| Hotline: 0983.970.780

Thâm nhập cơ sở chữa bệnh bằng cách nhịn ăn tại Hà Nội: Sự thật về người đứng sau cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý

Thứ Hai 28/10/2024 , 07:45 (GMT+7)

Những lời quảng cáo 'thần kỳ', các khóa học tiền triệu và chân dung những người điều hành mờ ám dần được phơi bày.

Loạt bài viết "Thâm nhập cơ sở chữa bệnh bằng cách nhịn ăn tại Hà Nội" đã phản ánh chân thực về cơ sở Dưỡng sinh đông y Thiên Ý, nơi nhận và chữa bệnh các loại bệnh từ những bệnh đơn giản cho đến những bệnh mãn tính, thậm chí là nhiều bệnh hiểm nghèo theo phương pháp nhịn ăn. Nhưng ai mới thực sự là người đứng sau hoạt động của trung tâm này? Những lời quảng cáo "thần kỳ", những khóa học tiền triệu và những kỳ nhịn ăn hàng chục ngày để chữa bệnh tại một cơ sở Dưỡng sinh đông y khiến nhiều người bệnh rơi vào vòng xoáy của niềm tin mù quáng. 

Ông Ngô Quang Chung (ở giữa) người thường xuyên giới thiệu về các khoá học tu thiền tiết thực; ông Dũng (bên trái) người điều hành cơ sở Dưỡng sinh đông y Thiên Ý; ông Dũng (bên phải) người hỗ trợ thực hiện trong quá trình tiết thực. Ảnh chụp màn hình.

Ông Ngô Quang Chung (ở giữa) người thường xuyên giới thiệu về các khoá học tu thiền tiết thực; ông Dũng (bên trái) người điều hành cơ sở Dưỡng sinh đông y Thiên Ý; ông Dũng (bên phải) người hỗ trợ thực hiện trong quá trình tiết thực. Ảnh chụp màn hình.

Bằng những lời lẽ đầy thuyết phục, ông Ngô Quang Chung tự khẳng định mình có khả năng chữa trị mọi loại bệnh từ nhẹ đến nặng, cả bệnh nan y như hay thậm chí là HIV, chỉ thông qua phương pháp nhịn ăn. Nhưng khi đào sâu vào thực tế, câu hỏi về tính hợp pháp và mức độ hiểu biết y khoa của ông lại khiến người ta băn khoăn và cảnh giác.

Người tự xưng "lương y" nhưng kiến thức chuyên môn mơ hồ

Ông Ngô Quang Chung, người trực tiếp điều hành và quảng bá các khóa học “tu thiền tiết thực” trên mạng xã hội, là một nhân vật gây tranh cãi. Xuất hiện thường xuyên trên các nền tảng đặc biệt là TikTok, ông Chung đưa ra những phát ngôn mạnh mẽ, khẳng định rằng chỉ cần thực hành nhịn ăn kết hợp với thiền, bệnh nhân sẽ “tự chữa lành”. Đáng chú ý, ông khẳng định rằng các phương pháp y học hiện đại “không thể chữa khỏi bệnh” trong khi phương pháp tiết thực của ông lại làm được điều này.

Ông Chung và Dũng tại cơ sở Dưỡng sinh đông y Thiên Ý.

Ông Chung và Dũng tại cơ sở Dưỡng sinh đông y Thiên Ý.

Thậm chí, ông Chung còn khẳng định đây là cơ hội cuối cùng cho những bệnh nhân ung thư và những người đã được bệnh viện trả về. "Rất nhiều người ung thư có gì để mất nữa đâu, bệnh viện trả về mà không giám thực hiện phương pháp này". Thông điệp này nhắm thẳng vào những bệnh nhân không còn hy vọng, dễ dàng khiến họ lao vào phương pháp của ông trong khi chưa có một kiểm chứng khoa học nào.

Ông Chung nhiều lần tuyên bố rằng, thay vì việc người bệnh đến các bệnh viện, cơ sở y tế để khám, chữa bệnh thì thay vì tìm đến 'trung tâm' của ông. Ảnh chụp màn hình.

Ông Chung nhiều lần tuyên bố rằng, thay vì việc người bệnh đến các bệnh viện, cơ sở y tế để khám, chữa bệnh thì thay vì tìm đến "trung tâm" của ông. Ảnh chụp màn hình.

Điểm đáng chú ý là với mọi loại bệnh, ông Chung đều khẳng định khỏi bệnh khi tiết thực, chỉ khác nhau ở thời gian nhịn ăn ngắn hay dài. Ông không yêu cầu các kiểm tra chuyên môn hay phân biệt bệnh lý, điều vốn dĩ là trách nhiệm y khoa cơ bản mà bất kỳ bác sĩ nào cũng phải tuân thủ. Việc khuyến khích bệnh nhân nhịn ăn kéo dài mà không qua kiểm tra sức khỏe thực sự đẩy người bệnh vào rủi ro cao về suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, và có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

“Chữa bệnh tiết kiệm chi phí” – chiêu bài lợi dụng niềm tin

Trong một số phát ngôn, ông Chung còn so sánh phương pháp của mình với y học hiện đại, cho rằng tiết thực tại trung tâm là một lựa chọn tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn so với việc vào bệnh viện. Ông nói: "Các bạn đi viện cũng thế mà, chúng ta cũng mất rất nhiều tiền. Để khám ra một bệnh gì đó, để các bạn biết mình đang u gì đó là các bạn đã mất 5 đến 7 "củ" rồi (5 đến 7 triệu - PV), và cuối cùng để lo thêm đã mất mười mấy củ rồi, bằng tiền các bạn nằm trung tâm của tôi cả tháng, có người phục vụ cả tháng, để các bạn khỏi hết u bướu đi các bạn mới mất từng đấy tiền. Để khỏi một bệnh, chi phí như thế là quá rẻ, quá hiệu quả, chỉ có điều các bạn không tin và chưa tin nó để thực hiện". 

