Nhằm kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ cho các nông sản của tỉnh Long An với các tỉnh, thành phố, Bộ NN-PTNT phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, và đại diện các tỉnh, thành phố, hiệp hội, nhà thu mua, siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức diễn đàn trực tuyến vào sáng 11/12.
Chủ đề của phiên thứ 15 diễn đàn kết nối nông sản 970 là "Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố". Diễn đàn được tổ chức ở 3 điểm cầu chính, là UBND tỉnh Long An, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), và Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam.
Phiên toàn thể Diễn đàn dự kiến diễn ra từ 8h -11h30 sáng 11/12.
Tại điểm cầu chính - UBND tỉnh Long An, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An; Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP. HCM; Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các khu công nghiệp tỉnh. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của nhiều điểm cầu tại các huyện, thị xã của tỉnh.
Đại diện lãnh đạo TP. HCM, lãnh đạo Sở Công thương, Sở NN-PTNT TP. HCM, Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý NN- PTNT II) cùng dự diễn đàn sáng 11/12.
Diễn đàn "Kết nối giao thương nông sản Long An" đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Long An như lúa gạo, thanh long, chanh và rau các loại, sản phẩm thủy sản và sản phẩm OCOP niên vụ 2021.
Thông qua diễn đàn, các bên liên quan hy vọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; kết nối người sản xuất, HTX, doanh nghiệp tỉnh Long An với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn các tỉnh thành trên cả nước.
11h00
Để nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho bà con nông dân
Đánh giá về phiên thứ 15 của Diễn đàn kết nối nông sản 970 ngày 11/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, diễn đàn đã thành công cả về mặt thông tin, lẫn kết nối giao thương.
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu, thông tin về nông sản Long An đã nắm được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. “Tất cả đều đánh giá cao các sản phẩm nông nghiệp của Long An. Tuy nhiên, tỉnh cần phát huy hơn nữa lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP. HCM”, Thứ trưởng cho biết.
Để nâng cao giá trị nông sản cũng như thu nhập cho bà con nông dân, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Long An cần quan tâm tới một số vấn đề.
Một là, đầu tư nâng cấp, mở rộng phát triển vùng nguyên liệu, với điển hình là huyện Châu Thành – gần như trồng thuần 100% thanh long.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý Long An quan tâm hơn nữa việc phát triển vùng nguyên liệu bằng cách xây dựng các HTX, phát triển khu vực kinh tế tập thể, tổ hợp tác. “Không có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ luôn e ngại khi rót vốn vào địa phương”, Thứ trưởng nói.
Hiện Bộ NN-PTNT lập đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu tập trung lớn trên cả nước, với quy mô khoảng 156.000 ha. Long An nằm trong vùng nguyên liệu Tứ giác Long Xuyên, và được Bộ NN-PTNT cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Hai là, xây dựng trung tâm dịch vụ, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Theo Thứ trưởng, mục tiêu của trung tâm là vừa nghiên cứu công nghệ, chuyển giao, đào tạo, vừa phát triển vùng nguyên liệu. Với lợi thế tiếp giáp TP. HCM, Thứ trưởng Trần Thanh Nam tin tưởng Long An có thể huy động và tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao từ thành phố trong việc xây dựng trung tâm, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch.
Ba là, phát triển đa dạng thị trường, cả trong nước lẫn ngoài nước. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, Long An nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung không nên tập trung vào một thị trường riêng lẻ. Với thị trường quen thuộc Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý Long An có kế hoạch tận dụng việc nước bạn sắp mở cửa thị trường cho chanh leo, sầu riêng, khoai lang.
Bên cạnh đó, ông khuyên Long An nên cập nhật sớm, kịp thời với thông tin các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, giúp tránh tình trạng ùn ứ khi vận chuyển.
Bốn là, gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới. Hiện Bộ NN-PTNT xây dựng chiến lược hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, Long An và Tiền Giang rất có lợi thế để du lịch cộng đồng. “Tỉnh cần nghiên cứu các điểm du lịch trọng điểm, theo hướng thuần nông nghiệp, tăng trải nghiệm cho du khách, nhất là những người có nhu cầu du lịch vào cuối tuần. Tỉnh cần nghiên cứu phương án để làm nổi bật lên giá trị truyền thông kết hợp với tiềm năng địa phương”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Phát biểu đáp từ, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cảm ơn Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, cho biết tỉnh đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến tham luận. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành của tỉnh có biện pháp cụ thể thực hiện chỉ đạo, gợi ý của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cũng như góp ý của các đại biểu.
Ông Lâm khẳng định diễn đàn hôm nay là “yêu cầu bức thiết, do giá đầu vào tăng, vận chuyển còn đôi chút khó khăn, giá nông sản có xu hướng giảm.
“Việc phục hồi, thúc đẩy sản xuất, tổ chức diễn đàn kết nối giao thương tiêu thụ nông sản là một yêu cầu bức thiết. UBND tỉnh Long An đã thấy rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng vùng sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, các diễn đàn, hội nghị kết nối cung cầu cho các nông sản chủ lực của tỉnh Long An với các tỉnh, thành phố và ngược lại”, ông Lâm nói.
Lãnh đạo tỉnh Long An cam kết thực hiện nghiêm túc các đơn hàng đã ký kết hôm nay. Long An cam kết với Thứ trưởng Trần Thanh Nam, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, phối hợp quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh nông sản, kết nối đầu vào, đầu ra nông sản giúp cho bà con nông dân, HTX tăng thu nhập, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng tiện ích liên kết tiêu thụ nông sản.
UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, xây dựng và triển khai chương trình phối hợp, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản cung ứng cho thành phố Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh, hệ thống cửa hàng tiện ích đến Long An để liên kết sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản; phối hợp với các tỉnh, thành phố để mở rộng, phát triển thị trường nông sản.
10h10
Cẩn trọng kiểm tra chất lượng sản phẩm, tránh ùn tắc tại cửa khẩu
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ những thông tin liên quan tới xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản đi Trung Quốc tại các cửa khẩu: Theo thông báo Sở Công thương Lạng Sơn, đến ngày 10/12, hiện có 4.000 xe đang “mắc kẹt” chưa thể thông quan tại Lạng Sơn, các bãi tập kết xe đã đầy kín.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã có văn bản gửi tới các địa phương, có phương án cân đối lại, chủ động biện pháp tạm thời bảo quản nông sản tại các kho lạnh, kết nối thông tin với Sở Công thương (Lạng Sơn) cập nhật thông tin tiến độ thông quan, để giảm thiểu những rủi ro, chi phí... cho doanh nghiệp.
Tại cửa khẩu Móng Cái, theo thông tin của Ban quản lý cửa khẩu sáng ngày 11/12, các xe thủy sản đông lạnh hiện tồn là 800 xe (cá ba sa, tôm đông lạnh…) và 300 công hoa quả. Riêng đối với sản phẩm thủy sản tươi sống vẫn thông quan rất thuận lợi.
Cũng theo ông Hòa, tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, năng lực thông quan giảm 50% so với trước đây, khoảng 220/ngày (trước 450 xe/ngày). Tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình 500 xe/ngày. Riêng với hoa quả đang ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít mất 10-14 ngày 1 xe mới được thông quan. Tại cửa khẩu Móng Cái, 1 ngày có 40- 50 xe được thông quan (trung bình 1 tuần thông quan được 1 xe).
Do đó, ông Hòa khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp hết sức cẩn trọng trong kiểm tra chất lượng sản phẩm… tránh nằm chờ ở cửa khẩu lâu, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp…
9h50
Chuỗi liên kết nông sản nâng cao đời sống người dân Long An
Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, đại diện Công ty TNHH San Hà, cho biết công ty là đơn vị cung ứng cho rất nhiều hệ thống siêu thị trong thị trường TP. HCM.
"Hiện tại, người dân Long An gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm lên thị trường TP. HCM, dù có các nỗ lực rõ ràng nhưng khó khăn vẫn còn do thị trường TP. HCM vẫn chưa thực sự hồi phục hoàn toàn về kinh tế", bà Hà nói.
