“Thực phẩm hữu cơ đang ngày càng rất phổ biến, thị phần “áp đảo” thị trường. Với nhu cầu bùng nổ như hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ mọc lên như nấm...”
Tôi đọc những lời quảng cáo này trên mạng về thực phẩm hữu cơ ở TP.HCM mà hơi hãi. Thực tế có phải như thế không? Nhất là sau hai năm đại dịch hoành hành ở thành phố này?
Phải nhìn nhận là hai chữ hữu cơ hiện tiêu biểu cho cái gì rất đẳng cấp và hấp dẫn. Chưa thực sự hữu cơ cũng phải “chêm” một tí. Chúng tôi đang làm thực phẩm hướng hữu cơ (ý nói cách làm thì y vậy, chỉ có... chưa làm giấy chứng nhận thôi). Có người nói tôi canh tác thuần túy tự nhiên, không là hữu cơ thì là gì?
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 57/63 địa phương đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ, với 17.168 nông dân tham gia. Đồng thời có 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản hữu cơ đến 180 thị trường quốc tế, với kim ngạch 335 triệu USD/năm.
Nhưng hình như vẫn đang tồn tại rất nhiều cách hiểu về mô hình canh tác hữu cơ rất khác nhau. Vì vậy thiết nghĩ là không thừa nếu đưa ra một định nghĩa đơn giản mà rõ ràng về mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo 6 không: Không phân bón vô cơ, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không dùng giống biến đổi gen, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng và không có hóa chất trong đất và nước.
Bốn nguyên tắc của sản xuất hữu cơ là: (1)Health= hệ miễn dịch, đem lại sức khỏe cho muôn loài-(2)Ecology: Hệ sinh thái tự nhiên và có thể kiểm soát được-(3)Fairness: Đối xử công bằng với muôn loài và (4)Care: Bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống.
Thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển. Điều này dễ hiểu vì tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng tăng và tình trạng đủ ăn, này đã chuyển thành ăn uống sao cho tốt cho sức khỏe. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch và hữu cơ tăng nhanh ở các nước trên thế giới.
Thị trường “thật” của nông sản hữu cơ
Cách đây 4 tháng, Hội chợ quốc tế về thực phẩm lớn nhất châu Á là Thaifex đã đưa ra các xu hướng lớn về tiêu dùng thực phẩm trên thế giới: Thứ nhất là nhu cầu ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe và tiện lợi, từ đó xuất hiện “Đạm thay thế” là xu hướng được các cuộc khảo sát và dự báo thị trường thế giới cùng nêu rõ nhất. Kế đó là nhu cầu quản lý tốt sức khỏe mỗi người bằng chú ý vai trò vi sinh vật và thứ ba là trở về với cội nguồn, chú ý lợi thế sản xuất tại địa phương, bằng tài nguyên địa phương.
Và đến lúc này, chỉ chưa đầy hai quý sau, cuộc khảo sát mới nhất vừa được Hội chợ Sial Paris (hội chợ thực phẩm vào hàng lớn nhất châu Âu) công bố thì xu hướng thứ nhất vẫn là “tốt cho sức khỏe” song xu hướng thứ hai đã là: Ăn uống có đạo đức, tức góp phần bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính và có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, đối phó khủng hoảng lương thực, giảm khí thải CO2, nghĩa là xu hướng tiệm cận với những cung cách sản xuất, kinh doanh của loại sản phẩm hữu cơ.
Ở Việt Nam, sản phẩm hữu cơ ngày nay được quảng cáo mạnh mẽ và bày bán ở những không gian, những quầy kệ trang trọng nhất. Ngoài các siêu thị lớn có khu vực riêng cho sản phẩm hữu cơ, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản và thực phẩm hữu cơ cũng xuất hiện nhiều hơn. Và đặc biệt chuỗi nhà hàng thực phẩm hữu cơ tức chế biến bằng nguyên liệu hữu cơ cũng đang mọc lên nhiều. Hình thức bán hàng online, sau hai năm đại dịch tại TP.HCM cũng phát triển mạnh hơn.