Lập luận này không chỉ sai lệch mà còn nguy hiểm, bởi nó dễ khiến những người bệnh tuyệt vọng từ bỏ điều trị y tế để chuyển sang theo đuổi các khóa nhịn ăn tại cơ sở của ông Chung.

Hình ảnh người bệnh tiết thực tại cơ sở Dưỡng sinh đông y Thiên Ý.

Hình ảnh người bệnh tiết thực tại cơ sở Dưỡng sinh đông y Thiên Ý.

Ông Chung không hề nêu rõ những biến chứng có thể gặp phải khi nhịn ăn kéo dài, đặc biệt đối với người có bệnh nền và thể trạng yếu. Những quảng cáo về khả năng “tự chữa lành” của phương pháp này, bên cạnh việc vi phạm pháp luật, còn đẩy những bệnh nhân này vào vòng nguy hiểm khi rời xa các liệu pháp y học chính thống.

Mặc dù chỉ là cơ sở chăm sóc sức khoẻ, dưỡng sinh đông y thông thường, nhưng những người đứng sau cơ sở này bằng nhiều hình thức đã cho lưu trú nhiều người bệnh và nhận chữa bệnh tại đây.

Mặc dù chỉ là cơ sở chăm sóc sức khoẻ, dưỡng sinh đông y thông thường, nhưng những người đứng sau cơ sở này bằng nhiều hình thức đã cho lưu trú nhiều người bệnh và nhận chữa bệnh tại đây.

Việc ông Ngô Quang Chung thường xuyên tổ chức các khóa học nhịn ăn để “chữa bệnh” tại Thạch Thất và Bình Dương là một hành động gây tranh cãi, không chỉ về mặt y học mà còn về tính hợp pháp theo quy định pháp luật. Bởi, việc tổ chức các khóa học về sức khỏe, đặc biệt là các khóa học liên quan đến việc khám, chữa bệnh, cần tuân thủ các điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia.

Ông Ngô Quang Chung, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nhưng lại đưa ra nhiều phát ngôn gây tranh cãi và không phù hợp với vai trò lãnh đạo, đặc biệt khi so sánh với những quy tắc và trách nhiệm của một đảng viên và Bí thư Chi bộ thôn. Những hoạt động và phát ngôn phản khoa học về sức khỏe, đặc biệt về việc nhịn ăn chữa bệnh, tạo ra những câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm và vai trò của một lãnh đạo trong việc đảm bảo lợi ích và an toàn của cộng đồng.

Sự lẩn tránh trách nhiệm từ những người điều hành

Bên cạnh ông Chung, một nhân vật khác là ông Dũng – người điều hành cơ sở Dưỡng sinh đông y Thiên Ý , đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Như chúng tôi đã từng thông tin tại bài báo trước, mỗi khi bệnh nhân quá đau đớn, mất kiểm soát, ông Dũng cũng tham gia quy trình điều trị bằng cách truyền năng lượng và mở luân xa cho bệnh nhân.

Vậy ông Dũng là ai mà có năng lực tâm linh thần bí này? Theo tìm hiểu của Nông nghiệp Việt Nam, thực chất ông Dũng chỉ là chủ một cửa hàng điện máy và từng có ý định mở mô hình kinh doanh máy lọc nước kiềm chữa bệnh. 

Từ ý tưởng kinh doanh máy lọc nước kiềm, ông Dũng mạnh dạn lấn sân sang mở trung tâm chữa bệnh cho người. Và bỗng dưng có "năng lượng vũ trụ", có khả năng mở luân xa một cách thần bí.

Trao đổi với phóng viên, ông Dũng cho rằng trung tâm chỉ là nơi hướng dẫn thanh lọc cơ thể và không nhận mình là cơ sở chữa bệnh, dù thực tế hoạt động ở đây là một mô hình chữa bệnh trá hình. Khi phóng viên hỏi về trách nhiệm nếu xảy ra sự cố, ông Dũng lấp lửng rằng “trung tâm không chữa bệnh cho ai,” và chỉ hỗ trợ cho người bệnh tự chữa lành. Đây là một cách lẩn tránh trách nhiệm rõ ràng, khi mà trung tâm đã thu tiền từ người bệnh nhưng lại không cam kết hỗ trợ khi có sự cố.

Ông Dũng (bên phải) người điều hành cơ sở Thiên Ý.

Ông Dũng (bên phải) người điều hành cơ sở Thiên Ý.

Từ việc tổ chức các khóa học đến việc dẫn dắt người bệnh tham gia những kỳ tiết thực dài ngày được giới thiệu là “chữa bệnh chuyên sâu,” mô hình hoạt động của cơ sở này dường như tạo ra một chuỗi liên kết có tính lợi nhuận. Sau khi nộp phí tham gia khóa học, người bệnh lại phải tiếp tục chi trả thêm để tham gia kỳ tiết thực dài ngày, kèm theo các dịch vụ bổ sung khác mà cơ sở cung cấp.

Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm khắc những vi phạm tại cơ sở này để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Không chỉ vậy, người bệnh và người thân cũng cần cảnh giác, không nên đặt niềm tin vào các phương pháp thiếu kiểm chứng và các cá nhân không có chuyên môn y khoa.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.