| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Thứ Năm 02/05/2024 , 08:38 (GMT+7)

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cà phê tiên phong đạt chứng nhận EUDR chia sẻ khó khăn

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam vừa được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho biết, EUDR là quy định rất ngặt nghèo đối với cà phê xuất khẩu vào châu Âu.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường châu Âu, khi 60% tổng sản lượng cà phê của nước ta xuất khẩu sang thị trường này. Hiện nay, yêu cầu của châu Âu rất khắt khe, đặc biệt đối với hai tiêu chí là cà phê chống phá rừng và chống phát thải carbon.

Hiện nay, yêu cầu của châu Âu rất khắt khe, đặc biệt đối với hai tiêu chí là cà phê chống phá rừng và chống phát thải carbon. Ảnh: TL.

Hiện nay, yêu cầu của châu Âu rất khắt khe, đặc biệt đối với hai tiêu chí là cà phê chống phá rừng và chống phát thải carbon. Ảnh: TL.

Còn về quy định chống phát thải carbon hay carbon free, ông Sơn cho hay, lộ trình đến năm 2035 và 2050, sản phẩm được yêu cầu không còn phát thải carbon nữa. Sản phẩm cà phê và tất cả sản phẩm nông sản khác của Việt Nam cũng phải đáp ứng tiêu chí này.

Theo ông Sơn, Simexco DakLak xuất khẩu 120.000 tấn cà phê và 10.000 tấn hồ tiêu mỗi năm. Doanh thu khoảng 275 triệu USD, tương đương gần 7.000 tỷ đồng. Hiện Simexco DakLak đang vận hành 3 nhà máy, 1 tại Bình Dương và 2 tại Đắk Lắk.

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết: “Nếu một doanh nghiệp ở châu Âu vi phạm nhập khẩu từ một đơn vị không đáp ứng được điều kiện EUDR thì mức phạt rất cao, bị phạt 4% trên tổng doanh thu của công ty trong một năm. Do đó các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến EUDR”.

“Tuy nhiên doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ. Với quy định cà phê chống phá rừng và chống phát thải carbon, đề nghị các cơ quan hữu quan có chính sách, chỉ đạo để doanh nghiệp có thể được tiếp cận, làm việc với lãnh đạo các địa phương có vùng trồng để định vị sao cho đáp ứng được những tiêu chí trên”, ông Sơn đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng, vụ cà phê vừa qua chứng kiến giá tăng mạnh, từ 45.000 đồng/kg năm 2023 hiện nay tăng lên khoảng 140.000 đồng/kg. Giá tăng bất ngờ như vậy nên mặc dù có cam kết nhưng nhiều người đã “lật kèo” không giao hàng theo như thỏa thuận như trước đó.

“Người nông dân không giao hàng cho đại lý; đại lý không giao hàng cho nhà xuất khẩu; nhà xuất khẩu có nguy cơ không giao hàng cho các nhà rang xay nước ngoài. Như vậy sẽ tạo sự đứt gãy chuỗi cung ứng rất lớn, làm mất uy tín của doanh nghiệp nói riêng, thậm chí ảnh hưởng cả ngành cà phê Việt Nam nói chung”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trước bất cập đó, ông Sơn đề xuất Nhà nước cần có chính sách, chế tài nhằm ổn định thị trường cà phê trong nước, “không phải cứ cam kết rồi lại không thực hiện”.

Cũng theo ông Sơn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường châu Âu. Do đó, đề nghị Bộ Công thương cần có nhiều hoạt động trọng tâm hơn để xúc tiến thương mại đến các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, nhằm giảm sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường châu Âu vì không phải doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nào cũng đều đáp ứng được các tiêu chí EUDR và phát thải carbon của châu Âu như Simexco DakLak.

Trung Quốc thị trường tiềm năng cho cà phê Việt

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, hàng năm trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công thương tổ chức rất nhiều đoàn tham gia hội chợ, đặt biệt là hội chợ Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Thượng Hải tại Trung Quốc…

Tại 3 hội chợ này, Việt Nam đều có gian hàng quốc gia. Trong đó, có nhiều công ty cà phê lớn của Việt Nam tham gia.

“Trung Quốc là thị trường rất lớn và đến nay họ có xu hướng tiêu thụ cà phê, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng chúng ta cũng phải có cách xúc tiến thương mại rất khác, sẽ phải liên kết hoặc có đối tác “ruột” của mình ở Trung Quốc. Họ phải cùng mình chung tay phát triển thị trường, làm marketing, chứ không phải chỉ đơn thuần xuất khẩu vào Trung Quốc là xong”, ông Phú nói.

Ông Phú chia sẻ: "Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk từ trước đến nay chỉ xuất khẩu cà phê hạt, nếu có sản phẩm cà phê chế biến hoàn toàn có thể nghĩ đến Trung Quốc như một thị trường tiềm năng. Nếu công ty cần tìm đối tác, Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng hỗ trợ, tìm kiếm và kết nối qua hệ thống thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc”.

Về việc Simexco DakLak đã đạt chứng nhận đầu tiên về EUDR, ông Phú cho rằng, đây thực sự là một dấu ấn rất quan trọng trong việc phát triển thị trường, đặc biệt là tuân thủ những tiêu chuẩn mới của EU.

“Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững”, ông Phú khẳng định.