Công ty San Hà mong muốn nông dân hiểu hơn về chất lượng sản phẩm họ trồng, từ đó đầu tư mạnh dạn hơn. Công ty đã mở chuỗi cửa hàng siêu thị tại Long An để người dân cảm nhận giá trị của sản phẩm, hiểu được thế nào là sản phẩm tốt đưa lên tiêu thụ được trên TP. HCM, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng cao và khắt khe hơn từ người tiêu dùng. Đây là một cơ hội tốt để nông dân Long An nâng cao nhận thức, học hỏi kinh nghiệm.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà có một điều tâm đắc rằng Chính phủ cùng các bộ ngành từ Trung ương tới địa phương đã rất quyết liệt trong các chính sách để đưa ngành nông sản ngày một chất lượng hơn, không chỉ đi sâu vào doanh nghiệp mà còn quan tâm đến người dân, khích lệ sản xuất đạt chất lượng cao hơn.
9h40
Postmart.vn đặt hàng thanh long, chanh, khoai mỡ, bưởi da xanh
Đại diện sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết đang có nhu cầu đặt hàng: Thanh long, Chanh, Khoai mỡ, Bưởi da xanh. Quy cách đóng gói: theo yêu cầu đơn đặt hàng xuất khẩu đi từng thị trường. Tiêu chuẩn chất lượng: Các sản phẩm có mã số vùng trồng, ưu tiên sản phẩm đạt các chứng nhận như GlobalGAP, Organic... Khối lượng thu mua: 300 – 500 tấn mỗi loại/năm. Giá thu mua: theo giá thị trường.
"Chúng tôi mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX có định hướng phát triển bền vững để hợp tác đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng cao để xuất vào thị trường Châu Âu, Nhật và Mỹ. Những nhà cung cấp có sản phẩm tốt liên lạc bằng cách để lại thông tin trên Chat Zoom Hoặc gửi Email giới thiệu về doanh nghiệp và nhu cầu cung ứng về địa chỉ: hotroketnoinongsan970@gmail.com", đại diện Postmart cho biết.
9h30
Huyện Bến Lức (Long An) mong được hỗ trợ tiêu thụ chanh
Ông Lê Thành Úc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức (Long An) chia sẻ những thông tin về cây chanh: Hiện nay, diện tích trồng chanh của tỉnh hơn 7.100 ha, trong đó, 1.200 ha ứng dụng công nghệ cao; sản lượng chanh khoảng 70.000 tấn/năm. Trong quy hoạch sắp tới, tỉnh sẽ đưa cây chanh thành cây chủ lực, tăng diện ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu lên 2.700 ha. Tuy nhiên, công tác tiêu thụ chanh đang gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù đã được các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ như TP HCM, nhưng sản lượng khó tiêu thụ vẫn còn khá nhiều.
Do đó, để tiếp tục duy trì, nâng cao khả năng tiêu thụ cho sản phẩm chanh, huyện Bến Lức mong muốn Bộ NN-PTNT, các tỉnh, thành trong cả nước, doanh nghiệp… hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chanh, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
9h25
Doanh nghiệp, HTX tìm đối tác cung - cầu nông sản
Thông qua Diễn đàn, chúng tôi nhận thêm thông tin của một số doanh nghiệp, HTX muốn tìm đối tác cung - cầu nông sản. Cụ thể:
- Công ty VINANUTRIFOOD VÀ chuỗi siêu thị NUTRIMART chuyên tìm kiếm và bao tiêu các nông sản, đặc sản khắp 63 tỉnh thành để phân phối tại hệ thống siêu thị Nutrimart trên cả nước và trên nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Hy vọng được hợp tác! Thông tin liên hệ: 0981.275.985 & Email: vnfpurchasing@gmail.com.
- HTX Thủy sản sinh thái cà mau Tài Thịnh Phát Farm. HTX có vùng nguyên liệu tôm cua cá sông hoàng toàn tự nhiên trong rừng ngập mặn, không thức ăn, không kháng sinh. Rất mong được hợp tác cùng các chuổi siêu thị, cửa hàng cùng nhau đưa sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Hiện sản phẩm đang có ở Aeon, MM Mega,... Thông tin liên hệ: Mai Thị Thùy Trang. Phone:0985.997.219 - 0916.907.749. Email: thuysansachtaithinhphat@gmail.com. Website: thuysansinhthaitaithinhphat.com.
- Hộ kinh doanh lạp xưởng – nem nướng KIM HUỆ, thị trấn Tầm Vu, Châu Thành, Long An cần mở rộng thị trường kinh doanh tại TP. HCM. Sản lượng cung cấp: 200 kg/ngày đối với mỗi loại lạp xưởng và nem nướng. Điện thoại liên hệ: 0787.879.179.