Trên thị trường nội địa, người dân thành phố ít nhiều cũng đã có tiếp cận những thương hiệu thực phẩm hữu cơ sau, xin kể (nhưng tôi tin rằng kể vẫn còn thiếu):
1/ Vinamit Organic là thương hiệu quen thuộc được tin cậy, có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn với hình thức mẫu mã trang trọng và khác biệt. Hiện công ty này có nông trường lớn là Phú Giáo 150ha ở Bình Dương, có 10 nông trường trên khắp cả nước để cung cấp rau củ tươi và có nhiều nhà máy để cung cấp cả thực phẩm hữu cơ đóng gói.
2/ Happy Vegi có khu nguyên liệu ở ven thành phố và ở Măng Đen, cung cấp rau củ hữu cơ có uy tín.
3/ Organicfood.vn là cửa hàng trên mạng, tự giới thiệu là phân phối những loại thực phẩm hữu cơ có chứng nhận, thực phẩm tự nhiên và không có nguồn gốc biến đổi gene (GMO) được đóng gói, kiểm tra cẩn thận và mang đến tận nhà khách hàng.
4/ Đà Lạt GAP Store tự cho rằng thị phần thực phẩm hữu cơ của mình đã tăng hơn 50% gần đây với giá bán cạnh tranh. Có trang trại Đà Lạt GAP cách xa trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 20km.
5/ Hoa Sữa Food có nông trang lớn chuyên sản xuất hữu cơ ở Cà Mau và chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ HoaSuaFoods Market & Bistro cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng chuỗi thực phẩm sạch – an toàn đã được cấp giấy chứng nhận. Nhiều loại rau rừng, rau ăn lá, rau gia vị, củ, quả... và gạo hữu cơ, bún, mì các loại.
6/ Thương hiệu “Rau cười Việt Nhật” cung cấp các sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, ngoài nông trại ở Đăk Lăk thì Rau cười Việt Nhật cũng lấy hàng từ nhiều hộ gia đình địa phương (đã kiểm định chất lượng) và quá trình canh tác từ gieo giống đến đóng gói đều làm thủ công nên giá thành có hơi cao một chút.
7/ Một cửa hàng khác là Rau sạch VƯỜN CỦA MẸ - Vườn KHÔNG HÓA CHẤT có sản phẩm mang thương hiệu Great VN có sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý và dịch vụ cộng thêm độc đáo.
8/ Organica có các trang trại ở các tỉnh có chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ (USDA) và Liên minh châu Âu. Phối hợp cùng một số công ty sản xuất thực phẩm hữu cơ khác, đến nay, Organica đã có gần 1.000 mặt hàng có chứng nhận hữu cơ các loại bao gồm các loại thực phẩm tươi, thực phẩm khô, các loại gia vị hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, sản phẩm chăm sóc gia đình đến các sản phẩm chăm sóc cá nhân làm từ bông (cotton) có chứng nhận hữu cơ quốc tế.
9/ Go Green cũng có rau củ quả, thủy sản, trái cây, thịt hữu cơ, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
10/ Cửa hàng hữu cơ và Thực Dưỡng Vi Food tự cho là mình có giá cả rất hợp lý, đang mang đặc sản hữu cơ khắp các tỉnh thành Việt Nam tới khắp các tỉnh thành về cho người tiêu dùng thành phố, đặc biệt có chả lụa tự làm, gia vị, có sữa hữu cơ, thuận tự nhiên không hóa chất, không thực phẩm biến đổi gen.
Ngoài ra ở TP.HCM, còn có chuỗi các nhà hàng ăn cao cấp có thực phẩm chế biến toàn nguyên liệu hữu cơ. Hiện nay, các cửa hàng plant-baesd còn rất mới với dân thành phố nhằm đáp ứng xu hướng mới cũng đang chuẩn bị ra mắt, tạo không khí mới cho thực khách thích ăn ngoài, ít nấu tại nhà từ sau đại dịch.
