| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 19/01/2015 , 07:45 (GMT+7)

07:45 - 19/01/2015

Khi nhà xe… bày trò

Mặc dù được hưởng lợi lớn trong việc giá xăng dầu giảm sâu, nhưng một điều nghịch lý xảy ra khi nhiều Hiệp hội vận tải ở các địa phương đòi tăng phụ thu vé xe Tết.

Cùng với đó là việc nhiều doanh nghiệp đang lừng khừng trong việc giảm giá vé.

Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, các nhà xe đã được phép tăng phụ thu tới 60% giá vé xe Tết. Còn ở Hà Nội, Hiệp hội vận tải cũng đang đề nghị Sở Tài chính xem xét, cho phép các đơn vị vận tải khu vực Hà Nội được trợ giá cho tuyến 150 đến 300 km mức 30%, tuyến trên 300 km mức 40% giá vé hiện hành.

Lý do để xin trợ giá, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, là “Sở GTVT yêu cầu huy động xe hiện đang hoạt động để tăng cường giải tỏa phục vụ Tết. Nhưng có bất cập là trước và sau Tết, xe khách đi một chiều. Chiều ngược lại xe chạy rỗng, nhà xe bị lỗ”.

Phụ thu, thực chất là tăng giá vé, đánh vào hành khách.

Theo tính toán, giá xăng dầu chiếm khoảng 45 đến 50% giá thành vận tải. Do đó, khi giá xăng dầu giảm tới 27% so với mức giá ngày 1/1/2014, thì giá cước vận tải phải giảm từ 12 đến 15% mới hợp lý.

Nhưng Báo cáo của Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính ngày 16/1 cho biết, theo báo cáo của 38/63 tỉnh, thành trên cả nước, thì mức giá vận tải hành khách bằng xe taxi giảm phổ biến 3 đến 10%, còn mức giá cước vận tải hành khách bằng xe khách tuyến cố định giảm phổ biến từ 5 đến 10%.

Tuy nhiên, trong các địa phương báo cáo thì nhiều địa phương như Ninh Thuận, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Trị, Hà Tĩnh, đến thời điểm báo cáo, vẫn chưa có doanh nghiệp nào kê khai giảm giá.

Còn một số địa phương khác, số doanh nghiệp kê khai giảm giá cũng rất khiêm tốn, như Quảng Ninh chỉ có 5 doanh nghiệp kê khai giảm giá từ 5 đến 10%. Hà Giang có 6/10 doanh nghiệp kê khai giảm giá, bình quân mức giảm 10%. Kon Tum có 7/12 doanh nghiệp kê khai giảm giá, bình quân mức giảm 7,4%. Sóc Trăng có 5/18 doanh nghiệp kê khai giảm giá.

Có tỉnh như Tây Ninh có 2 doanh nghiệp kê khai giảm giá thì lại có tới 7 doanh nghiệp kê khai tăng giá…

Như vậy là phần lớn các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn chưa chịu giảm giá cước, mặc dù giá xăng dầu giảm sâu đã nhiều ngày. Số đã giảm, thì mức giảm giá vé chưa tương xứng với sự giảm giá của xăng dầu.

Nay lại xin tăng phụ thu. Giảm giá cước vận tải chỉ từ 5 đến 10%, mà không phải doanh nghiệp nào cũng giảm, trong khi lại xin tăng phụ thu đến 30; 40; thậm chí đến 60% giá vé. Như vậy, hành khách phải móc túi ra một số tiền lớn hơn nhiều lần số tiền được giảm, để đổi lấy tấm vé xe ngày Tết.

Điều đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên các Hiệp hội vận tải có đề nghị này. Trong khi ngày Tết năm nào cũng vậy, xe nào cũng chạy một chiều, còn chiều ngược lại thì chạy rỗng, mà chẳng có nhà xe nào kêu lỗ cả.

Trái lại, các nhà xe đều coi những ngày trước và sau nghỉ Tết là mùa làm ăn, mùa gặt hái để bù lại cho những chuyến xe ế ẩm ngày thường. Thế nên, lý giải của ông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội là không thuyết phục.

Đây thực chất là sự… bày trò của các nhà xe, để đối phó với việc bắt buộc phải giảm giá cước vận tải do xăng dầu giảm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm