| Hotline: 0983.970.780

Ràng buộc điện mặt trời mái nhà để ngăn trục lợi

Thứ Ba 30/04/2024 , 07:47 (GMT+7)

Bộ Công thương giữ đề xuất việc điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nếu dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.

Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có quy mô khoảng 2.600MW vào năm 2030, theo Quy hoạch điện VIII.

Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có quy mô khoảng 2.600MW vào năm 2030, theo Quy hoạch điện VIII.

Điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu nằm trong nhóm đối tượng được Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII. Việc phát triển này nhằm giảm mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Vì mục đích tự sản, tự tiêu nên trong Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ cho phép loại hình này được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Đồng thời, công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản.

Nếu phát triển điện mặt trời mái nhà nhằm mục đích kinh doanh, mua bán, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… và nhiều quy định pháp luật chuyên ngành khác.

Bộ Công thương nhận định, phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách. Do đó, cần phải có sự kiểm soát việc mua bán điện, tránh xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia, gây khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của Nhà nước.

Trên cơ sơ đó, Bộ Công thương đề xuất, nếu dôi dư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và được phát vào hệ thống điện quốc gia, thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

"Việc này nhằm không thêm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, góp phần giảm căng thẳng cung ứng điện", Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hông Diên nêu quan điểm. 

Theo ông Diên, những cơ chế khuyến khích loại hình này là bước đột phá nhằm tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, nhằm phát triển loại nguồn điện này trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.

Ngoài ra, ngành công thương cũng chỉ rõ, nếu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không giới hạn về công suất lặp đặt. Ngược lại, nếu đấu nối thì phải tuân theo quy hoạch, đã được phân bổ cho các địa phương tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024. 

Quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 2.600MW, theo Quy hoạch điện VIII. Nhưng điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết. Khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định.

Nếu cho phép nối lưới không giới hạn công suất, công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được dự báo gặp nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống điện quốc gia. Bộ Công thương cho rằng, cần có biện pháp giới hạn tỷ trọng điện mặt trời hòa lưới để đảm bảo vận hành ổn định của hệ thống.

Việc khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhưng bán với giá 0 đồng nếu dư thừa đặt ra hướng đi rõ ràng, giúp tổ chức, cá nhân tập trung vào việc sử dụng điện mặt trời để tự cung cấp năng lượng cho hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời giảm lượng điện tiêu thụ từ lưới điện quốc gia.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.