| Hotline: 0983.970.780

Mơ về những cánh đồng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở Thanh Oai

Thứ Tư 17/08/2022 , 05:26 (GMT+7)

Ngày 15/8 huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị về chuyển đổi nông nghiệp đô thị sinh thái, nơi có những cánh đồng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven đô.

Thu hút khách về quê trải nghiệm nông nghiệp

Ông Bùi Hoàng Phan-Bí thư Huyện ủy Thanh Oai thông tin, địa phương từ lâu đã được quy hoạch là vành đai xanh của Hà Nội với mục tiêu chung là phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, xây dựng các làng xã giàu đẹp văn minh. Xác định chuyển đổi nông nghiệp đô thị sinh thái hiện đại, làng nghề phát triển gắn với du lịch, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao đi vào chiều sâu là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược của Thanh Oai, cần phải có những lộ trình, giải pháp thật cụ thể. Buổi hội nghị hôm nay là nhằm để bàn tới những điều ấy.

Theo ông Tạ Văn Tường- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội nói chung, huyện Thanh Oai nói riêng đang ngày càng tăng nhanh. Đồng nghĩa là việc diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, thậm chí nhiều nơi dân bỏ hoang đất do thiếu lao động, canh tác không hiệu quả, được mùa mất giá. Trong khi đó, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông sản an toàn của người tiêu dùng Thủ đô ngày càng tăng cao, phải chuyển từ các tỉnh thành khác hoặc nhập khẩu về.

Chuỗi trứng vịt ở Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Chuỗi trứng vịt ở Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Do vậy, phải thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực xã hội vào để đầu tư thành những cánh đồng mẫu lớn, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao: Sau khoán 100, khoán 10 thì tập trung ruộng đất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị là cuộc cách mạng thứ ba trong nông nghiệp. Nó sẽ giải quyết tất cả những điệp khúc được mùa rớt giá, “rau hai luống, lợn hai chuồng”, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đỉnh cao bây giờ là nông nghiệp sinh thái. Nó lặp lại hình thái nông nghiệp đầu tiên của loài người là nông nghiệp hữu cơ ngày xa xưa, khi không dùng đến hóa chất. Tôi khuyến nghị Thanh Oai trong quá trình hình thành quận sinh thái, sản xuất nông nghiệp không dùng hóa chất, mang tính tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, hình thành nên những công viên nông nghiệp. Phát triển đô thị liên xã hỗ trợ cho kinh tế nông thôn, bảo tồn được văn hóa cổ truyền. Phát triển những HTX chuyên ngành để có thể tập trung ruộng đất, tập trung nguồn lực làm theo chuỗi giá trị.

Tập trung ruộng đất hiện vướng mắc chính là khâu quy hoạch. Nông dân dù bỏ ruộng hoang cũng không cho người khác thuê vì họ trông chờ đền bù sau này nên chúng ta phải làm quy hoạch rõ ràng để người dân nhìn vào đó biết khu vực mình sau này sẽ thành cái gì.

Nghề chăn nuôi vịt đẻ ở Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Nghề chăn nuôi vịt đẻ ở Liên Châu. Ảnh: NNVN.

“Với những tiềm năng và lợi thế của huyện Thanh Oai cần hướng đến phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng. Ở đó những cánh đồng ven sông được tổ chức thành những làng sinh thái, công viên nghỉ dưỡng kết hợp với canh tác nông nghiệp, trồng hoa bốn mùa. Cả huyện sẽ biến thành công viên của TP Hà Nội, thu hút khách du lịch nội đô về ở trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Không nên đấu giá đất vì cứ để đất mãi thế sẽ rất tốn nguồn lực, mà hình thành những cánh đồng đô thị du lịch sinh thái, tuy nhiên không phải cánh đồng nào cũng làm được như vậy. Đó là hướng đi mới. Phát huy những giá trị văn hoá, văn hiến lâu đời, cùng với hệ thống làng nghề phong phú và vị trí đắc địa nơi hợp giao của những trục phát triển năng động quanh nội đô, Thanh Oai hoàn toàn có thể trở thành quận sinh thái trong tương lai”…

Chủ động đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô

PGS.TS Đào Thế Anh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng để chuyển đổi nông nghiệp đô thị sinh thái trên địa bàn, huyện Thanh Oai cần hình thành các HTX kiểu mới, hoạt động có hiệu quả. Trong đó, chú trọng hỗ trợ từ giống, đầu tư hạ tầng và thiết bị công nghệ cao đến việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm...

