Lao vào chốn rừng thiêng, nước độc
Trời se lạnh, gió nhẹ thoảng qua trên những ngọn đồi bát úp lọt thỏm giữa bốn bề cây trái. Khe Lấp tựa nàng tiên nữ ẩn mình giữa miền sương lạnh. Cái nắng hanh hao đầu xuân càng khiến cho không gian trở nên mờ ảo, tĩnh mịch. Khe Lấp thức giấc giữa tiếng gà gáy muộn, giữa bộn bề của một ngày mới sắp sửa bắt đầu…
Gần 50 năm trước, theo tiếng gọi của phong trào khai hoang, mở đất, 150 hộ dân Quảng Trị đã vào đây phá núi, mở đường, lập nên Khe Lấp.
![1-171911_978-171912.jpg Khe Lấp như một thế giới thu nhỏ, biệt lập với phố thị ồn ào, náo nhiệt. Ảnh: Võ Dũng.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/1-171911_978-171912-083900.jpg)
Khe Lấp như một thế giới thu nhỏ, biệt lập với phố thị ồn ào, náo nhiệt. Ảnh: Võ Dũng.
“Khi chúng tôi vào đây khai hoang, rừng Khe Lấp còn có cả hổ, lợn rừng… chúng đi thành từng đàn, phá hại cây trồng, vật nuôi của dân. Nhưng rồi cũng chẳng mấy ai chịu được cái cảnh rừng thiêng nước độc ấy. Đa phần đã đi tìm vùng đất mới”, ông Nguyễn Văn Hồng, một trong những cư dân có mặt đầu tiên ở vùng đất này mở đầu câu chuyện.
Con người trở nên nhỏ bé giữa miền xanh thẳm Khe Lấp. Giữa cỏ cây, hoa trái 4 mùa, giữa những rừng tràm bạt ngàn tươi tốt, hương gió ban mai, con người được hòa mình vào thiên nhiên, xa rời cảnh ồn ào phố thị chỉ cách đó 5-6 km. Mang tiếng là vùng đất thuộc khu phố 1, phường 3, thành phố Đông Hà nhưng dân cư Khe Lấp thưa thớt. Đứng trên những ngọn đồi cao nhất cũng chỉ có thể nhìn thấy vài mái ngói lấp ló giữa mênh mông cây trái; con đường dẫn vào Khe Lấp uốn lượn men theo triền núi, nhỏ xinh, êm đềm.
Ông Hồng dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây trái đang mùa đâm chồi nảy lộc ngay sau nhà rồi hồi tưởng về những ngày đầu khai hoang lập nghiệp. Vùng đất cằn sỏi đá này vốn hoang sơ, cây gai mọc chằng chịt, việc khai hoang để sản xuất chủ yếu dựa vào sức người là chính nên những ngày đầu thực sự khó khăn.
“Những người đến với vùng đất này chỉ dùng cuốc, xẻng, thuổng để khai hoang mở đất… Ngày làm đêm nghỉ nhưng cũng có lúc thắp đèn đuốc làm xuyên đêm để có đủ đất sản xuất, nộp sản phẩm cho hợp tác xã. Ngày ấy, không khí khai hoang mở đất chẳng khác gì ra trận. Giờ thì đã nhàn thân hơn rồi nhưng vẫn còn đó những khó khăn…”, ông Hồng chỉ ra con đường trơ sỏi đá, nói với vẻ mặt đượm buồn.
Làm ngày, làm đêm, vợ chồng ông Hồng cùng nhiều hộ dân khác còn tranh thủ vào rừng hái sim, chặt củi… để bán kiếm thêm thu nhập nuôi các miệng ăn trong nhà. Nhờ thế, trong mấy mươi năm cần cù, chịu thương chịu khó bám đất, bám làng, gia đình ông Hồng đã khai hoang được hơn 13 ha đất, trong đó có 12 ha trồng keo và phần đất còn lại trồng rau màu các loại...
![3-171912_230-171913.jpg Người dân đã vào đây định cư gần 50 năm và tạo nên một vùng đất trù phú. Ảnh: Võ Dũng.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/3-171912_230-171913-083900.jpg)
Người dân đã vào đây định cư gần 50 năm và tạo nên một vùng đất trù phú. Ảnh: Võ Dũng.
Nhưng hơn 10 năm trước, toàn bộ diện tích hơn 1 ha quanh vườn nhà, ông Hồng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như chanh, bưởi da xanh, mít, cam, chè xanh… Đến nay, vườn cây của gia đình ông phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, lãi ròng gần 100 triệu đồng/năm. Đây cũng chính là hướng đi của hàng chục hộ dân vùng Khe Lấp.
