| Hotline: 0983.970.780

Khi cán bộ quỹ khuyến nông 'tiếp thị' sản phẩm tới nông dân

Thứ Sáu 13/09/2024 , 06:10 (GMT+7)

HÀ NỘI Tôi theo chân cán bộ quỹ khuyến nông phụ trách khu vực huyện Chương Mỹ để tìm hiểu 'sản phẩm' riêng có này của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

Trang trại sản xuất hơn 6 triệu quả trứng/năm

Trong tất cả trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành thì chỉ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có quỹ khuyến nông phục vụ cho nhu cầu vay vốn của nông dân.

Được thành lập từ năm 2002, quỹ khuyến nông Hà Nội hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận mà bảo toàn vốn và cho vay đúng đối tượng. 22 năm qua quỹ đã trở thành kênh tài chính ưu đãi giúp hàng ngàn chủ trang trại, hộ nông dân được vay vốn với mức phí thấp để phát triển sản xuất hàng hóa, cơ giới hóa đồng bộ, vươn lên làm giàu.

Chị Nguyễn Thị Hường - cán bộ phụ trách quỹ khuyến nông của khu vực huyện Chương Mỹ cho biết đã cho 42 hộ trên địa bàn vay. Nhiều nhất là ở xã Lam Điền với 11 hộ vay sản xuất, 2 hộ vay cơ giới hóa, trong đó tiêu biểu có ông Nguyễn Văn Luận vay 2 lần để mở rộng quy mô nuôi lợn lên 400 - 500 con, thu nhập rất khá.

Vì là một sản phẩm tín dụng nên cán bộ phụ trách quỹ khuyến nông như chị Hường cũng phải “tiếp thị”, tuyên truyền qua các kênh như tới các lớp tập huấn để gửi tờ rơi giới thiệu về quỹ; nhờ các cán bộ hợp tác xã giới thiệu về quỹ đến các thành viên; gửi nội dung về quỹ cho đài phát thanh huyện; trực tiếp xuống xã, thôn gặp gỡ các hộ nông dân để nói chuyện về quỹ.

Nhờ đó, nhiều nông dân đã hiểu và tìm đến để vay vốn sản xuất cũng như cơ giới hóa, phát triển kinh tế. Hạn chế của quỹ hiện nay là thời gian vay hơi ngắn, chỉ có 2 năm và mức cho vay hơi thấp, chỉ tối đa 500 triệu đồng. Nếu nâng được thời gian vay lên 3 - 5 năm, mức vay hơn 1 tỷ đồng thì quỹ sẽ còn phát huy hiệu quả hơn nữa.

Trại gà đẻ của ông Phú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trại gà đẻ của ông Phú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa đi thực tế dưới cơ sở. Đứng trước cơ ngơi trang trại rộng bát ngát của ông Tống Văn Phú - nông dân 68 tuổi ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, tôi không khỏi thầm khâm phục.

Ông kể trước đây gia đình có làm một chuồng gà ở đồng Bãi, thấy người ta mua phân gà về cho cá ăn, bán thu lãi khá nên năm 2005 ông quyết định mua lại hợp đồng trang trại của 2 hộ ở đồng Trang với tổng diện tích 6,1ha để làm trang trại tổng hợp nuôi gà, thả cá và trồng bưởi Diễn.

Nhận xét về quỹ khuyến nông, ông Phú bảo ngoài mức phí ưu đãi, khi vay còn được cán bộ tập huấn 2 - 3 lần/năm về kỹ thuật chăn nuôi thủy sản, gia cầm nên tạo ra hiệu quả và sự khác biệt với các nguồn vốn vay khác.

Năm 2011 ông lập phương án vay quỹ khuyến nông 350 triệu đồng mở rộng từ 2 trại gà lên 3 trại gà với số lượng 17.000 con. Mọi thứ trong trang trại được khép kín, tuần hoàn. Phân gà phần để cho cá ăn, phần để ủ với vi sinh thành phân hữu cơ trồng cây. Vòng tròn đó giúp ông thu lãi trung bình mỗi năm 700 - 800 triệu đồng, nâng cấp thêm trang trại.

Kỳ vay quỹ khuyến nông thứ hai năm 2023 ông vay 500 triệu đồng đầu tư thêm 1 trại gà giống và 1 trại gà trứng, nâng tổng số lên thành 5 trại, quy mô 40.000 con, trong đó thường xuyên có 15.000 - 20.00 con hậu bị, phần để thay đàn, phần để bán. Theo kinh nghiệm của ông, mỗi năm gà đẻ phải thay đàn 1 lần, từ lúc tỷ lệ đẻ đỉnh 95 - 97% rồi xuống đến trên 70% là thời điểm bắt buộc phải thực hiện.

Chăn nuôi muốn thành công thì điều đầu tiên phải giữ được môi trường, thứ hai là tiêm vacxin đều đặn để phòng bệnh và thứ ba là phun thuốc sát trùng định kỳ 15 ngày/lần. Ngoài ra ông còn pha tinh dầu tỏi, thuốc bổ, men tiêu cho gà uống nhằm nâng cao sức đề kháng.