- HTX thanh long Long Trì, Châu Thành, Long An. Khả năm cung ứng sản phẩm: Trái thanh long tươi: 500 tấn/năm; Thanh long sấy: 100 tấn/năm. Điện thoại liên hệ: 0916.877.013 (Lực).
- HTX Phú Ngãi Trị, Châu Thành, Long An. Địa chỉ: 590/1 ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị, Châu Thành, Long An. Cung ứng sản phẩm trái thanh long ruộc đỏ, trắng, tím hồng: 200-500 tấn/năm. Điện thoại: 0906.060.234 (Cù Khắc Lâm).
- HTX nông nghiệp Thuận Mỹ, Châu Thành, Long An. Khả năng cung ứng sản phẩm: Dưa lưới: 24 tấn/năm; Thanh long ruột đỏ: 100 tấn/năm. Điện thoại: 0916.879.207 (Nguyễn Hồng Quang).
- Gạo Ông Thọ là DN có trụ sở tại TP. HCM và hợp tác sản xuất vùng nguyên liệu tại 3 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và gia công xay xát tại Tân Trụ, Long An. Chúng tôi chuyên canh ST24, ST25, nguồn giống xác nhận; các loại gạo đặc sản: gạo màu thảo dược canh tác hình thức lúa tôm, kiểm soát dư lượng, có bao bì 50kg, túi 5kg, túi 1kg hút chân không định hình chữ nhật phù hợp quà biếu tết. Rất mong được kết nối tiêu thụ. Chi tiết liên hệ: thao.duong@gaosach.vn - Điện thoại: 0966.811.811.
9h20
Nâng cao giá trị nông sản Long An bằng các phương pháp công nghệ
Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP. HCM, số liệu của của Tổng cục Thống kê, nông nghiệp ĐBSCL có những đóng góp quan trọng trong nền nông nghiêp quốc gia, trong đó bao gồm Long An - một trong những địa phương đóng vai trò hàng đầu. Tuy nhiên, các mô hình nuôi trồng của ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Sản xuất còn nhỏ lẻ và tự phát, không theo quy hoạch quy mô, người dân còn tư duy sản xuất thủ công.
PGS. TS Trần Thiên Phúc đã giới thiệu một số công nghệ nhằm nâng cao giá trị và chất lượng nông sản Long An. Một số công nghệ tiêu biểu có thể kể đến: Công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, tạo mức độ đồng đều về mặt trao đổi, giảm chi phí sản xuất; Hệ thống CNTT (IoT) đi vào sản xuất giúp kết nối các trang thiết bị, chia sẻ thông tin trong toàn mô hình trồng lúa (quản lý đất, nước, chất lượng cây trồng,…); Sử dụng máy bay không người lái (Drones) hỗ trợ canh tác, bảo vệ sức khỏe người dân, tiết kiệm chi phí và tài nguyên; công nghệ quang phổ đa bước sóng chẩn đoán được tất cả các thông số liên quan đến vấn đề trồng trọt;…
Một số đề xuất đã được đưa ra cho tỉnh Long An: Xác định một số sản phẩm chủ lực, ví dụ như hiện nay lúa gạo có quy mô 500.000 ha, thanh long 12.000 ha, chanh 13.000 ha,…; xác định đa dạng hóa nông sản (thực phẩm chức năng, gia vị,...); xây dựng chuỗi nông sản sau thu hoạch, kết nối nhà nông cùng hệ thống lưu trữ và các nhà cung cấp; lựa chọn các công nghệ phù hợp cho canh tác và chế biến sâu.
9h10
Hàng hóa không chỉ bán bằng chất lượng, mà còn bằng cảm quan, mẫu mã bao bì
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc giao dịch và cung cấp sản phẩm của Sài Gòn Co-op cho biết quan tâm đến các sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó có Long An. Bà tham mưu rằng cần phát triển sản phẩm OCOP đến nhiều vùng miền, trở thành đặc trưng, thế mạnh, mũi nhọn trong cả tiêu thụ lẫn xuất khẩu.
Bà Tuyền lấy ví dụ về sản phẩm lạp sườn ở Long An rất chất lượng, nhưng hiện không biết đâu là nơi sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như truy xuất được nguồn gốc.