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và đón đầu

Liên quan đến những băn khoăn của các doanh nghiệp, trong đó có Simexco DakLak, bà Trần Như Trang, Đại diện Quốc gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) khẳng định, EUDR là một quy định mới của Liên minh châu Âu và rất chặt.

EUDR có thể ảnh hưởng đến 12 sản phẩm nông nghiệp. Với Việt Nam, SIPPO cho rằng, EUDR có thể ảnh hưởng nhiều hơn bởi vì có những sản phẩm chưa được liệt kê như thủy sản. Chẳng hạn như tôm nuôi ở rừng ngập mặn cũng liên quan đến rừng, theo đó cũng phải tuân thủ quy định EUDR.

Bà Trang cho rằng: “Những quy định hiện nay của EU đưa ra có thể doanh nghiệp chưa hình dung ra yêu cầu cụ thể là gì và thực sự chứng minh được yêu cầu này rất khó khăn và gian nan”.

Theo bà Trang, doanh nghiệp phải tìm một phương thức mới để thị trường chấp nhận sản phẩm của mình. Các quy định bền vững của EU đưa ra rất chặt chẽ và thực ra hiện nay ngay cả nhiều khách mua hàng cũng chưa biết phải làm như thế nào.

Xu hướng ở châu Âu cho thấy, điều đầu tiên khách mua hàng tìm đến là các loại chứng chỉ, chứng nhận giúp cho doanh nghiệp và các nhà cung cấp có thể sẵn sàng luôn để đáp ứng những quy định, thay vì doanh nghiệp phải tự đầu tư để làm hệ thống chứng nhận, hệ thống thông tin chứng minh khả năng tuân thủ của mình.

“Nếu các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu Việt Nam có thể chủ động nắm bắt và chuẩn bị sẵn sàng thì đây lại chính là lợi thế để có thể bán luôn được sản phẩm và được khách mua hàng chấp nhận”, bà Trang nhấn mạnh.

Tôm nuôi ở rừng ngập mặn cũng liên quan đến rừng, theo đó cũng phải tuân thủ quy định EUDR. Ảnh: Hồng Thắm.

Tôm nuôi ở rừng ngập mặn cũng liên quan đến rừng, theo đó cũng phải tuân thủ quy định EUDR. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo bà Trang, không phải chỉ riêng châu Âu mà ngay cả các thị trường khác, những yêu cầu về bền vững cũng đi theo châu Âu rất nhiều.

Chẳng hạn như việc đo carbon. Bà Trang thông tin, ở Việt Nam hiện mới có quy định đo Phạm vi 1 - Scope 1 (phát thải trực tiếp từ việc tiêu thụ nhiên liệu do tài sản mà doanh nghiệp sở hữu tạo ra) và Phạm vi 2 - Scope 2 (Phát thải gián tiếp việc mua năng lượng từ bên thứ ba).

Nhưng với thị trường Mỹ, Ủy ban chứng khoán nước này quy định các công ty niêm yết phải báo cáo cả Phạm vi 3 - Scope 3 (Phát thải gián tiếp từ chuỗi cung ứng). Hiện Việt Nam chưa có hướng dẫn để đo Scope 3, theo đó các doanh nghiệp Việt Nam vì thế cũng khó có thể đáp ứng được ngay.

Tuy nhiên bà Trang cho rằng: “Ngược lại, nếu doanh nghiệp nắm bắt được những yêu cầu này và chủ động tìm kiếm phương án, công cụ để đo lường và được khách mua hàng chấp nhận thì đây lại là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Nói về đón đầu, bà Trang nêu ví dụ, Vinamilk mới nhận được 2 chứng chỉ: Sản phẩm sữa bền vững và Sản phẩm sữa Net Zero, nhưng họ đã phải mất 10 năm để thực hiện được câu chuyện này. Đó là minh chứng cho việc nắm bắt và đón đầu trước xu hướng”.

Bên cạnh việc nắm bắt và đón đầu trước xu hướng, theo bà Trang hiện nay ngoài thị trường mục tiêu doanh nghiệp còn phải xác định khách hàng mục tiêu. Ngay trong một thị trường cũng có những phân khúc khách mua hàng khác nhau. Phải hình dung rõ mỗi khách hàng yêu cầu những thông tin gì, chứng nhận gì để chứng minh tính bền vững, mức yêu cầu về bền vững cũng khác nhau.

“Cần phải nắm rõ đâu là thị trường mang tính quốc gia và trong thị trường quốc gia đó thì nhóm khách hàng nào sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng và đặt ra mục tiêu cụ thể. Và để đưa được sản phẩm của mình vào nhóm khách hàng này, cần phải có chính sách riêng, chiến lược riêng”, bà Trang nhấn mạnh.

“Các yêu cầu về bền vững hiện nay ở châu Âu rất nhiều, rất chặt. SIPPO phải theo dõi hàng tuần, hàng tháng để xem những yêu cầu mới và hướng dẫn tuân thủ mới như thế nào, thông qua đó giúp đối tác nắm được thông tin. Các địa phương, doanh nghiệp cũng nên thực hiện tương tự như vậy để có chiến lược chuẩn bị”, bà Trần Như Trang, Đại diện Quốc gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) nói. 

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

LÂM ĐỒNG VietinBank được vinh danh tại VLCA 2024 với hai giải thưởng quan trọng, khẳng định nỗ lực minh bạch thông tin và phát triển bền vững.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.