| Hotline: 0983.970.780

Khai thác cá kiểu tận diệt

Thứ Năm 10/09/2020 , 12:04 (GMT+7)

Nhiều ngư dân vẫn bất chấp pháp luật khi ngang nhiên sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt cá kiểu tận diệt trên lòng hồ Dầu Tiếng.

Hoạt động giữa ban ngày

PV NNVN có mặt tại khu vực ấp Phước An thuộc xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) tận mắt chứng kiến hàng chục chiếc ghe nhủi vẫn đậu san sát ngay mé lòng hồ Dầu Tiếng để chờ xuất bến. Điều đáng nói khu vực này chỉ nằm cách đường ĐT 781 chưa đầy 1 km, thế nhưng chúng vẫn ngang nhiên hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật.

Ghe nhủi neo đậu san sát tại khu vực ấp Phước An thuộc xã Phước Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Ghe nhủi neo đậu san sát tại khu vực ấp Phước An thuộc xã Phước Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Theo quan sát, mỗi chiếc ghe đều gắn động cơ, phía trước mũi ghe được trang bị 2 cây tre lớn bắt chéo hình chữ X, phía dưới căng tấm lưới xòe ra theo hình tam giác tạo thành một cây vợt khổng lồ.  Sau đó, cây vợt to tướng này được đưa xuống mặt nước và cho ghe đẩy đi. Tất cả các loại cá bơi trong tầm vợt đều bị dính vào. Nhủi được vài trăm mét, ngư dân cất "vợt" lên bắt cá, rồi cứ thế lại nhủi tiếp. Điểm đáng chú ý, do mắt lưới đánh cá khá nhỏ (từ 2 cm đến 4 cm) đan xen với nhau nên khi chiếc nhủi lướt qua mọi loại cá lớn nhỏ đều bị tóm gọn. Đây là một trong những hình thức đánh bắt cá theo kiểu tận diệt, nguy cơ mất cân bằng sinh thái môi trường.

Ghe nhủi xuất bến...

Ghe nhủi xuất bến...

Một chủ ghe nhủi tiết lộ, ngoài khu vực này, trên lòng hồ Dầu tiếng còn khoảng hơn 20 điểm tương tự, mỗi điểm từ 10 đến 30 chiếc ghe nhủi. Trung bình mỗi chiếc ghe hoạt động liên tục trên lòng hồ 10 tiếng mỗi ngày, nếu bữa nào thuận lợi mỗi chiếc ghe thu được gần 2 tạ cá các loại, trong đó chủ yếu là cá cơm. Sau khi đánh bắt, thương lái đến tận bến thu mua, sau khi trừ chi phí mỗi ghe kiếm được từ vài trăm đến cả triệu đồng/ngày.

... sau đó cây vợt khổng lồ chúi xuống nước nhủi cá. Ảnh: Trần Trung.

... sau đó cây vợt khổng lồ chúi xuống nước nhủi cá. Ảnh: Trần Trung.

Một chủ ghẻ nhủi khác cho biết thêm, việc đánh bắt cá bằng phương tiện này đã tồn tại hàng chục năm tại đây, mỗi chiếc ghe nhủi, người dân đầu tư từ 100 đến 120 triệu đồng. Vì chi phí đầu tư cao, nên người dân bất chấp quy định cấm của các cơ quan chức năng để khai thác cá. “Để có được chiếc ghe, hầu hết ngư dân ở đây phải dành dụm rất lâu mới có được, nó không chỉ là tài sản lớn mà còn là cần câu cơm của bà con. Nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ thu hồi ghe và tạo sinh kế, công ăn việc làm cho chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng bỏ nghề, lên bờ mưu sinh”, một chủ ghe phân trần.

Tuyên truyền, vận động là chính

Ông Lê Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, hầu hết những người khai thác cá tại khu vực địa phương quản lý đều từ Campuchia trở về, đa số họ không có giấy tờ tùy thân và có hoàn cảnh khó khăn.

Trước vấn nạn người dân sử dụng ghe nhủi để đánh cá, địa phương đã nỗ lực tuyên truyền và vận động là chính. Song song đó, UBND xã thường xuyên phối hợp với Công an huyện Dương Minh Châu kiểm tra, nhắc nhở người dân vi phạm. Theo đó, thời gian gần đây, đã có 19 trường hợp vị phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật với tổng số tiền nộp phạt trên 66 triệu đồng, 17 tay lưới nhủi, 2 máy chích điện, 3 bình ắc quy bị tịch thu, tiêu hủy.

Cá to nhỏ đều chu tọt vào lưới. Ảnh: Trần Trung.

Cá to nhỏ đều chu tọt vào lưới. Ảnh: Trần Trung.

Một lãnh đạo UBND xã Phước Minh thông tin, trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ dân hành nghề đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng. Thời gian qua, UBND xã đã mời các hộ dân này đến để tuyên truyền việc không được sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, đồng thời cho các hộ dân trên làm bản cam kết, tuy nhiên, vẫn còn các đối tượng cố tình vi phạm. Khó khăn cho địa phương là không có phương tiện chuyên dụng để thường xuyên kiểm tra các hoạt động khai thác cá trên lòng hồ. Trong khi đó, các ghe nhủi neo đậu tại bến nếu không hoạt động địa phương cũng không có cơ sở và chế tài để xử lý.

Lúng túng xử lý

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, việc xử phạt đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản được thực hiện theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

Theo đó, Khoản 5 Điều 27 của Nghị định quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một mức phạt khá cao so với mức phạt quy định trước đây. 

Tuy nhiên, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản quy định tại Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 có tên thường gọi khác tại địa phương. Chính vì vậy từ đầu năm 2020 đến nay, công tác xử lý người dân trong việc sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Đây là kiểu đánh bắt cá theo kiểu tận diệt. Ảnh: Trần Trung.

Đây là kiểu đánh bắt cá theo kiểu tận diệt. Ảnh: Trần Trung.

Để việc xử lý mang tính thống nhất Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh vừa tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành văn bản số 32/2020/QĐ-UBND về việc  bổ sung ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo luật hiện hành. Theo đó, các ngư cụ đang có tại Tây Ninh bị cấm gồm có 3 loại như sau; Lồng xếp: các loại ngư cụ có tên thường gọi tại địa phương là “lợp xếp”,  “lợp bát quái, “lờ dây” hay “18 cửa ngục”; Dớn: loại ngư cụ có tên thường gọi tại địa phương là “dến” hay “lú”; Te, xiệp là loại ngư cụ có tên thường gọi tại địa phương là “ghe nhủi” hoặc “ủi dồn”. Ngoài ra bổ sung thêm 2 ngư cụ cấm gồm: Lưới kéo: loại ngư cụ có tên thường gọi tại địa phương là “ghe cào” hoặc “giã cào”; Ngư cụ kết hợp ánh sáng.

Để tổ chức thức hiện, UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung, biện pháp quản lý nhà nước và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành; Hướng dẫn danh mục nghề, ngư cụ cấm, các hành vi bị nghiêm cấm trong khai thác thủy sản trong việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì tổ chức thanh, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán các loại ngư cụ cấm sử dụng tại các cửa hàng kinh doanh, buôn bán ngư cụ trên địa bàn tỉnh; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan và quy định của UBND tỉnh đến người dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn; vận động người dân khai thác thủy sản trên địa bàn ký cam kết không sử dụng các loại nghề, ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản…

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khỉ hoang dã xuất hiện nhiều nơi ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG Ít nhất tại 3 quận trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chính quyền địa phương đã ghi nhận có khỉ hoang xuất hiện, lục lọi đồ đạc và phá hoại cây cối, hoa màu.