Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Quỹ Khuyến nông hỗ trợ nông dân. Qua hơn 10 năm hoạt động, Quỹ đã giúp hàng nghìn hộ nông dân Thủ đô phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Nguồn vốn "cứu cánh" người nông dân
Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, nhiều nông dân, chủ trang trại trên địa bàn thành phố có thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Giang Văn Mạnh ở xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ cho biết, trang trại của gia đình ông được vay vốn 300 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông thành phố để nuôi gà đẻ trứng, với quy mô chuồng trại 1.000m2. Trang trại đang duy trì nuôi hơn 1.000 gà đẻ trứng và 2.000 gà hậu bị, trung bình mỗi ngày cho thu 700 quả trứng, với giá bán 3.500 đồng/quả.
“Nhờ có Quỹ Khuyến nông Hà Nội, mà các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố như trang trại của gia đình tôi có thêm nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất”, ông Mạnh cho biết thêm.
Trang trại nuôi vịt của anh Lê Văn Trẻo (45 tuổi), thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai cũng là một trong những mô hình thành công nhờ Quỹ Khuyến nông thành phố. Dãy chuồng trại chạy dài được xây bằng gạch kiên cố, rộng rãi. Dưới ao, đàn vịt hàng nghìn con đang bơi lội, cùng với đó là guồng quay của những chiếc máy sục oxy.
Anh Lê Văn Trẻo chia sẻ, từ nhiều năm, việc chăn nuôi của gia đình anh vẫn manh mún, chuồng trại tạm bợ. Năm 2015, khi biết có nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Khuyến nông, anh vay 500 triệu đồng để đầu tư đồng bộ, mở rộng chuồng trại, mua các loại máy phát điện dự phòng, máy sục oxy, máy trộn thức ăn và các loại chế phẩm sinh học xử lý nước trong ao, xử lý mùi hôi chuồng trại. Đến nay, đàn vịt của anh với 5.000 con, đem lại doanh thu hằng năm khoảng 2 tỷ đồng.
Anh Trẻo cho hay: "Nguồn vốn từ các ngân hàng rất khó tiếp cận, trong khi Quỹ Khuyến nông thành phố có phí rẻ, thời hạn vay dài. Nhờ vậy, người nông dân như chúng tôi giải quyết được nhu cầu về vốn, kịp thời có nguồn tài chính để đầu tư sản xuất bài bản". Với hiệu quả sản xuất ban đầu, anh Trẻo đã thực hiện thủ tục vay vốn lần 2 với mức vay 500 triệu đồng để tiếp tục mở rộng phát triển sản xuất.
Lợi ích kép từ Quỹ Khuyến nông thành phố
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật quản lý, vận hành máy cơ giới hóa cho 30 nông dân trực tiếp quản lý, sử dụng máy cơ giới nông nghiệp trên địa bàn huyện Quốc Oai. Lớp tập huấn đã được giảng viên khoa Cơ điện - Học viện Nông nghiệp Việt Nam và cán bộ kỹ thuật máy nông nghiệp giới thiệu các loại máy, thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật và thực hành vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa một số loại máy, thiết bị cơ giới, trong đó chú trọng đến các loại máy phục vụ sản xuất lúa như máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy cấy,…
Các loại cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên hiện đại vì vậy việc tổ chức các lớp tập huấn sẽ là cơ hội để các sản phẩm máy móc, thiết bị và công nghệ mới có hiệu quả thiết thực đến được với người nông dân, đồng thời, nâng cao hơn nữa kiến thức về máy móc, trang thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để bà con có thể áp dụng vào thực tiễn tại địa phương.
Để mô hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt trong khâu cấy lúa tiếp tục được mở rộng trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian qua Trung tâm Khuyến nông đã đẩy mạnh xây dựng và triển khai các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; tích cực thẩm định, giải ngân cho các hộ vay vốn Quỹ Khuyến nông để mua máy và các trang thiết bị cơ giới nhằm nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đa dạng có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, máy cơ giới nông nghiệp để đẩy mạnh hỗ trợ người dân và địa phương nâng tỷ lệ cơ giới hóa trên địa bàn. Hiện tại, Quỹ Khuyến nông đang hỗ trợ cho vay cơ giới hóa với mức cho vay tối đa 100% giá trị sản phẩm và hỗ trợ 100% phí quản lý trong 3 năm cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp máy có thêm các kênh hỗ trợ và chăm sóc khách hàng khi mua máy.
Ông Lê Lưu Cầu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: "Theo kế hoạch, năm 2018, từ nguồn kinh phí hoạt động Quỹ Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật sử dụng máy cơ giới nông nghiệp cho 180 thợ máy, chủ máy trên địa bàn 6 huyện là Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai và Thường Tín. Việc tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp cho người sử dụng máy cơ giới nông nghiệp trên địa bàn thành phố không chỉ nâng cao năng lực, kỹ năng trong việc quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới nông nghiệp mà còn giúp các hộ sử dụng và phát huy tốt nguồn vốn vay Quỹ Khuyến nông mua cơ giới hóa phục vụ sản xuất".
Riêng về hỗ trợ vay cơ giới hóa, từ năm 2017 đến nay, Quỹ Khuyến nông thành phố đã giải ngân cho 59 phương án với tổng số tiền là 23,5 tỷ đồng. Thực tế triển khai cho thấy, các phương án cho vay cơ giới hóa đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động và chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.