Mỗi năm trang trại của ông Phú sản xuất hơn 6 triệu quả trứng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi năm trang trại của ông Phú sản xuất hơn 6 triệu quả trứng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngót 20 năm trong nghề ông đã trải qua 3 thời kỳ khủng khoảng về giá: Lần cúm gia cầm năm 2005 sản phẩm bán ra không ai mua, kéo dài 2 - 3 tháng, lỗ 200 triệu đồng; lần sập giá năm 2006 kéo dài 4 - 5 tháng, lỗ 400 triệu đồng; lần Covid-19 năm 2020 hàng hóa không lưu thông được, kéo dài 5 - 6 tháng, lỗ cả tỷ đồng. Những sóng gió lớn như thế của thị trường vẫn không hề làm cho ông nản chí, khi lỗ lại vay vốn để duy trì, một khi đã vượt qua thì chẳng mấy chốc mà thu lãi.

Ngay như năm nay, sau Tết giá trứng xuống đến mức chỉ còn 1.400đ/quả, kéo dài đến 3 tháng, ông lỗ mất 700 triệu đồng mà vẫn kiên trì chờ đợi. Đến khi giá trứng dần nhích lên, tháng đầu tiên ông lãi được vài chục triệu đồng, tháng thứ hai lãi được hàng trăm triệu đồng. Trung bình mỗi năm trang trại sản xuất được hơn 6 triệu quả trứng, tương đương khoảng 20.000 quả trứng/ngày, trong đó 50% trứng trắng, 50% trứng đỏ.

Với giá trứng đỏ 2.100đ/quả, trứng trắng ở mức 2.400đ/quả, tháng này ông lãi được khoảng 300 triệu đồng. Từ giờ đến cuối năm thường thị trường trứng gà sẽ ổn định về giá nên ông hi vọng sẽ còn thu được nhiều lãi hơn nữa. Bên cạnh mặt hàng chủ lực là trứng gà, mỗi năm trang trại của ông còn thu 30 - 40 tấn cá, hàng vạn quả bưởi Diễn cũng được thêm hàng trăm triệu đồng nữa.

Người 26 năm đi đầu về cơ giới hóa

Rời xã Tiên Phương, chúng tôi đến xã Tốt Động để thăm anh Đỗ Viết Tiếp với mô hình cơ giới hóa. Anh tâm sự mình gắn bó với nghề nông từ năm 1998 đến nay, không thời gian nào ngưng tay, ngơi nghỉ. Để giải phóng sức lao động nặng nhọc, ngay từ đầu anh đã sắm cái máy cày Bông Sen rồi có chút tiền, tiến tới mua máy bãi của Nhật.

Sau khi địa phương dồn điền đổi thửa xong, anh thấy thời cơ đã đến nên đầu tư chuyên sâu hơn, mua 3 máy cày, 2 máy gặt để làm dịch vụ và thuê lao động từ các tỉnh miền núi xuống vận hành các loại máy móc cùng với mình. Xã Tốt Động có hơn 1.000 mẫu ruộng thì có những vụ anh nhận làm tới 500 - 600 mẫu của 6 thôn. Vụ xuân thời gian kéo dài thì đáp ứng đủ cho nhu cầu của bà con nhưng vụ mùa thời gian rất nhanh, có khi vừa gặt vừa phải làm mạ mà vẫn không kịp.

Chị Hường - cán bộ phụ trách quỹ khuyến nông khu vực huyện Chương Mỹ trò chuyện cùng anh Tiếp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hường - cán bộ phụ trách quỹ khuyến nông khu vực huyện Chương Mỹ trò chuyện cùng anh Tiếp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi được lãnh đạo hợp tác xã giới thiệu về quỹ khuyến nông, anh Tiếp thấy hay quá liền nhờ đưa lên Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ gặp lãnh đạo và cán bộ phụ trách quỹ và được nhiệt tình hướng dẫn thủ tục lập phương án vay. Nhờ đó năm 2023 anh đã vay quỹ khuyến nông được 400 triệu đồng để mua thêm máy gặt, mùa màng chỗ nào dân cần là điều đến được ngay, không phải chờ đợi lâu như trước nữa.

Tính đến nay, cái máy gặt mới đã hoạt động được 3 vụ, mỗi vụ đem lại cho chủ nhân khoảng hơn 100 triệu đồng. Ngoài phục vụ ở quê, anh còn mở rộng địa bàn sang các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang để không cho máy nghỉ lâu, lãng phí.

“Trước đây Nghị định 68 của Chính phủ hỗ trợ cho vay cơ giới hóa nông nghiệp nhưng chỉ được vay 2 năm, còn vay quỹ khuyến nông được 3 năm, trả phân kỳ làm 3 đợt. Cho những người vay vốn cơ giới hóa như tôi khá ít rủi ro bởi đã ký hợp đồng với các hộ ở từng khu, từng khoảnh rồi. Tôi cảm thấy rất vui khi mỗi kỳ họp được lãnh đạo địa phương nhắc đến, ngợi khen vì thành tích làm cơ giới hóa, giúp ích cho nông dân”, anh Tiếp phấn khởi.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.