| Hotline: 0983.970.780

Kênh Tân Hưng bồi lấp, dân thiếu nước sản xuất

Thứ Hai 09/04/2018 , 08:44 (GMT+7)

Theo bà con nông dân khu vực Tân Quới, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), khoảng 6 năm nay việc dẫn nước vào ruộng lúa gặp khó khăn do đoạn kênh từ rạch Thơm Rơm đến cầu rạch Cần Thơ Bé đã bị phù sa bồi lắp, làm mất mùa nặng.

* Thức đêm bơm nước

Nguyên nhân, kênh không được nạo vét, cỏ mọc bồi lấp, dòng chảy hạn chế. Dần dà theo tự nhiên, phù sa làm cho con kênh bồi cạn, nước ra vào không đủ để bà con nông dân bơm vào ruộng, nhất là những tháng vụ hè thu.

Ruộng của ông Lê Hữu Hậu ở phường Tân Hưng, ngay phía sau UBND phường là một trong các hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu nước sản xuất. Gia đình ông canh tác 16 công đất ruộng, do thiếu nước nên 6 năm gần đây đều mất mùa, chi phí sản xuất cao.

Cụ thể, vụ hè thu 2017, tiền bơm nước 2 triệu đồng, tiền mướn nhân công nhổ cỏ 2,8 triệu đồng. Năng suất đạt rất thấp chỉ từ 400 kg/công (1.000 m2) trong khi những hộ khác do nước nôi đầy đủ, lúa đạt năng suất gấp đôi từ 700- 800kg/công. Tính ra vụ hè thu gia đình ông làm không công.

Vụ đông xuân 2018, trong khi nhiều nhà nông trúng mùa được giá, lợi nhuận nông dân ĐBSCL đạt từ 30- 35 triệu đồng/ha, thì nhà ông Hậu, trừ các chi phí chỉ được hơn 20 triệu. Ông Hậu nói năm nay, giá lúa cao còn may mắn.

Vụ này, vì tiếc ruộng bỏ không, ông Hậu lại xuống giống, nhưng nước nôi thiếu hụt, không đủ bơm cây lúa chịu cảnh "them" nước như các vụ trước. Và gia đình ông lại đứng trước nguy cơ lỗ công chăm bón. Đó là chưa kể, thiếu nước cỏ mọc nhiều, năng suất, chất lượng lúa đều giảm.

Ông Hậu kể: “Nước không đủ bơm nên thường tui phải canh bơm từ 3 con nước trở lên mới đầy ruộng, có vụ tui bơm cả chục lần mới xem xép mặt ruộng chứ chưa đầy nổi, sao mà lúa tốt được”. Cùng cảnh ngộ với ông Hậu, còn có các hộ ông bà Lê Văn Ky, Lê Văn Tư, Lê Văn Bé, Lê Hữu Hiền, Hà Trường Khánh, Lê Văn Hùng...

Điều đáng nói là UBND phường Tân Hưng nhiều lần họp dân lấy ý kiến việc nạo vét kênh, nhưng kết quả không đi đến đâu và kéo dài đến nay. Theo biên bản cuộc họp ngày 28/4/2016, do ông Phạm Lạc Tiên, Phó Chủ tịch UBND phường chủ trì, kết luận: Trong số 30 hộ dân tham gia cuộc họp có 21 hộ dân đồng ý nạo vét kênh, 9 hộ không đồng ý.

Tuy nhiên, lúc đó theo các hộ dân thì phường không nạo vét, nói không có kinh phí, muốn dân tự làm. Tháng 11/2017, phường lại họp do Nguyễn Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường chủ trì. Theo biên bản cuộc họp, tham dự chỉ có 5-6 hộ, số còn lại không họp nên chưa lấy hết ý kiến được.

Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Có 6 hộ với 3ha lúa bị ảnh hưởng bởi kênh cạn vào mùa nắng, còn mùa mưa vẫn có thể sản xuất tạm. Đoạn kênh cạn này do bồi lắp tự nhiên theo thời gian. Bức xúc của người dân, phường đã ghi nhận và tổ chức họp lấy ý kiến. Đa số ruộng của người dân thiếu nước sản xuất đều yêu cầu nạo vét kênh".

Ông Nghị cũng cho biết phường sẽ cố gắng hết sức tìm phương án tối ưu cho bà con trong thời gian sớm nhất, UBND phường Tân Hưng đã đề xuất lên UBND quận Thốt Nốt khảo sát, đánh giá các phương án tối ưu để tạo đường nước cho bà con.

UBND quận Thốt Nốt cho biết, sẽ chỉ đạo phường từ nay đến cuối năm nay phải họp dân sao cho đồng thuận, lên phương án rõ ràng, có nước để người dân canh tác. Không cơ giới thì làm thủ công, về kinh phí quận sẽ có chỉ đạo sau.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.