| Hotline: 0983.970.780

Kế hoạch xây dựng làng nghề sen ở huyện Mê Linh, Hà Nội

Thứ Năm 15/04/2021 , 08:39 (GMT+7)

Theo kế hoạch trên phạm vi toàn quốc sẽ xây dựng được ít nhất ba mô hình làng nghề sen gắn với du lịch ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp.

Người nông dân đi tiên phong

Hiện nay huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang có 650 ha hoa, đã hình thành nhiều vùng chuyên canh có diện tích trên 20 ha trở lên tập trung ở các xã Mê Linh 200 ha, Đại Thịnh 90 ha, Văn Khê 107 ha. Hàng năm Mê Linh cung cấp khoảng 295 triệu cành hoa hồng, cúc, ly, loa kèn... cũng như các loại hoa chậu, hoa thế cho Thủ đô cũng như khắp các vùng miền trong cả nước và còn bắt đầu xây dựng được danh tiếng của mình ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan…

Bên cạnh các loại hoa cắt cành, chậu hoa trang trí thì trong mấy năm gần đây huyện đã mở rộng diện tích trồng sen trên các vùng đất trũng, trồng lúa khó khăn hay mất mùa, bị bỏ hoang hóa với tổng diện tích khoảng 60 ha, tập trung chính tại xã Mê Linh và rải rác tại các xã Tam Đồng, Chu Phan, Tiền Phong.

Tiêu biểu nhất có anh Lã Quang Khanh người thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, người đang trồng tới 50 ha sen, diện tích lớn không chỉ nhất miền Bắc mà còn có thể nhất toàn quốc. Anh kể: “Liễu Trì vốn nổi tiếng về nghề trồng hoa. Hoa tuy cho kinh tế cao nhưng khó tính, cần chân đất khô ráo, cần chăm sóc đặc biệt, để đảm bảo thu nhập lại phải có diện tích lớn. Hơn thế, hoa hay bị bệnh, phải xử lý nhiều thuốc nên trước đây tôi cũng như bao người làng khác, hàng tuần đều phải đeo bình trên lưng đi phun cho 5-7 sào hồng, rất độc hại...”

Thu hái sen trong hồ của nhà anh Khanh. Ảnh: NNVN.

Thu hái sen trong hồ của nhà anh Khanh. Ảnh: NNVN.

Chạy theo nghề trồng hoa, những ruộng lúa của làng đã bị bỏ hoang, nhà lâu thì để không cả chục năm, nhà mới cũng để không vài ba năm. Một ngày ra nhìn cánh đồng hoang anh Khanh bỗng nảy ra ý tưởng thuê để trồng sen. Nhưng thủ tục không hề đơn giản chút nào bởi cánh đồng ấy liên quan đến hơn 500 hộ, nơi mỗi gia đình trung bình có 1-2 sào, nhà muốn cho mượn, cho thuê nhưng nhà lại cứ muốn để không như vậy cho khỏi có tranh chấp, kiện tụng sau này.

Năm đầu tiên, 2017, anh Khanh nhờ trưởng thôn thông báo cho các nhà có đất ở cánh đồng hoang ra hội trường họp để đàm phán mức thuê 25 kg thóc/sào/năm. Lú đầu chỉ có khoảng 200 hộ đồng ý với tổng diện tích được cỡ 20 ha còn lại ngại khi canh tác sen anh Khanh sẽ đào mất bờ ruộng khó phân định được đất của mình sau này và quan trọng nhất là lo mất quyền lợi khi có dự án nào vào giải phóng mặt bằng về sau này.

Sau rất nhiều lần đàm phán, cuối cùng mọi thứ cũng được giải quyết để giờ đây cánh đồng hoang đã biến thành cánh đồng sen bát ngát, mênh mông tới 50 ha với ba giống chủ lực là sen trắng, sen hồng và sen bách diệp. Ngoài hái buổi sáng dành để ướp trà, sen còn được thu vào buổi chiều dành để kịp phiên chợ đêm cho khách hàng bày cắm.

Sen có thể dùng để ướp trà hay để cắm. Ảnh: NNVN.

Sen có thể dùng để ướp trà hay để cắm. Ảnh: NNVN.

Tính ra mỗi năm anh Khanh bán ra thị trường khoảng 1 triệu bông trong đó 900.000 bông bán tươi, 100.000 bông để lại dùng ướp trà, thu lãi trên 500 triệu và trên hết là tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động. Hiệu quả kinh tế của trồng sen tính ra gấp 5-6 lần so với trồng lúa khi xưa và nếu so với trồng hoa trên cạn thì sen cũng rất tốt cho môi trường bởi không cần dùng nhiều thuốc trừ sâu, trừ bệnh, tạo cảnh quan mát lành, tươi đẹp.

