ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, anh Vinh, cán bộ phòng kinh doanh tiếp thị chợ khẳng định: “Chỉ có xe chạy nhỏ lẻ và không “mua đường" mới bị xử lý mạnh. Chứ mấy doanh nghiệp lớn, có tiềm lực và vận chuyển hàng cố định trên một tuyến đường thì họ đã “mua đường” hết rồi. Họ vẫn chở quá tải, đi hà rầm từ Lâm Đồng xuống đây, có sao đâu? Ví dụ, tải trọng xe họ 5 tấn, họ chở đến 10 tấn. Lời 5 triệu đi, họ “chung chi” 1 triệu, vẫn còn lời 4 triệu. Còn nếu anh chở đúng 5 tấn thì làm sao đủ cước, lấy gì ăn?”.

Tôi hỏi: “Đây là suy đoán của anh hay là…?”, anh Vinh đáp: “Không, đó là sự thật. Mỗi ngày tôi ngồi nói chuyện với nguyên cả đoàn xe ở đây mà. Ở chợ này, nói về chở quá tải thì chẳng có xe nào không chở quá tải hết. Nhưng nếu biết điều thì chẳng có công an nào làm khó đâu. Nếu làm khó, cả mấy trăm, thậm chí cả ngàn cây số từ ngoài Bắc mới vào đến đây, xe nào đi nổi?”.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.