Khai hội Gò Đống Đa, sẵn sàng cho biểu diễn 3D mapping tối nay
Chủ Nhật 02/02/2025 , 13:02 (GMT+7)Lễ hội Gò Đống Đa năm nay được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4/2/2025, trong đó nổi bật là màn trình diễn 3D mapping vào tối 2/2.
Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, vào ngày mùng 5 tháng Giêng, Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (hội Gò Đống Đa) được tổ chức để tưởng nhớ công lao của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân đã anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Điểm đặc biệt nhất của lễ hội Gò Đống Đa năm nay là nhân dân và du khách không chỉ được chứng kiến lễ khai mạc diễn ra vào buổi tối, mà có lúc sẽ như đang trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên; có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút; có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Trong sáng Chủ nhật, ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ) đã diễn ra lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; lễ Rước kiệu. Sau đó là các hoạt động biểu diễn múa Lân, múa Rồng; đồng diễn thể thao; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ Tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống.
Tối 2/2, theo tiết lộ của Ban tổ chức lễ hội Gò Đống Đa, chương trình nghệ thuật sẽ có nhiều tiết mục độc đáo được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại với các chương hồi, cảnh diễn, nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống... Đây có thể coi là chương trình được tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay của Lễ hội.
“Cho đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội đang gấp rút thực hiện, trong đó điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước” đã hoàn thành 80% hạng mục công việc; đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra. Với nhiều yếu tố mới lần đầu tiên diễn ra nên địa phương đã lên các phương án chuẩn bị kỹ lưỡng. Quận yêu cầu các địa phương bám sát kịch bản, kế hoạch tổ chức, sẵn sàng công tác tổ chức và ứng phó với các tình huống trước, trong và sau Lễ hội”, đại diện BTC chương trình cho biết.
Ngược dòng lịch sử cách đây 236 năm vào mùa Xuân Kỷ dậu 1789, dưới sự lãnh đạo và chỉ huy tài tình của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với một cuộc hành quân thần tốc chưa từng có, đập tan quân xâm lược Mãn Thanh, được chỉ huy của tướng tài Tôn Sỹ Nghị, giải phóng Thăng Long, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Triều đình nhà Thanh từ khi được thành lập luôn rắp tâm xâm lược thôn tính nước ta, luôn kiếm cớ gây hấn. Lơi dụng việc Lê Chiêu Thống bán nước cầu vinh, cầu viện nhà Thanh với mối thù sâu sắc với nhà Nguyễn, nhà Thanh đã mang 20 vạn quân viễn chinh sang xâm lược nước ta. Không thể nhìn đất nước bị giặc phương Bắc giày xéo, nhân dân chịu cảnh lầm than nô lệ, trước mối thù trong giặc ngoài của bọn phong kiến bán nước và triều đình nhà Thanh, Nguyễn Huệ đã dấy binh khởi nghiệp và lên ngôi Hoàng đế hiệu là Quang Trung rồi nhanh chóng tổ chức cuộc hành quân thần tốc ra Bắc.
Đầu tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, Nguyễn Huệ đã chỉ huy hành quân sau một thời gian rất ngắn đã có mặt tai Tam Điệp và hội quân với Tướng Ngô Văn Sở chuẩn bị tiến vào Thăng Long, tuyên chiến với quân Thanh. Với tài chỉ huy và lực lượng quân tinh Nhuệ và sự ủng hộ của nhân dân các vùng trong cả nước nơi nghĩa quân hành quân qua, tiếp tế lương thực và tuyển mộ người tài giỏi tham gia nghĩa quân, nghĩa quân Tây Sơn đã vượt qua và tiêu diệt các đồn bốt của giặc như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo lần lượt thất thủ.
Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn bao vây khống chế đồn Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20km) làm tan rã lực lượng lớn quân Thanh mở màn cho chiến dịch giải phóng Thăng Long. Ngày mồng 4 Tết Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân đã tiếp cận được đồn Ngọc Hồi và phối hợp với các đạo quân khác chuẩn bị đánh chiếm và giải phóng Thăng Long.
Sáng sớm mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn khắp nơi hò reo nổi dậy, xung trận phá hủy các chiến lũy, đồn bốt và toàn bộ hệ thống phòng thủ phía nam đồn Ngọc Hồi, đồng thời phối hợp với đạo quân của tướng Đặng Tiến Đông mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ tiến vào khu đồn bốt Đống Đa, nhanh chóng thọc sâu vào những vị trí trọng yếu của quân Thanh tiêu diệt sở chỉ huy địch. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa một lần nữa chứng minh cho tài thao lược của nhà quân sự áo vải tài ba Quang Trung - Nguyễn Huệ và tinh thần yêu nước của dân tộc ta với ý chí quật khởi và cuộc hành quân thần tốc, nghệ thuật chớp thời cơ trong dấy binh khởi nghiệp.
tin liên quan
Rực rỡ sắc mai anh đào miền cao nguyên đá
Thời điểm này, trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) rực rỡ sắc hoa mai anh đào, tô điểm thêm sức xuân miền biên viễn và thu hút du khách tìm về.
Bánh chim gâu: Tinh hoa quà Tết của người Cao Lan
Bánh chim gâu là thức quà đặc sản ngày Tết của người Cao Lan ở thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang.
Người Hà Nội nô nức đi lễ chùa ngày đầu năm Ất Tỵ
Ngày đầu năm mới Tết Ất Tỵ, hàng nghìn người dân và du khách tìm tới các đền chùa để cầu bình an, mong một năm mới vạn sự như ý.
Hoa mai anh đào 'phủ hồng' thiên đường du lịch Măng Đen
Hoa mai anh đào nở rộ, 'phủ hồng' cả thị trấn Măng Đen khiến nhiều du khách phải thổn thức, đắm mình trong những khung cảnh thơ mộng, lưu giữ những kỷ niệm tuyệt đẹp.
Múa khèn, tung còn, đốt lửa trại, ra đồng… đón xuân mới
Bắc Kạn Người dân ở miền núi tỉnh Bắc Kạn múa khèn, tung còn, đốt lửa trại, hát then đón xuân mới, cầu mong an lành, quê hương đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.