Theo bà, các HTX, chủ cơ sở sản xuất tại Long An nên tham dự các hội nghị xúc tiến, tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm để nhận những phản hồi từ các địa phương khác. Bên cạnh đó, bà đề nghị các đơn vị của Long An tổ chức phối hợp thực hiện các tour trải nghiệm miễn phí, giúp du khách biết đến nhiều hơn nông sản địa phương.
Về quy trình canh tác, bà muốn sự đồng hành từ các Sở, ban, ngành để người dân có kỹ thuật chăm sóc, hồ sơ giấy tờ theo đúng tiêu chuẩn, giảm giảm thiểu chi phí thủ tục.
“Người dân cần hiểu, tại sao khi đưa hàng vào các kênh như siêu thị lại phát sinh nhiều chi phí. Hàng hóa không chỉ bán bằng chất lượng, mà còn bằng cảm quan, bằng mẫu mã bao bì”, bà Tuyền chia sẻ.
Cuối cùng, bà kiến nghị Long An có phương án giúp người dân có nhận thức về chế biến, bảo quản nông sản, từ lúc sau thu hoạch đến đóng bao bì. Bà lấy ví dụ về sản phẩm chuối, người dân cần biết thời điểm thu hoạch, thời gian vận chuyển… như thế nào là tối ưu.
Hiện Sài Gòn Co-op lên kế hoạch mở rộng chuỗi siêu thị, phân phối sản phẩm tới Long An, với lượng tiêu thụ cụ thể hàng ngày là: 10 tấn trái cây, 30 tấn rau củ, 10 tấn thịt. Thay mặt Sài Gòn Co-op, bà Tuyền mong lãnh đạo tỉnh Long An tăng cường hơn nữa việc kết nối giao thương.
9h00
Vina T&T dùng du lịch để quảng bá nông sản
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina T&T cho biết, công ty có chuỗi hệ thống phân phối trong nước ở nhiều tỉnh, thành phố. Với Long An, công ty đã liên kết với sản phẩm chanh không hạt được 5-6 năm. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu thanh long đỏ vào Mỹ, Australia, Canada…. và đã có thị phần nhất định tại các thị trường này. Sắp tới, Vina T&T sẽ xuất khẩu chanh không hạt sang thị trường Trung Đông.
Theo ông Tùng, nông sản Việt có quán tính xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, ông kiến nghị tỉnh Long An nói riêng và các nước nói chung cần đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Mỹ.
“Chúng ta cần hình thành thêm nhiều vùng trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để có thể làm được điều này”, ông Tùng chia sẻ.
Về du lịch sinh thái ở vùng trồng, như tham luận của TS. Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm PTNT Saemaul Undong, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM, ông Tùng tiết lộ, rằng rất nhiều du khách quốc tế muốn biết nông sản được trồng ở đâu, chế biến như nào.
Vina T&T hiện hình thành một số tour du lịch để thăm vùng nguyên liệu, nhà máy sơ chế như vùng trồng thanh long đỏ ở Long An, vùng xoài Đồng Tháp, vùng nhãn Vĩnh Long. Bên cạnh đó, công ty đã sắp xếp cho nhiều đoàn trong nước đi thăm các khu vực này, và nhận phản hồi tích cực.
Ông Tùng cho rằng: “Qua các tour du lịch, du khách sẽ tuyên truyền, quảng bá giúp các sản phẩm nông sản Việt ra thế giới”.
Thông qua Diễn đàn kết nối nông sản 970, ông Tùng bày tỏ mong muốn, Vina T&T trở thành cánh tay nối dài đưa nông sản Long An đến nhiều thị trường trên thế giới. Trước mắt, ông đặt mục tiêu đưa nông sản tới sâu hơn vào trung tâm nước Mỹ bằng cách nâng cao chất lượng nông sản, và các kỹ thuật bảo quản.
8h50
TS. Ngô Thị Thu Trang: Gia tăng giá trị nông sản bằng cách gắn với du lịch
Nhấn mạnh việc tăng giá trị nông sản, TS. Ngô Thị Thu Trang, cho biết: “Một trong những cách làm nông nghiệp hữu cơ hiệu quả là gắn với du lịch. Bộ NN-PTNT cũng đưa du lịch vào phát triển nông thôn mới. Đây là điều các nước đã làm và rất thành công”.
