Đối mặt những thách thức
Sáng 15/3, tại TP Long Xuyên, An Giang, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ ngành TW, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các tỉnh, thành trong vùng và doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng lúa gạo.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, sau hơn 30 năm đổi mới, SX lúa gạo của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Đưa nước ta từ lạc hậu, đói nghèo thành cường quốc xuất khẩu lương thực. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, mà đặc biệt là lĩnh vực SX lúa gạo đang phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Cụ thể là những tác động tiêu cực do BĐKH ngày càng hiện hữu và diễn ra mạnh hơn nhiều so với dự báo. Nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất ngày càng suy giảm, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh xảy ra nhiều và ngày càng khốc liệt.
Đa số nông dân sống dựa vào cây lúa vẫn đói nghèo, do ruộng đất ít, hiệu quả sản xuất thấp, còn sử dụng quá nhiều tài nguyên đầu vào, nhất là nguồn nước và hóa chất. Trong chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay, nông dân là người sản xuất trực tiếp nhưng lại hưởng lợi thấp nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng sản xuất nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời
Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, SX lúa hàng hóa hiện nay cần phải tính toán kỹ cung cầu, đảm bảo thị trường tiêu thụ cho nông dân. Thời gian qua, năng lực cạnh tranh của DN và nông dân đã tăng lên nhưng vẫn chưa theo kịp xu hướng mới.
Hội nhập toàn cầu, các nước nhập khẩu dựng nhiều hàng rào kỹ thuật hoặc đưa các tiêu chí khắt khe, tạo ra thách thức ngày càng lớn đối với đầu ra của hạt gạo. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu cơ chế chính sách và cả nguồn lực nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đối với các DN.
Từ những phân tích nêu trên, người đứng đầu ngành Công Thương kiến nghị cần tập trung vào các vấn đề sau để thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo.
Trước hết là phải tổ chức lại SX, kiểm soát sản lượng hợp lý, đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng bộ tiêu chí quốc gia về lúa gạo, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường. Phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hoàn thiện thể chế liên quan và nâng cao hiệu quả điều hành. Nâng cao năng lực của thương nhân xuất khẩu. Cần đổi mới tổ chức và hoạt động của VFA…
Chính sách tốt, nhưng không đi vào thực tế
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Bình, GĐ Cty Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng, chúng ta có nhiều chính sách rất tốt cho phát triển nông nghiệp nhưng khi triển khai lại không đi vào được thực tế đời sống. Chẳng hạn như Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Thực tế đến nay hầu như chưa có đơn vị nào ở ĐBSCL được hưởng. Lý do là giao cho các tỉnh, thành tự cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, nên chẳng nơi nào nhiệt tình làm làm. Hay như việc muốn XK được gạo thì phải có con dấu của VFA mới làm được thủ tục hải quan gây khó khăn và bức xúc cho DN.
Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL
PGS.TS Bùi Bá Bổng, Chuyên gia cao cấp của FAO tại Việt Nam cho rằng, xu hướng tiêu thụ gạo trên đầu người sẽ ngày càng giảm đi, khi chuyển từ ăn lấy no sang ăn đủ chất. Vì vậy, cần chú trọng SX gạo chất lượng cao chứ đừng chạy theo năng suất. Việc giảm đất lúa hoặc chuyển đất lúa sang mục đích khác cũng cần phải tính tới. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu thì vừa?
Theo Bộ NN-PTNT thì diện tích đất lúa cần giữ của cả nước là 3,2 triệu ha, trong đó ĐBSCL là 1,5 triệu ha, tức là sẽ có khoảng 300 ngàn ha ở khu vực này chuyển sang mục đích khác. Trong đó vùng trọng điểm chuyên canh sản xuất ở ĐBSCL nằm ở 30 huyện, thuộc 8 tỉnh (chiếm khoảng 50% sản lượng cả vùng) có lợi thế cần tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển. Tuy nhiên, khi chuyển đổi cần có sự định hướng, điều tiết của nhà nước để tránh tình trạng tự phát.
“Thực tiễn ở một số nước cho thấy, để sụt giảm từ nước tự túc lương thực sang nước nhập khẩu rất dễ nhưng khôi phục lại rất khó”, ông Bổng cảnh báo.
