| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương ứng phó xâm nhập mặn đang tăng dần

Thứ Hai 04/03/2024 , 19:39 (GMT+7)

TIỀN GIANG Công tác ứng phó với xâm nhập mặn của chính quyền và người dân các địa phương tỉnh Tiền Giang đang được tiến hành rất khẩn trương.

Hệ thống 6 cống ngăn mặn ven sông Tiền do Ban quản lý dự án Đầu tư Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang đầu tư đã sẵn sàng vận hành phục vụ ngăn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Hệ thống 6 cống ngăn mặn ven sông Tiền do Ban quản lý dự án Đầu tư Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang đầu tư đã sẵn sàng vận hành phục vụ ngăn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, gió chướng thổi mạnh, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang diễn biến phức tạp. Hầu hết các hệ thống sông, rạch gần biển có độ mặn tăng dần, nguy cơ uy hiếp vùng trồng cây ăn trái ven sông Tiền.

Độ mặn tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đang là 2,7g/l, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 2,1g/l. Tại TP Mỹ Tho, độ mặn đang ở mức 1,6g/l, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chưa bị nhiễm mặn. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, độ mặn sẽ còn tăng, nhất là đợt triều cường vào 30 tháng Giêng tới. Do đó, thời điểm này việc ngăn mặn, tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất rau màu, vườn cây ăn trái ở khu vực phía đông và các địa phương ven sông Tiền của tỉnh Tiền Giang là hết sức cấp thiết.

Tiến độ thi công dự án cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành đã đạt 80%, hiện cống đã đóng cửa để ngăn mặn và dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 14/4. Ảnh: Minh Đảm.

Tiến độ thi công dự án cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành đã đạt 80%, hiện cống đã đóng cửa để ngăn mặn và dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 14/4. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Ngô Tấn Lâm, nhà vườn có 1ha sầu riêng tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, mấy năm trước đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống bọng và rút được kinh nghiệm chống mặn nên năm nay rất chủ động trong công tác này.

Ông chia sẻ, vườn sầu riêng đã thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tuy nhiên hiện cần phải chăm sóc để chuẩn bị cho vụ tới. Hiện tại, nước trong mương còn nhiều và mặn chưa xâm nhập tới nên việc mở đóng bọng lấy nước diễn ra bình thường. Nếu nước mặn xâm nhập đến xã Tam Bình, ông sẽ đóng nắp bọng, tích trữ nước ngọt đầy vườn. Trường hợp xâm nhập mặn kéo dài, sẽ liên hệ sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn về bơm cấp cho khu vườn. “Cứ 2 tuần bơm một lần, mỗi lần 1.000m3, giữ bọng kỹ trong một tuần vẫn còn nước”, ông Lâm nói.

Ở Tiền Giang, lo ngại nhất khi bị nước mặn xâm nhập là các vườn sầu riêng khu vực ven sông Tiền thuộc các huyện Châu Thành, Cai Lậy. Bởi sầu riêng chịu mặn rất kém (dưới 0,3g/l) nên việc thực hiện các giải pháp bảo vệ vườn cây đặc sản này đang được thực hiện rất khẩn trương.

Đắp đập ngăn mặn tại huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Đảm.

Đắp đập ngăn mặn tại huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Quốc Bình, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, từ nguồn ngân sách huyện và nhân dân đóng góp, sẽ tiến hành đắp khoảng 20 đập ngăn mặn cục bộ tại cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp. Trước mắt, với nguồn kinh phí trên 6 tỷ đồng, huyện đang triển khai xây dựng 5 đập tại đầu kênh rạch ở cù lao Ngũ Hiệp và một đập nhỏ tại xã Tam Bình. Đối với khoảng 200ha vườn cây sầu riêng ven sông Tiền nằm ngoài hệ thống cống, đập ngăn mặn tại các xã Hội Xuân, Tam Bình, Ngũ Hiệp thì nhà vườn tự gia cố đê bao ngăn mặn, triều cường.

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) cho biết, công tác đắp đập, làm cống ngăn mặn của địa phương đã rất sẵn sàng với sự đóng góp của người dân. “Chúng tôi đã vận động người dân cùng góp tiền đúc ống bọng để chờ sẵn. Khi nào huyện, tỉnh có chủ trương đắp đập thì đem ra sử dụng. Xã có 15 đập với khoảng 36 bọng, có đập 1 bọng, có đập 2 bọng, mỗi bọng dài 12m giá khoảng 25 triệu đồng”, ông Bình nói.

Điểm thuận lợi trong công tác phòng chống hạn mặn, hiện nay Tiền Giang có hệ thống 6 cống ngăn mặn ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Cai Lậy đã được xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào vận hành. Các cống có nhiệm vụ ngăn mặn, đồng thời tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các công trình thủy lợi này do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tiền Giang quản lý và vận hành. Quá trình đóng mở cửa cống đều tự động, sử dụng đường truyền tính hiệu trên hạ tầng internet.

Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) đã chuẩn bị các cống sẵn sàng đắp đập tạm ngăn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) đã chuẩn bị các cống sẵn sàng đắp đập tạm ngăn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua đã vận hành thử nghiệm các cống và cho thấy hoạt động rất ổn định. “Vừa nghiệm thu xong chúng tôi giao ngay cho đơn vận hành, thời gian vận hành Ban có cử cán bộ đồng hành, theo dõi. Những gì bên vận hành chưa rành thì chúng tôi hướng dẫn, chuyển giao để đảm bảo hoạt động ổn định nhất. Tất cả 6 cống vận hành theo một hệ thống, có camera theo dõi, có cảm biến theo từng hệ thống”, ông Tuyến chia sẻ.

Đối với cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành do Ban quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư, dù chưa hoàn thành nhưng vẫn có khả năng vận hành ngăn mặn khi cần thiết. Ông Bùi Duy Liệu, cán bộ Ban quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 10 - Chỉ huy trưởng công trình xây dựng cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành cho biết, tiến độ xây dựng cống hiện đã đạt gần 80%, nhà thầu đang làm 2 đầu âu thuyền. “Hiện chúng tôi đã thực hiện đóng cống để ngăn mặn và dự kiến đến ngày 14/4 sẽ mở cửa trở lại. Âu thuyền có khung vây kết hợp với cửa cống hạ xuống để ngăn mặn”, ông Bùi Duy Liệu cho biết.

Là tỉnh cuối nguồn sông Mê Kông nên công tác ứng phó với nước mặn ở tỉnh Tiền Giang đang được thực hiện quyết liệt bằng các giải pháp, kịch bản đã được đưa ra trước đó. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, nếu mặn xâm nhập sâu sẽ tiến hành làm các đập thép ngăn mặn dã chiến ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Cai Lậy như sông Ba Rài, Phú An, Trà Tân để bảo vệ an toàn vườn cây đặc sản, đồng thời triển khai các vòi nước công cộng để cấp nước sạch cho người dân vùng Gò Công, cù lao Tân Phú Đông như các năm trước.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.