Phó Giám đốc Trung tâm PTNT Saemaul Undong, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM dẫn câu chuyện về vang Bordeaux của Pháp: “Chúng ta nói đến rượu vang là nghĩ đến vang Bordeaux, cho dù bên cạnh đó còn vang Chile, vang Australia và nhiều nơi khác. Điều này có được bởi Pháp đã quá thành công trong việc xây dựng thương hiệu”.
Lý giải nguyên nhân này, bà Trang cho rằng một trong những nguyên nhân là Pháp rất chú trọng quy hoạch vùng trồng, miền bắc thì vang trắng, vang hồng. Miền nam thì là vang đỏ Bordeaux, và vùng nào cũng áp dụng nông nghiệp hữu cơ. Pháp cũng tổ chức tour cho du khách hàng tuần đến tham quan, nếm rượu, cho ý kiến. Khía cạnh thứ hai là nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch.
Bà Trang nhận định Long An có bề dày lịch sử, tiềm năng du lịch. “Nông sản gắn với làng nghề truyền thống như Rượu đế Gò Đen là điều chúng ta nên nghĩ tới, hay như gạo Nàng Thơm chợ Đào đã xuất hiện ở Mỹ. Khôi phục lại việc trồng hữu cơ là điều cần làm, và nghiên cứu thực tế của chúng tôi cho thấy nông dân cũng háo hức”.
Lãnh đạo Trung tâm PTNT Saemaul Undong nhấn mạnh tới việc tăng giá trị hạt gạo qua việc cho khách hàng thấy giá trị gắn kết cùng văn hóa, lịch sử vùng miền.
Cụ thể hơn, bà Trang cho biết mô hình ở Hàn Quốc cho thấy nông nghiệp kết hợp du lịch cho nông dân thu nhập cao hơn 8% so với cách làm truyền thống. Long An cũng đang từng bước thử nghiệm việc này, cụ thể tại làng hoa mai Tân Tây đang hướng tới mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch như bán cây mai, kèm các sản phẩm phụ như tinh dầu hoa mai, ẩm thực hoa mai.
8h45
TP. HCM: Nhu cầu tiêu dùng lớn, nhất là dịp Tết Nguyên đán
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM trình bày đặc điểm nhu cầu và thị trường tại thành phố.
Theo ông Hiệp, TP. HCM là một đô thị đông dân nhất phía Nam (trên 10 triệu dân và 2 triệu khách vãng lai). Do đó, đây là thị trường tiêu thụ nông sản, phân phối hàng hóa bán buôn rất lớn… Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân thành phố bình quân hơn 8.200 tấn/ngày (tương đương 250.000 tấn/tháng. Trong đó, rau củ quả hơn 4.200 tấn/ ngày (127.000 tấn/tháng); gạo khoảng 2.000 tấn/ngày (60.000 tấn/tháng); thịt gia súc gần 1.000 tấn/ngày (30.000 tấn/tháng); thịt gia cầm 20.000 tấn/tháng, thủy sản 430 tấn/ngày (13.000 tấn/tháng).
Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của thành phố chiếm tỷ trọng nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố, phần lớn sản phẩm nông sản người dân sử dụng được nhập từ các tỉnh thành.
Hiện, thành phố tự sản xuất được hơn 55.000 tấn/tháng, đáp ứng được 20-25% nhu cầu tiêu thụ. Trong đó, rau củ quả khoảng 51.000 tấn/tháng (đáp ứng được gần 40%); gạo 4.600 tấn/tháng (đáp ứng 8%); Thịt gia súc hơn 3.800 tấn/tháng (đáp ứng 13%), thịt gia cầm 230 tấn (1%), thủy sản (40%) so với nhu cầu tiêu thụ.
Đặc biệt, nhu cầu về lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán năm nay rất lớn, nhất là sản phẩm gia súc gia cầm. Hiện, tổng đàn heo khoảng 27.000 nghìn con, mới chỉ đáo ứng được hơn 10 % so với nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán, gần 90% phải nhập từ các tỉnh về. Tổng đàn gia cầm 243.000 con, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nhu cầu thịt heo tăng 30-70%, thịt cầm tăng 12-14%, thịt trâu bò tăng 40-60%...
