| Hotline: 0983.970.780

Đòn bẩy thoát nghèo từ những đàn gà dự án

Thứ Hai 28/10/2024 , 06:30 (GMT+7)

Được nhà nước hỗ trợ gà giống, thức ăn chăn nuôi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Na Rì (Bắc Kạn) có thêm kế sinh nhai, tạo nguồn thu nhập bền vững.

Chị Nông Thị Tấm chăm sóc đàn gà được hỗ trợ từ dự án. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chị Nông Thị Tấm chăm sóc đàn gà được hỗ trợ từ dự án. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cư Lễ là xã thuần nông của huyện Na Rì, bà con chủ yếu trồng lúa, dong riềng và chăn nuôi quy mô nhỏ, đời sống còn nhiều khó khăn.

Năm 2024, gia đình chị Nông Thị Tấm, thôn Pò Pái (xã Cư Lễ) được hỗ trợ 100 con gà giống. Sau khi được hỗ trợ gia đình đã xây dựng chuồng trại kiên cố, đến nay đàn gà phát triển tốt, trọng lượng mỗi con đạt hơn 1kg.

Gia đình chị Tấm là một trong số 18 hộ của thôn Pò Pái được hỗ trợ nuôi gà từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Ngoài hỗ trợ con giống, gia đình còn được cấp toàn bộ cám trong quá trình nuôi.

Theo tính toán của chị Tấm, sau 4 tháng, gà sẽ đạt trọng lượng khoảng 2,5kg, với giá hơn 70.000 đồng/kg, thu về hơn 14 triệu đồng. Do được hỗ trợ toàn bộ con giống và cám chăn nuôi nên chia trung bình mỗi tháng thu nhập 3,5 triệu đồng.

Chị Tấm cho biết, bà con trong thôn tham gia dự án rất phấn khởi, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc được hỗ trợ toàn bộ con giống và cám sẽ giúp người dân có thêm kế sinh nhai. Lợi nhuận từ nuôi gà sẽ giúp bà con có điều kiện tiếp tục tái đàn, mở rộng quy mô, tạo thu nhập bền vững, hướng đến thoát nghèo.

“Trước đây, mỗi gia đình chỉ nuôi vài con gà, con vịt để cải thiện bữa ăn, nay được hỗ trợ thấy có hiệu quả, nhiều hộ tự mua thêm gà con về nuôi, nhờ đó tổng đàn tăng đáng kể. Việc hỗ trợ sản xuất thông qua cung cấp cây, con giống rất hiệu quả, bà con có thêm động lực để thi đua phát triển kinh tế”, chị Tấm chia sẻ.

Nhờ được nuôi, giám sát theo quy trình, đàn gà phát triển tốt. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nhờ được nuôi, giám sát theo quy trình, đàn gà phát triển tốt. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cách không xa nhà chị Tấm, gia đình bà Nông Thị Hằng, thôn Khau An cũng được hỗ trợ 100 con gà giống. Bà Hằng chia sẻ, nhà bán tạp hóa nhiều năm nay, trước đây phía sau nhà làm vườn tạp, trồng rau, thả vài con gà để cải thiện bữa ăn. Năm nay được hỗ trợ con giống, cám chăn nuôi nên đã xây dựng chuồng nuôi kiên cố.

Bà Hằng cho biết, từ khi được cấp giống đàn gà phát triển tốt, không bị bệnh, hiện nay đạt trọng lượng trung bình 1,5kg/con. Ngoài cám được hỗ trợ, gia đình cũng bổ sung thêm rau xanh, ngô làm thức ăn cho đàn gà.

“Đến thời điểm xuất bán, một phần nhỏ dùng để cải thiện bữa ăn, còn lại sẽ bán phục vụ nhu cầu Tết. Tiền bán gà tích cóp được sẽ tiếp tục đầu tư làm chuồng, mua gà giống về nuôi”, bà Hằng chia sẻ thêm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, huyện Na Rì đã hỗ trợ gà giống cho 180 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn.

Các xã được hưởng thụ chương trình gồm Cư Lễ (53 hộ), Văn Minh (55 hộ), Trần Phú (72 hộ). Hiện nay, những hộ tham gia đã được cấp 2 đợt cám, tổng khối lượng gần 61 tấn.

Bà Nông Thị Hằng cải tạo chuồng trại, mở rộng khu nuôi gà. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bà Nông Thị Hằng cải tạo chuồng trại, mở rộng khu nuôi gà. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Lý Văn Tuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Na Rì cho biết, dự án được thực hiện thông qua chủ trì liên kết là các hợp tác xã trên địa bàn. Các hợp tác xã sẽ trực tiếp cung ứng con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nếu bà con có nhu cầu. Tất cả quy trình khép kín từ cung ứng con giống vật tư đến khâu tiêu thụ, bà con yên tâm không lo đầu ra.

“Điểm nổi bật của dự án là người dân được hỗ trợ toàn bộ con giống và thức ăn nên các hộ thực hiện rất tốt quy trình chăn nuôi đã được hướng dẫn. Đánh giá sơ bộ cho thấy, các hộ sau khi được hỗ trợ đều tích cực chăm sóc, không có hiện tượng bán con giống, cám để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Đây là tín hiệu tốt để tiếp tục thực hiện dự án trong những năm tới”, ông Tuyên cho biết thêm.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.