Xuất khẩu gạo ở ĐBSCL
Tại hội nghị, các địa phương và DN đều kiến nghị cần nới rộng chính sách hạn điền để tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, phát triển sản xuất hàng hóa lớn nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng lúa gạo. Bộ Tài chính cần xem xét lại chính sách thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Chính quyền phải tận tụy với nông dân
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, có hướng giải quyết kịp thời để ngành hàng lúa gạo phát triển. Chính quyền các địa phương phải quan tâm đến SX lúa gạo, sát sao, tận tụy với nông dân, DN đầu tư vào nông nghiệp để họ an tâm đầu tư.
Muốn nâng cao thu nhập cho nông dân thì trước mắt phải giảm các khâu trung gian, chúng ta cần có thương lái để thu mua, lưu thông hàng hóa nhưng không lệ thuộc quá nhiều vào hệ thống này, mà thay vào đó là phát triển mối liên kết SX, phát triển các tổ liên kết SX, HTX để làm dịch vụ cho xã viên.
Để rộng đường cho ngành hàng lúa gạo vươn ra thế giới, Thủ tướng yêu cầu phải bỏ ngay quy định quy hoạch về thương nhân xuất khẩu gạo; đổi mới tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Bộ Công Thương không giao cho đơn vị này những quyền không đáng có; thay đổi chích sách thuế, mở rộng quy định hạn điền, ưu tiên vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
* Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Lúa gạo vẫn là thế mạnh của ĐBSCL Thị trường lúa gạo dù có khó khăn, cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn còn tiềm năng để phát triển khi 1/2 dân số thế giới coi lúa gạo là nguồn lương thực chính. Tuy nhiên, muốn phát triển được thì chúng ta phải cần sớm khắc phục những hạn chế bất cập nói trên. Lúa gạo vẫn là thế mạnh của ĐBSCL. * Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời: Từ cánh đồng lớn tiến tới mô hình SRP Từ thành công của cánh đồng lớn, hiện Tập đoàn Lộc Trời thí điểm thực hiện mô hình SX lúa gạo bền vững sinh thái hướng an sinh xã hội (SRP). Tập đoàn đã hợp tác với các nước XK gạo trên thế giới, làm sao để SX ra hạt gạo phải đạt chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, môi trường, lợi nhuận. * PGS.TS Bùi Bá Bổng, Chuyên gia cao cấp của FAO tại Việt Nam: Thương hiệu gạo quốc gia cần đi từ DN Về chính sách hạn điền, cần bãi bỏ hoặc nới rộng hạn điền, tích tụ thông qua nông hộ, liên minh nông hộ. Thực tế ở các nước Châu Á khi xóa bỏ hạn điền không xuất hiện đại điền. Còn về xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần đi từ DN. Khi DN xuất khẩu có thương hiệu đủ mạnh, với số lượng lớn sẽ dần hình thành thương hiệu quốc gia. * Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND An Giang: An Giang có 5 kiến nghị An Giang có 5 kiến nghị để phát triển bền vững, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho người trồng lúa theo hướng hữu cơ, từ 1 triệu đồng/ha như trước đây phải tăng lên 2 triệu đồng/ha. Kiến nghị thứ 2, sớm thành lập Trung tâm Quốc tế lúa gạo tại Cần Thơ hoặc An Giang bằng đường thủy để đưa hạt gạo vươn xa hơn. Kiến nghị thứ 3, đề nghị Chính phủ và bộ ngành cần đưa ra mức giá lúa gạo bình ổn thị trường trong nước, để tránh tình trạng được mùa mất giá hay ảnh hưởng thời thiết nông dân lại là người thua thiệt nhất. Kiến nghị thứ 4 cần miễn giảm 5% thuế giá trị gia tăng cho các DN tham gia XK lúa gạo. Kiến nghị thứ 5, trong các giống lúa chất lượng cao được trồng ở An Giang hoặc ở các tỉnh ĐBSCL sớm xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. An Giang hiện nay quy hoạch vùng chuyên canh SX lúa đến năm 2020 đạt 50.000ha lúa nếp, 1.500ha lúa thơm đặc sản Jasmine, 90.000ha lúa chất lượng cao + lúa Nhật; giảm diện tích lúa cấp thấp xuống còn 55.000ha, xây dựng vùng SX lúa giống trên 22.000ha để đảm bảo cung cấp giống chất lượng trong tỉnh, khu vực ĐBSCL và xuất khẩu sang Campuchia. Phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm SX lúa giống ở ĐBSCL. Rà soát và quy hoạch các giống lúa đặc sản của tỉnh như Nàng Nhen 600ha, lúa mùa nổi 400 ha, kết hợp phát triển du lịch, hình thành vùng SX sản phẩm sạch, hữu cơ, hướng đến các thị trường mục tiêu tìm năng trong và ngoài nước. |