Tuy kể lể nhiều thương hiệu vậy, dù sức mua thực phẩm hữu cơ có tăng nhưng nhìn chung, theo ước lượng của chúng tôi thị phần của sản phẩm này, loại nguyên liệu tươi và đã chế biến cũng chỉ chiếm chừng 10% thị trường thực phẩm nói chung.
Còn thị trường xuất khẩu?
Nhiều thách thức đang đặt ra cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm hữu cơ: Trở ngại lớn nhất là về giá. Tuần qua, chúng tôi đi rảo các điểm bán thực phẩm hữu cơ, ghi nhận rồi chia lấy điểm trung bình thì thấy là thông thường, giá thực phẩm hữu cơ cao hơn thực phẩm thường là 6 lần. Hình thức của sản phẩm thường khi cũng không mượt mà, phổng phao, bóng bẩy như các loại rau củ, trái cây có sử dụng chất kích thích hay bảo quản. Hiện nay sản phẩm ngoại được nhập bổ sung cho đầy đủ nhưng cũng chưa thể phong phú bằng thị trường sản phẩm tươi đang có mặt.
Khách hàng mua thực phẩm hữu cơ thường chọn mua cửa hàng hay siêu thị quen để tránh bị nhầm hàng giả, vì vậy, việc duy trì cửa hàng với các thương hiệu riêng là rất cần thiết nhưng cũng hết sức tốn kém.
Hiện nay cũng còn nhiều ngộ nhận về sản xuất thực phẩm hữu cơ. Vài tờ báo viết đến “phong trào” dùng phân hữu cơ, thấy chi phí phân giảm, tích cực cho... sản phẩm hữu cơ. Nhưng đâu phải chỉ dùng phân hữu cơ là đủ?
Kỷ luật sản xuất nghiêm ngặt nhất là sản phẩm hữu cơ, các nguyên tắc và kỷ luật không thể “linh hoạt” nên giá hàng phải cao.
Việc hạn chế hóa chất là cơ bản tốt nhưng cũng đã có những trường hợp “vận dụng” không đúng nguyên tắc không dùng phân bón, thuốc sâu lại thành ra có hại, như ở Sri Lanca, dẫn tới tình hình nông nghiệp thất bại, dân đói và khủng hoảng lương thực thực phẩm thêm trầm trọng.
Trường hợp mới đây, Sri Lanka đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Hai tháng trước, hàng nghìn người biểu tình đã xông vào phủ Tổng thống ở Thủ đô Colombo của Sri Lanka, và cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị lật đổ.
Khi chính quyền mới lên thay, với nguồn dự trữ ngoại tệ hầu như không có, nước này không thể nhập khẩu nhiên liệu và cả phân bón cho nông nghiệp. Lệnh cấm phân bón hóa học đẩy ngành nông nghiệp vào hỗn loạn. Nhiều chính trị gia cho là nên “tận dụng thời cơ” thiếu tiền để ngưng nhập phân bón và thuốc trừ sâu, coi như chuyển qua làm... hữu cơ luôn !
Sự việc không đơn giản vậy. Việc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ cần nhiều năm để thực hiện. Hệ thống kiểm tra đất, nước và việc huấn luyện cho nông dân tránh phụ thuộc vào phân, thuốc là tối cần thiết cũng phải được thực hiện.
Thực tế là tình trạng thiếu phân bón đã ảnh hưởng đến nông nghiệp trong nước, đặc biệt là sản xuất lúa gạo bị giảm năng suất trầm trọng. Rồi việc thiếu thuốc trừ sâu, thiếu nhiên liệu chạy máy khiến việc thu hoạch, vận chuyển bị ách tắc. Như vậy, giảm phân thuốc không phải là làm hữu cơ và chỉ càng nhấn chìm thêm nền nông nghiệp đang khủng hoảng.