Từ chốn rừng thiêng nước độc, nhờ bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương, chịu khó, hàng chục gia đình đã có thu nhập và cuộc sống ổn định. Nhiều người con ra đi từ vùng đất này đã trở thành những người có ích cho xã hội. Nhưng khát vọng vươn mình của Khe Lấp vẫn là khoảng lặng...
Khe Lấp cần được "cởi trói"
Năm 1976 thực hiện chủ trương giãn dân xây dựng vùng kinh tế mới, hơn 150 hộ dân làng Đông Hà xưa đã tình nguyện lên Khe Lấp để khai hoang lập nghiệp. Nhưng đã không nhiều gia đình bám trụ được với vùng rừng thiêng nước độc ấy. Ngày ấy, mỗi bước chân khai hoang không chỉ phải canh chừng thú dữ, muỗi, vắt rừng mà còn có thể dẫm lên cả bom đạn còn sót lại sau chiến tranh. Nhiều người đã chùn chân, đi tìm những vùng đất mới. Những người ở lại đã biến Khe Lấp trở thành một vùng đất trù phú, một điểm đến đáng mơ ước với không gian sinh thái đầy hoa tươi, trái ngọt. Với diện tích khoảng 1.100 ha (trong đó có 37 ha rừng phòng hộ đầu nguồn), Khe Lấp đang trở thành một điểm nhấn, một lá phổi xanh bên cạnh thành phố náo nhiệt đầy sức sống của tỉnh lỵ Quảng Trị.
![2-171912_61-171912.jpg Kinh tế nông hộ, vườn ao chuồng đem lại cuộc sống ấm no cho các hộ dân. Ảnh: Võ Dũng.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/2-171912_61-171912-083901.jpg)
Kinh tế nông hộ, vườn ao chuồng đem lại cuộc sống ấm no cho các hộ dân. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND phường 3 cho hay, với vị trí vô cùng thuận lợi, Khe Lấp được định hướng phát triển thành không gian xanh với những vườn cây ăn quả kết hợp trồng cây dược liệu nhằm thu hút du khách thập phương đến tham quan, du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng... Khi không gian phố thị trở nên chật hẹp, Khe Lấp trở thành một điểm nhấn thực sự với bốn bề cây trái. Đây sẽ là điều kiện để các hộ dân phát huy hết tiềm năng của vùng đất này và có cuộc sống sung túc hơn.
Nhưng với người dân Khe Lấp, dù đã định cư ở đây gần nửa thế kỷ, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn những vướng mắc. Sản xuất để tự phục vụ, để phát triển kinh tế không khó nhưng để Khe Lấp vương mình thực sự là bài toán nan giải. Ngoài việc không cho đất nghỉ, người dân Khe Lấp rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phượng vào Khe Lấp lập nghiệp từ năm 1985. Những ngày đầu đặt chân đến đây, với sức trẻ và khát vọng vượt lên đói nghèo, từ hai bàn tay trắng, gia đình ông đã khai hoang, phục hóa, tích cóp được chừng 25 ha đất trồng keo nguyên liệu và hơn 1 ha đất thực hiện mô hình kinh tế vườn ao chuồng... Chừng đó đủ để gia đình ông có cuộc sống ấm no giữa thành phố náo nhiệt. Nhưng muốn có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thành một điểm đến lý tưởng trong nông nghiệp thì nếu chỉ nhìn vào nguồn vốn gia đình tích cóp bấy lâu là chưa đủ.
![4-171913_536-171913.jpg Nhưng để vươn mình, Khe Lấp cần được 'cởi trói'. Ảnh: Võ Dũng.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/4-171913_536-171913-083902.jpg)
Nhưng để vươn mình, Khe Lấp cần được "cởi trói". Ảnh: Võ Dũng.
Còn ông Phan Tiến Tân, với 2 ha trồng cây ăn quả, mô hình vườn ao chuồng cũng đủ giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, trăn trở của người đàn ông ở tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn là được 1 lần cầm trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đời ông, với đôi bàn tay chai sần, với lòng nhiệt huyết, những khó khăn cũng đã dần lùi lại phía sau. Nhưng đó cũng là cơ ngơi của các con ông để mai này tạo dựng cuộc sống tốt hơn trên vùng đất này. Nhớ lại những ngày khai hoang, với mỗi bước chân đều có thể dẫm lên bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, ông Tân không dấu được nỗi niềm.
“Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền sớm giải quyết các vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi đã sống chết với vùng đất này thì cũng mong có được thành quả để lại cho con cháu mai sau”, ông Tân chia sẻ.
Từ 150 hộ dân vào Khe Lấp khai hoang lập nghiệp, đến nay chỉ còn 40 hộ dân bám trụ. Tuy sinh sống ổn định nhưng hầu hết các hộ dân đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân được cho là vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, một phần diện tích các hộ dân đang ở đã được cấp cho Công ty Lâm nghiệp Đường 9 quản lý và sử dụng.