Trên cơ sở đó, ông Hiệp bày tỏ mong muốn, trong bối cảnh TP. HCM chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua, khả năng tự sản xuất sụt giảm, nên rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của các tỉnh phía Nam nói chung, nhất là Long An là tỉnh giáp ranh trong việc đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố có hệ thống phân phối hàng hóa phong phú, các chợ truyền thống đã mở lại gần hết, các điểm tập kết hàng hóa từ các tỉnh về vẫn được duy trì và hoạt động ổn định. Do đó, TP. HCM phố sẽ hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, nhất là chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu hoạt động thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch….
8h25
Doanh nghiệp cần tìm đối tác
Thông qua khuôn khổ Diễn đàn, chúng tôi nhận được thông tin từ một số doanh nghiệp muốn tìm đối tác cung - cầu nông sản. Cụ thể:
- HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân, chuyên sản xuất kinh doanh nhãn Hương Chi Ea Kar và vải U Hồng chín sớm, diện tích, sản lượng, nguồn hàng cung cấp quanh năm. Địa chỉ: số 26, thôn An Bình, xã EaTih, huyện EaKar, tỉnh Đăk Lăk. Liên hệ: Điện thoại: 0919.458.100, 0975.515.695. Email: trongphuong3@gmail.com.
- Tôi là Đặng Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Mega A (ddtrans.co) - muốn giúp mọi người xuất khẩu thông qua hệ thống tổ chức FIATA. Mong muốn được thăm từng đơn vị HTX, vựa, nhà xuất khẩu có nhu cầu. Điện thoại: 0918.455.668.
8h20
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm 2021 ước khoảng 2,07%. GRDP bình quân đầu người tăng nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Năm 2010, mức trung bình là khoảng 23,2 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020, GRDP đạt khoảng 77 triệu đồng/người/năm, và 2021 đạt hơn 80 triệu. Về cơ cấu, tỷ lệ nông, lâm, nghiệp chiếm hơn 15%.
Với khoảng 300.000 ha đất nông nghiệp, lúa vẫn là nông sản chính của Long An, với sản lượng khoảng 2,9 triệu tấn/năm, trong đó có 1,6 triệu tấn lúa chất lượng cao. Ngoài lúa, Long An còn sản lượng lớn về rau 200.000 tấn rau, 330.000 tấn thanh long, khoai mỡ khoảng 47.000 tấn.
Về chăn nuôi, Long An có khoảng 9 triệu con gia cầm, lợn 85.000 con, và hơn 40 cơ sở giết mổ. Về thủy sản, sản lượng của tỉnh khoảng 72.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 15.000 tấn. Long An có nhiều đặc sản, được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao, tạo được chỗ đứng trên thị trường như gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, thanh long Châu Thành, đậu phộng Đức Hòa…
“Trọng tâm phát triển của tỉnh là nông nghiệp công nghệ cao. Long An mong hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng để giúp người dân ổn định sản xuất”, ông Lâm cho biết.
Thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng bởi dịch: đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi có thể gặp khó khăn trong đợt Tết do người dân hiện không mặn mà tái đàn.
“Trong điều kiện bình thường mới, Long An muốn nghe ý kiến từ các đơn vị, về việc tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị để tỉnh phát triển tốt hơn nữa việc cung ứng, cũng như chất lượng nông sản”, ông Lâm bày tỏ.
8h10
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc sản tỉnh Long An
Với phiên diễn đàn kỳ thứ 15 này, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại của tỉnh Long An kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP trong điều kiện tình hình mới, Bộ NN-PTNT và UBND Long An tổ chức hội nghị Kết nối quảng bá nông sản giữa Long An và các tỉnh/thành phố, với hình thức trực tuyến”, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản, cho biết.
Diễn đàn nhằm thực hiện thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Long An như lúa gạo, thanh long, chanh và rau các loại, sản phẩm thủy sản và sản phẩm OCOP niên vụ 2021; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; kết nối người sản xuất, HTX, DN tỉnh Long An với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn các tỉnh thành trên cả nước.
"Diễn đàn ngày hôm nay sẽ diễn ra trong 01 buổi thông qua hình thức trực tuyến với 3 điểm cầu chính là Hà Nội, TP. HCM, Long An, cùng các điểm cầu phụ tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Long An", ông Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu khai mạc diễn đàn.