Về thị trường xuất khẩu, hiện nay, nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất là thị trường châu Âu. Vậy xin xem qua vài số liệu mà chúng tôi thu thập từ tổ chức thống kê chính thức của EU.
Doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro - Thị trường đang tiếp tục phát triển. Với 11,97 tỷ euro doanh thu bán lẻ, Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới.
Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0% . Mức tăng trưởng cao nhất được quan sát thấy ở Pháp (13,4%). Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi.
Ai là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường hữu cơ châu Âu? Xin thưa là Trung Quốc với nhóm sản phẩm chủ lực là trái cây nhiệt đới. Dữ liệu về nhập khẩu hữu cơ sang Liên minh châu Âu năm 2019 cho thấy tổng cộng 3,2 triệu tấn sản phẩm hữu cơ đã được nhập khẩu vào châu Âu.
Người tiêu dùng châu Âu ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ. Họ đã chi tiêu 84 euro cho thực phẩm hữu cơ mỗi người hàng năm (số liệu năm 2019). Tính theo đầu người, chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm hữu cơ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Người tiêu dùng Đan Mạch và Thụy Sĩ chi tiêu nhiều nhất cho thực phẩm hữu cơ trên đầu người (tương ứng là 344 và 338 euro).
(Tham khảo đường link tổ chức này: (https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php?title=Organic_farming_statistics#Organic_production)
Xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất nhưng cần xem xét thực trạng kinh tế, khả năng tiêu dùng nói chung của người dân. Vì vậy, vẫn cần khuyến khích các loại thực phẩm an toàn và sạch, đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn cần thiết.
Với thực phẩm hữu cơ, tham khảo cuốn sách mới đang gây dư luận tích cho việc sản xuất và sử dụng thực phẩm hữu cơ có tên: Organic Australia-Việt Nam do tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền và các chuyên gia biên soạn sau 6 tháng đã huấn luyện qua mạng, chúng ta thấy rõ thêm những trường hợp nỗ lực cao nhưng kinh doanh thất bại. Đó là vì hiện nay thông tin nhận thức của người dân còn thiếu, và khi bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thì việc chăm chút chọn vị trí trưng bày bắt mắt, tiếp thị đúng mức còn chưa được chú trọng.
Thị trường cho nông sản hữu cơ và cho đông đảo người tiêu dùng Việt Nam
Như vậy, xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất và nông sản hữu cơ cần được đứng ở vị trí dẫn dắt, như tiêu chuẩn mà nền nông nghiệp nên hướng tới.
Tuy nhiên, phải cần xem xét thực trạng kinh tế, khả năng tiêu dùng nói chung của người dân. Vì vậy, vẫn cần khuyến khích các loại thực phẩm an toàn và sạch, đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn cần thiết. Trong tình hình khả năng tiêu dùng thực phẩm của đa số người Việt còn dừng ở mức chỉ cần an toàn thì cần chú ý để người tiêu dùng chưa phân biệt rõ giữa loại sạch và an toàn. Khả năng mua rau một cách dễ chịu, không phải rướn chân của người tiêu dùng thì dùng thực phẩm an toàn là thích hợp nhất, hai từ an toàn đây có nghĩa là có thể dùng hóa chất (phân, thuốc) nhưng hóa chất là được danh mục nhà nước cho phép sử dụng, kèm với việc tuân thủ thời gian cách ly. Còn thực phẩm sạch là không dùng hóa chất (không phân bón và 3 loại thuốc hóa chất là diệt cỏ, trị bệnh và trừ sâu).
Tóm lại, các doanh nông đang sản xuất hay kinh doanh nông sản và thực phẩm hữu cơ đều có chung một điểm họ thiết tha kiến nghị: Hãy giữ vững niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam.
Minh Hạnh