Thu hoạch lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Thu hoạch lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Còn TS. Lê Thành Ý- Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam nhận định, đường vành đai 4 xuyên qua Thanh Oai sắp tới sẽ biến nơi đây thành trung tâm trung chuyển hàng hoá và dịch vụ lớn cho khu vực nội đô. Để chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội, Thanh Oai có thể tổ chức sản xuất lương thực thực phẩm an toàn, hàng tiêu dùng trong các làng nghề và vui chơi giải trí trong các hoat động du lịch nông nghiệp mang tính trải nghiệm, tâm linh. Các làng ven sông với hệ thống đình, chùa, đền, miếu gắn liền với nhiều chứng tích cổ xưa và phong cảnh đẹp đều có thể trở thành những địa danh du lịch cần đến để tìm hiểu về cội nguồn.

Ngoài việc xây dựng những mô hình chuyên canh hoa, cây cảnh, rau củ quả, lương thực, thực phẩm kết hợp du lịch sinh thái, chăn nuôi gia súc gia cầm dựa trên lợi thế sẵn có, cần phải phát triển những làng nghề theo hướng áp dụng các công nghệ mới để sản xuất ra những mặt hàng tinh xảo phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, huyện Thanh Oai đang có diện tích đất nông nghiệp 8.356 ha; Có 46/51 làng nghề truyền thống đã được công nhận đang duy trì hoạt động và phát triển; Xó 57 sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng của huyện đã được đánh giá, xếp hạng OCOP trong đó có 52 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và một số ngành nghề thủ công truyền thống. Huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gồm: Vùng sản xuất lúa 6.453 ha; Vùng trồng cây ăn quả 300 ha; Vùng trồng rau an toàn hơn 100 ha; Vùng nuôi trồng thủy sản 300 ha phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ.

Máy cấy xuống đồng. Ảnh: NNVN.

Máy cấy xuống đồng. Ảnh: NNVN.

Hiện huyện đang có một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao 11,7 ha, trồng hoa lan nuôi cấy mô 4.500 m2, trồng dưa lưới và táo VietGap 5.300m2. Có các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như: Chuỗi thịt lợn A-Z của hợp tác xã Hoàng Long, chuỗi gạo thơm Bối Khê, chuỗi trứng vịt Liên Châu…

Bên cạnh những thành quả đạt được nêu trên, Thanh Oai còn chưa thực sự khai thác hết tiềm năng lợi thế của huyện thể hiện qua: Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều; Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún và vốn đầu tư còn ít; Tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước ở một số làng xã vẫn còn nghiêm trọng nên ảnh hưởng lớn đến chuyển đổi nông nghiệp đô thị sinh thái; Tập quán và tư duy sản xuất quy mô nhỏ ở một số nơi dẫn đến khó khăn trong việc gom dồn đổi ruộng để xây dựng mô hình sản xuất tập trung. Một số nơi tình trạng bỏ ruộng không gieo cấy, gây lãng phí đất sản xuất, có chiều hướng gia tăng; Nông sản sản xuất ra chủ yếu là bán thô nên chất lượng, giá trị sản phẩm cung cấp ra thị trường chưa cao; Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Phát triển nghề và các làng nghề một số nơi còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa biết cách quảng bá sản phẩm. Đời sống của người nông dân còn chưa thực sự nâng lên đáng kể, đáp ứng được nhu cầu.

Nguyên nhân chính là việc phát triển các mô hình chưa gắn với quy hoạch nông thôn và việc điều chỉnh quy hoạch cũng còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng nền sản xuất tập trung...

Nông nghiệp sinh thái là một phương pháp tiếp cận áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc về sinh thái và xã hội nhằm xây dựng và quản trị hệ thống nông nghiệp và thực phẩm, tối ưu hóa các mối tương tác giữa động thực vật, con người và môi trường, bao gồm cả các yếu tố xã hội hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng và bền vững.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.