| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL chống xâm nhập mặn

Hiệu quả tưới tiết kiệm cho sầu riêng vào mùa khô

Thứ Năm 22/02/2024 , 12:02 (GMT+7)

TIỀN GIANG Thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, sử dụng nước tiết kiệm là giải pháp được khuyến cáo để bảo vệ cây trồng, nhất là cây sầu riêng.

Mới đây, có dịp về thăm “cù lao sầu riêng” Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), chúng tôi được ông Ngô Tấn Trung, một hộ dân chuyên canh sầu riêng nhiều kinh nghiệm ở ấp Hòa Thinh chia sẻ về mô hình tưới tiết kiệm nước rất hiện đại và hiệu quả được ông triển khai liên tục hơn 1 năm qua.

Ông Ngô Tấn Trung khởi động hệ thống tưới tiết kiệm trên phần mềm. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Ngô Tấn Trung khởi động hệ thống tưới tiết kiệm trên phần mềm. Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Dẫn tôi đi khắp vườn, ông Trung kể, mùa khô 2019 - 2020, cây sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp bị nước nhiễm mặn ảnh hưởng nặng nề, kể cả vườn nhà ông cũng có kha khá cây suy kiệt vì thiếu nước. Mấy năm nay, năm nào cũng vậy, mỗi khi mùa khô hạn đến phải tìm nhiều cách để trữ nước ngọt.

Năm 2022, ông được các nhà khoa học ở Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) gồm TS Trần Thái Hùng, Thạc sĩ Nguyễn Bá Tiến và Thạc sĩ Ninh Văn Bình giới thiệu tham gia thí điểm mô hình “Khảo nghiệm quy trình tưới nước hợp lý kết hợp bón phân cho sầu riêng thời kỳ kinh doanh”. Ông Trung nhận lời tham gia thí nghiệm trước là để học hỏi nâng cao tay nghề trong sản xuất, sau là có mô hình trình diễn về giải pháp này giúp bà con địa phương học tập làm theo.

Khu vườn thí nghiệm có tổng diện tích 2ha, được trồng toàn bộ giống sầu riêng Ri6, tuổi cây dao động từ 12 - 15 năm và đang trong thời kỳ kinh doanh. Các cây, hàng cây được trồng cách nhau 8m, mật độ là 180 cây/ha. Toàn bộ khu vườn khảo nghiệm được phân thành 6 lô và 1 lô tưới đối chứng. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên, mỗi khu tưới được chia thành 3 lô, mỗi lô tưới theo một công thức.

Bài liên quan

Hệ thống tưới tiết kiệm được điều khiển tự động bằng phần mềm, có thể làm việc từ xa thông qua điện thoại thông minh. Hệ thống có các thiết bị đo đạc độ ẩm trong môi trường đất, không khí và hướng gió, nhiệt độ.

Kỹ thuật tưới dùng cho mô hình là tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Vòi phun mưa Meganet công suất tưới đạt 70 lít/giờ, các vòi được lắp chạy dọc theo hàng sầu riêng, dạng hình vuông 8x8m, chiều cao vòi tưới so với mặt đất là 0,5m, mỗi gốc sầu riêng được lắp đặt 2 béc phun mưa. Còn các vòi nhỏ giọt quấn xung quanh gốc sầu riêng với 100 lỗ cho mỗi gốc và lưu lượng là 1 lít nước mỗi giờ. Riêng lô tưới đối chứng được ông Trung tự tưới theo cách truyền thống. Lượng phân bón của tất cả các lô thực nghiệm đều được cấp bằng nhau và bón cùng thời điểm. Công thức bón phân hóa học theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang.

Kết quả thực nghiệm cho thấy tưới bằng phương pháp tưới truyền thống tiêu tốn rất nhiều nước so với kỹ thuật tưới nhỏ giọt và phun mưa trong cả hai mùa sản xuất chính và rải vụ. Về mặt năng suất, trong mùa sản xuất chính vụ, nếu tưới bằng phương pháp nhỏ giọt với mức tưới là 21,41 lít/cây sẽ có năng suất cao hơn 8,8% và phương pháp tưới phun mưa với mức tưới 42,83 lít/cây sẽ cho năng suất cao hơn 17,27% so với khu đối chứng. Đối với mùa trái vụ, năng suất sầu riêng của hai phương pháp tưới trên cũng cao lần lượt là 10,36% và 21,63% so với khu đối chứng.

Đường ống tưới nhỏ giọt bao quanh gốc sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Đường ống tưới nhỏ giọt bao quanh gốc sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Từ kết quả trên, các nhà nghiên cứu khuyến cáo khi điều kiện nguồn nước bình thường, nhà nông nên lựa chọn hình thức và chế độ tưới phun mưa với mức tưới mỗi lần 21,41 - 42,83 lít/cây để đạt năng suất cao. Ngược lại, trường hợp xảy ra hạn mặn kéo dài, nhà nông nên áp dụng hình thức và chế độ tưới nhỏ giọt với mức tưới mỗi lần cũng tương tự.

Đối với cây sầu riêng chính vụ, sẽ có 8 giai đoạn sinh trưởng, khuyến cáo số lần tưới là 86 lần trong năm, mỗi lần dao động từ 2 - 3 ngày, lượng nước tưới thấp nhất của chế độ nhỏ giọt là 410m2/ha và nhiều nhất của chế độ phun mưa là 627m3/ha. Trong đó, thời điểm hạn mặn có thể xảy ra từ tháng 2 - 5 hàng năm, giai đoạn này cây cần nhiều nước tưới bởi trong thời kỳ xả nhụy tập trung, đậu quả non và trái lớn. Việc nghiên cứu hình thức, chế độ tưới phù hợp cho cây sầu riêng vào mùa vụ này rất có ý nghĩa đối với bà con nông dân.

Chế độ tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng vụ thuận được các nhà khoa học bước đầu khuyến cáo. Ảnh: Minh Đảm.

Chế độ tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng vụ thuận được các nhà khoa học bước đầu khuyến cáo. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với sầu riêng rải vụ, sẽ có 9 giai đoạn sinh trưởng. Thời gian đầu mùa khô từ tháng 12 đến tháng 1 và tháng 2 năm sau thông thường xâm nhập mặn chưa lấn sâu, nguồn nước vẫn còn dồi dào. Sau đó, thời điểm hạn mặn cao điểm cũng là lúc bà con đậy gốc cây sầu riêng tạo khô hạn để xử lý nghịch vụ nên cây không có nhu cầu nước trong khoảng từ tháng 3 đến đầu tháng 4. Đây là giải pháp né hạn mặn có ý nghĩa trong sản xuất cây sầu riêng ở ĐBSCL. Giai đoạn sau, mô hình tưới tiết kiệm có ý nghĩa giúp sử dụng nước có hiệu quả, đồng thời tăng năng suất cây trồng.

Để tưới tiết kiệm hiệu quả, mùa nắng nóng cần phủ gốc sầu riêng bằng xơ dừa, cỏ khô... Ảnh: Minh Đảm.

Để tưới tiết kiệm hiệu quả, mùa nắng nóng cần phủ gốc sầu riêng bằng xơ dừa, cỏ khô... Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Đặc điểm thổ nhưỡng của khu vực ĐBSCL chủ yếu là đất phù sa cổ, hàm lượng sét nhiều. Vì vậy khi bề mặt đất bị khô gây ra nứt nẻ, nếu áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt thì nước sẽ chảy theo các khe nứt thấm sâu vào đất, lượng nước thấm ngang bị hạn chế nên rễ cây khó hút được đủ nước. Nếu áp dụng ống tưới nhỏ giọt thì cần cuốn 2 vòng quanh gốc, 2 vòng dây này cách nhau từ 50 - 60cm để đảm bảo cây nhận đủ nước tưới, không gây thấm sâu lãng phí.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho biết, để có kết quả đánh giá cụ thể và chính xác hơn thì cần tiếp tục theo dõi vụ thứ 2 vào năm 2024. Do năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện quan trắc thực nghiệm theo mùa vụ trồng cây, đề tài kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục cấp kinh phí để nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai quan trắc thực nghiệm trong mùa vụ tiếp theo để có cơ sở đề xuất quy trình chuẩn về tưới nước và bón phân cho cây sầu riêng nhằm áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Tưới tiết kiệm bằng vòi phun mưa. Ảnh: Minh Đảm.

Tưới tiết kiệm bằng vòi phun mưa. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Ngô Tấn Trung, nông dân áp dụng mô hình đánh giá phương pháp tưới này rất phù hợp với điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên đe dọa cây sầu riêng ở đây. Ông cho hay, nếu mùa khô năm nay xảy ra, nước mặn xâm nhập, ông sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng.

Không tưới nước có độ mặn lớn hơn 0,3g/l

Cây sầu riêng thuộc nhóm cây mẫn cảm với hạn, mặn lớn hơn 0,3‰ (hay 0,3g/l). Các nhà vườn phải chủ động đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước và không tưới nước có độ mặn lớn hơn 0,3g/l cho cây sầu riêng. Bà con cần tranh thủ lúc triều kém, độ mặn giảm và kiểm tra độ mặn thường xuyên trên sông để lấy nước vào mương vườn phục vụ tưới cây.

Đối với vườn đã trồng, cần dự trữ nước ngọt bằng nhiều cách như: Trữ nước trong ao, hồ, mương; dự trữ nước trong những túi nilon dày, đồng thời nên sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm để tưới cho cây trồng trong thời gian xâm nhập mặn.

Kết thúc thời vụ thu hoạch (né mặn) trong khoảng tháng 11 - 12 (dương lịch) để khi xâm nhập mặn xảy ra sẽ không gây thiệt hại tới năng suất và chất lượng của cây trồng. Tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trước khi xâm nhập mặn để giảm nhu cầu nước của cây. Phủ gốc giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.