- Điều gì khiến bà nhớ nhất về Trịnh Công Sơn trong lần cuối gặp gỡ?
- Năm 2000, trước khi về Mỹ, tôi đến thăm Trịnh Công Sơn. Bình thường, anh sẽ ngồi uống rượu hoặc đệm đàn cho tôi hát, gần như không nói chuyện gì. Lần ấy, tôi có nhõng nhẽo với Trịnh Công Sơn rằng: "Ai anh Sơn cũng vẽ, chỉ có em là không được bức nào". Vừa nghe câu đó, ông Sơn nổi giận đùng đùng, la lớn: "Đứa mô cũng thế". Hóa ra, mấy người em của Trịnh Công Sơn, cô nào cũng đòi anh vẽ tranh cho.
Bị anh Sơn quát, tôi tủi thân vô cùng. Trừ lúc hát không tập trung, tôi chưa bao giờ bị Trịnh Công Sơn rầy la như vậy. Tôi không biết phải làm gì, chỉ thấy hai tay run lên. Tôi bỏ về, trong lòng hỗn độn cảm xúc: vừa buồn, vừa giận, lại vừa đau. Tôi tự nhủ: "Nhất định không bao giờ gặp Trịnh Công Sơn nữa. Mai sẽ đổi vé máy bay về Mỹ ngay lập tức". Đêm đó, tôi không sao ngủ được. Hôm sau, tôi nóng ruột không chịu nổi, phần vừa muốn tới chỗ Trịnh Công Sơn, phần vì lòng tự ái ngăn cản. Thế rồi, Trịnh Công Sơn gọi điện trước, hỏi tôi đang ở đâu, sao không tới nhà chơi. Chỉ chờ câu đó, tôi lao ngay tới nhà anh. Mọi thứ lại như chưa có chuyện gì xảy ra.
Các cụ có dạy những người sắp qua đời thì tính tình thay đổi. Lần giận dỗi bất thường của Trịnh Công Sơn đó, tôi nghĩ là điềm báo về sự ra đi của anh. Ngẫm lại, tôi ân hận và hối tiếc vô cùng. Tôi tự trách bản thân không đủ sáng suốt để nhìn ra anh sắp bỏ mình đi, để làm những điều tử tế, đẹp đẽ hơn, những điều mà anh muốn tôi làm, dẫu chỉ đơn giản là mời ăn một ly chè hay gọt một đĩa trái cây.
Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
- Câu nói nào của nhạc sĩ lúc cuối đời ám ảnh bà?
- Anh từng hỏi tôi: "Bạn bè rủ anh ra nước ngoài, anh có nên ở lại không?". Tôi đã nói rằng Trịnh Công Sơn chỉ có thể sống và chết ở Việt Nam được thôi. Từ đó, anh không bao giờ đề cập đến vấn đề đó nữa. Tôi nghĩ anh Sơn đã nghe theo tôi và chọn cho mình nơi để nằm xuống.
Tôi cũng không quên được những thói quen của Trịnh Công Sơn khi còn sống. Anh hay uống rượu tới say rồi mới đi ngủ, thường là vào lúc 5h sáng. Đến khoảng 7h, Trịnh Công Sơn đã thức dậy, tắm rửa rồi ra ngoài phố ngồi. Có lần tôi thắc mắc, anh bảo: "Nếu không được nhìn thấy mọi người, anh sẽ buồn ghê lắm". Trịnh Công Sơn không cần biết mình được yêu, ghét ra sao, chỉ cần thấy người ta đi lại trước mặt là vui.
- Quanh Trịnh Công Sơn có nhiều "nàng thơ". Bà thấy sao khi mình không phải người duy nhất chia sẻ cuộc sống và âm nhạc với nhạc sĩ?
- Tôi cũng chỉ là người bình thường nên việc ghen tỵ với ai đó là không thể tránh khỏi. Đến bạn gái chơi cùng, tôi còn ghen với các mối quan hệ của họ. Hôm trước, tôi thấy chị bạn thân đăng ảnh với một phụ nữ khác. Hai người ôm ấp nhau rất vui vẻ. Nhìn thấy cảnh đó, tôi đã tự nhủ: "Vì sao người phụ nữ kia được bày tỏ tình cảm, còn mình lại không được?".
Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng vẫn là tình cảm của chính bản thân. Tôi luôn dành cho người thân, bạn bè những tình yêu, sự quý trọng. Đối với Trịnh Công Sơn, đó còn có cả sự tôn kính. Ông không chỉ là người thầy, tri kỷ mà còn giống người cha.
Bố tôi mất sớm nhưng từ nhỏ, tôi đã được nhận được tình yêu vô bờ từ ông. Hình ảnh người cha trong tôi rất ý nghĩa. Tôi vẫn nhớ năm ba tuổi, mình cùng bố đi trên đường lá. Khi rẽ vào quán lá, bố mua cho tôi chiếc kẹo bột. Hay những lúc được bố mua cho quả trứng gà chần, lấy đũa đục lỗ hai đầu rồi húp thẳng vào bụng, rồi những năm tháng được ông ủ ấm trong những chiếc áo trấn thủ (áo bông), hát cho nghe những ca khúc như Chiều vàng, Con thuyền không bến...
- Gắn bó với nhau lâu năm, bà thấy những người phụ nữ Trịnh Công Sơn yêu có điểm gì chung?
- Trịnh Công Sơn vốn rất thích phụ nữ để tóc dài, có bờ vai gầy... Nhạc sĩ từng kể với tôi rằng ca khúc Như cánh vạc bay được sáng tác khi ông đi chơi với người yêu - một cô gái để tóc dài - bên bờ suối ở Cam Ly (Đà Lạt).
Tôi thì không có đặc điểm nào giống như vậy. Có lần, tôi và một người chồng cũ cãi nhau. Tức quá, đi qua hồ Xuân Hương ở Đà Lạt, tôi cầm nhẫn cưới ném luôn xuống nước rồi đi cắt phăng mái tóc dài. Đến sáng mấy hôm sau, như thường lệ, sau khi đi chợ, tôi ghé quán cà phê Tùng gặp Trịnh Công Sơn để uống nước, học hát. Vừa thấy tôi và mái tóc ngắn, nhạc sĩ bỏ về luôn, không nói năng chào hỏi câu nào. Tôi tức quá đuổi theo, hỏi bằng được vì sao ông phản ứng như vậy. Trịnh Công Sơn chỉ đáp lại đúng một câu giận hờn: "Anh không muốn gặp người điên".
Khoảnh khắc hạnh phúc của Khánh Ly và chồng quá cố Nguyễn Hoàng Đoan. |
- Chồng quá cố của bà - ông Nguyễn Hoàng Đoan - có mối quan hệ ra sao với nhạc sĩ khi ông còn sống?
- Chồng tôi luôn dành một tình yêu lạ lùng cho Trịnh Công Sơn. Tất cả sách của ông ấy, chồng tôi đều mua đủ. Thấy tôi thắc mắc, ông xã bảo: "Anh mua để những ai yêu thật sự quý Trịnh Công Sơn thì tặng. Anh không muốn chúng nằm dưới tiệm sách".
Khi tôi lấy chồng ở Mỹ, Trịnh Công Sơn có viết cho tôi một bức thư, trong đó có đoạn: "Mai, bộ hết người rồi sao lại lấy Hoàng Đoan?". Tôi đọc xong cũng thấy tổn thương lắm nhưng không cãi. Nhưng chồng tôi cũng không vì thế mà giận nhạc sĩ.
Năm 1997, khi cùng chồng trở về Việt Nam, tôi và anh Đoan ngày nào cũng tới thăm Trịnh Công Sơn. Chúng tôi ngồi ăn cùng nhau, lúc nào cũng ở trong chiếc bàn với trên dưới 20 người. Có lần, chồng tôi đề cập bức thư Trịnh Công Sơn gửi năm xưa với nhạc sĩ. Ông Sơn lúc đó mới giải thích trước khi gặp gỡ, ông chỉ biết chồng tôi qua những tin đồn. Nhạc sĩ nói với ông xã tôi rằng: "Bây giờ tôi mới biết Đoan làm được cho Mai nhiều điều. Mai từng khổ nhiều rồi, tôi không muốn Mai phải khổ thêm". Ông muốn tôi lấy người nào đó vững về kinh tế để tôi không phải đi làm việc vất vả kiếm tiền.