Anh Khanh ấp ủ, tới đây mình sẽ thành lập HTX sen để tận dụng lao động nhàn rỗi của địa phương, để đa dạng hóa sản phẩm, ngoài hoa sen, trà sen, hạt sen như hiện tại còn có kẹo sen, rượu sen, trà lá sen giảm mỡ máu, ngó sen, củ sen…

Đến một kế hoạch cho dài hạn cho sen

Sản phẩm hoa sen, trà sen tuy mới phát triển nhưng cũng đã được huyện Mê Linh hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh” và đem đi các hội nghị, hội chợ để quảng bá, giới thiệu rộng khắp. Tuy nhiên muốn phát triển bền vững hơn sen ở đây phải hình thành làng nghề, kết hợp giữa sản xuất và du lịch để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Khi có làng nghề sen cũng là thêm một nét độc đáo trong bộ sản phẩm Ocop, trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh.

Đi theo hướng ấy, gần đây Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh-đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội và các cộng sự đã đến Mê Linh để bàn với chính quyền và người dân ở đây triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng làng nghề sen phát triển bền vũng gắn với du lịch tại Việt Nam”.

Bà Trần Thị Quốc Khánh (trái) và bà Nguyễn Thị Mai Hoa là hai đại biểu quốc hội rất tâm huyết với dự án làng nghề sen. Ảnh: Tư liệu.

Bà Trần Thị Quốc Khánh (trái) và bà Nguyễn Thị Mai Hoa là hai đại biểu quốc hội rất tâm huyết với dự án làng nghề sen. Ảnh: Tư liệu.

Ngoài Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh-Chủ nhiệm đề tài ra, đoàn làm việc gồm có bà Nguyễn Thị Mai Hoa-Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, GS.TS Đinh Văn Chiến-Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Tự động hóa và Môi trường…Về phía địa phương có ông Lê Văn Khương-Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cùng đại diện các phòng ban, chuyên môn khác.

Sau khi đi thăm thực địa, bà Trần Thị Quốc Khánh đã làm rõ hơn về kế hoạch phát triển làng nghề sen. Theo đó, mục tiêu chính là ứng dụng  khoa học công nghệ vào để xây dựng một số làng nghề sen gắn giữa sản xuất với du lịch. Muốn làm được điều đó, trước mắt phải lựa chọn ra bộ giống sen phù hợp cho mỗi vùng miền; Xây dựng được các bộ tài liệu về quy trình, công nghệ trồng, chăm sóc sen phù hợp; Hoàn thiện cấu trúc làng nghề sen gắn với du lịch tại Việt Nam.

Xây dựng được ít nhất ba mô hình làng nghề sen gắn với du lịch tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp, ngoài ra có thể nghiên cứu bổ sung thêm huyện Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nam vào. Sau một thời gian vận hành, mô hình được kỳ vọng sẽ tạo ra được một số sản phẩm hàng hóa mang tính đặc sản, an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và giúp  phát triển bền vững cho nghề trồng sen ở Việt Nam.

Chuẩn bị cho buổi chợ sớm. Ảnh: NNVN.

Chuẩn bị cho buổi chợ sớm. Ảnh: NNVN.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, Chủ nhiệm đề tài đề nghị các đơn vị có liên quan của UBND huyện Mê Linh phối kết hợp với nhóm nghiên cứu để thực hiện ngay một số hoạt động: Điều tra khảo sát, lựa chọn địa điểm để xây dựng mô hình làng nghề sen, nghiên cứu lựa chọn giống sen phù hợp, quy trình chế biến và bảo quản các sản phẩm từ sen, tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm từ sen…

Thay mặt cho huyện Mê Linh, ông Lê Văn Khương-Phó Chủ tịch nhận định mục tiêu làng nghề sen của nhóm nghiên cứu rất phù hợp với định hướng phát triển của địa phương về việc nhân rộng mô hình sản xuất sen tại các vùng trũng. Đây có thể là một nghề mới mang tính vững bền mà Mê Linh cần phải hỗ trợ, thúc đẩy trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến sen, mấy năm trước Tiến Sĩ Trần Thị Quốc Khánh đã khuyến khích nghệ nhân Phan Thị Thuận ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội lên ý tưởng và thực hiện thành công những tấm vải dệt từ sợi tơ sen đầu tiên của Việt Nam. Sản phẩm độc đáo này đã được bà Phan Thị Thuận đem trưng bày ở nhiều hội chợ, triển lãm và nhận được sự quan tâm rất lớn của khách hàng trong nước cũng như quốc tế, giá bán rất đắt so với lụa thông thường.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất