| Hotline: 0983.970.780

Khi nông dân Hà Nội trồng lúa chỉ để lấy cá chép

Thứ Ba 11/10/2022 , 06:40 (GMT+7)

Mang con chép nặng hơn 2 kg của anh Hiệp tặng về nhà hàng thì tôi đã thấy nồi lẩu đang sôi với những đĩa bày tú hụ bắp bò hoa, đuôi bò, cuống tim…

Biến toàn thân cây lúa thành thức ăn cho cá

Tôi chắc mẩm món cá sẽ ế đây nhưng đến khi mang con chép hấp được mang lên thì nó lại hết đầu bởi cả sáu người đều…ưu tiên gắp, đã trót ăn một miếng lại chỉ muốn ăn những miếng tiếp theo. Thịt cá ngọt, thơm, đậm đà khiến cho mọi món ăn khác dọn lên mâm đều thành ra nhạt nhẽo, vô vị. Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món cá chép nuôi thả trong ruộng lúa của huyện Thanh Oai, TP Hà nội.

Anh Nguyễn Văn Hiệp kể năm 2006 mình bắt đầu ra vùng bãi ven đê của thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài để thuê máy múc đào ao, đắp vườn, tạo dựng một cơ ngơi trang trại rộng 5,4 mẫu trong đó 5,2 mẫu là ao, còn 2 sào là vườn. Cỡ 8 năm về trước anh đã áp dụng trồng lúa và nuôi cá ngay trong ruộng nhưng theo kiểu tự phát, cấy xong khi lúa được khoảng 1 tháng thì thả cá vào cho chúng luồn ở bên dưới, được khoảng 2 tháng thì thu hoạch lúa. Lúc đó ruộng chỉ còn trơ có gốc rạ để cho cá ăn mà thôi, bởi thế cả lúa lẫn cá đều không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Empty

Khi đến mùa, anh Hiệp sẽ cấy lúa để thả cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn mô hình cá lúa của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mà trực tiếp là Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai mới chuyển giao, thực hiện hồi đầu năm nay có nhiều điểm khác biệt. Ở giai đoạn đầu vẫn tương tự, sau khi cấy lúa khoảng 1 tháng thì thả cá chép vào cho chúng luồn bên dưới, nhưng ở giai đoạn sau đã khác biệt hoàn toàn, khi lúa chín anh Hiệp không gặt về mà cứ dâng nước lên dần dần, biến toàn thân cây thành thức ăn cho cá.

“Khi cấy khoảng 1 tháng thì tôi thả cá chép kích cỡ 100 con/kg vào ruộng nhưng chúng chỉ luồn bên dưới ăn sâu, ăn bọ chứ không ăn được lúa. Khi lúa bắt đầu uốn câu thì tôi mới thả cá trắm với trọng lượng 500-700 gram/con vào ruộng. Chỉ cần nước dâng lên đến nửa cây là trắm sẽ kéo xuống để ăn lá, khiến thân lúa đổ gục thì cá chép mới đớp được thóc mà ăn. Từ lúc thả vào đến lúc ăn hết thân cây lúa lẫn hạt thóc khoảng 6 tháng, nhờ thế mà cả cá trắm lẫn cá chép lúc nào cũng no.

Thóc vẫn là quan trọng nhất, là thức ăn chính giúp cho thịt cá chép dai hơn, ngọt hơn, thơm hơn, khi đem vào chế biến sẽ không bị nát như cá nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Ngoài cho cá ăn thóc ở trên cây lúa, khi ở ruộng đã hết, tôi còn đong thóc của bà con về ngâm xong rồi đổ ra tải để chớm mọc mầm thì sẽ trút xuống ao cho chúng ăn.

Empty

Anh Hiệp đang kéo cá để kiểm tra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nếu ăn thóc không thì thịt cá rất thơm ngon nhưng khá chậm lớn, vì vậy ở giai đoạn chuẩn bị xuất bán tôi bổ sung thêm chất đạm cho chúng bằng cách mua lòng gà với giá 4.000đ/kg về cho ăn để nhanh lên cân”. (Tuy nhiên, đây là điều đáng tiếc vì thịt cá lúc đó sẽ không thơm ngon một cách hoàn hảo, tự nhiên nữa-PV). Ngoài thả cá chép, cá trắm vào ruộng, tôi còn thả thêm cá nheo để chúng ăn tận dụng những con cá tạp, cá nhỏ bên trong, đầu năm xuống giống 1.000 con, cuối năm cũng thu được cỡ 2 tấn”.

Theo anh Hiệp, cá chép 3 máu mua ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 (Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) rồi gột bằng cám đến trọng lượng 100-200gram mới cho ăn thóc, đến 1-1,5 kg mới bổ sung cám công nghiệp hay đạm động vật để tăng tốc. Còn cá trắm khó nuôi hơn, khi còn bé cho ăn nhiều cũng chết, đến khi chúng mọc răng, không để ý cũng chết, do đó phải có hệ thống quạt nước tạo ô xi, đánh thuốc định kỳ và tẩy nước.

Cá ngon nhưng giá bán bằng cá thường

Khi đi những tỉnh miền núi như Tuyên Quang, Hà Giang tôi thấy bà con nuôi cá chép ở trong ruộng, kích cỡ chỉ bằng ba, bốn ngón tay nhưng lại bán được giá tới 100.000-150.000đ/kg bởi biết cách làm thương hiệu, bởi biết kết hợp với du lịch sinh thái để tiêu thụ sản phẩm. Vậy mà, ở Thủ đô nổi tiếng là sành ăn, giá cá chép thả ruộng thơm ngon khác biệt như thế mà anh Hiệp vẫn chỉ bán được bằng giá cá hàng chợ, nuôi trong ao tù, nước đọng, cho ăn thức ăn công nghiệp. Cụ thể loại nặng hơn 2 kg thương lái chỉ trả 50.000đ/kg, còn trắm từ 3 kg trở lên chỉ trả 52.000đ/kg, cá nheo từ 2kg trở lên chỉ trả 58.000đ/kg.

Điều này không khuyến khích được người nông dân khi áp dụng khoa học kỹ thuật, làm ra sản phẩm ngon hơn nhưng lại không được hưởng phần thặng dư giá trị của nó, thậm chí không bù đắp nổi công sức, chi phí. Thành ra đa số lại quay về với kiểu nuôi, trồng cũ, chạy theo năng suất, lạm dụng thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh…

Empty

Anh Hiệp đem con cá vừa kéo lên tặng chúng tôi. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Cá tôi nuôi hiện vẫn chưa làm được VietGAP, ngon hay không ngon mang ra chợ cũng không ai công nhận cả. Nói một cách công bằng, về chất lượng nếu mà ăn cá của tôi đạt được 10 điểm thì cá ở chợ chỉ đạt được 6 điểm mà thôi. Còn về hình dáng, cá nuôi trong ao nước sạch (toàn bộ là nước mưa chứ không có nguồn nào chảy vào nên không lo ô nhiễm-PV), cho ăn bằng thóc, nuôi cả năm trời nên cũng khác hoàn toàn so với cá hàng chợ, nuôi trong ao bẩn, cho ăn thức ăn công nghiệp, mỗi năm nuôi thu 2-3 lứa.

Thân cá của tôi dài hơn, màu vảy vàng sáng hơn, đuôi đỏ hơn, còn cá nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp thân tù tù trông như gù vì quá béo. Hiện tại ở thị trấn có 3 hộ nuôi cá, diện tích cũng ngang nhau nhưng chỉ có tôi nuôi theo mô hình lúa cá, do đó chưa đủ sản lượng để đem đi quảng bá, giới thiệu. Còn thương lái đến mua thì cá nào cũng như cá nào. Nuôi cá trong ruộng cho ăn thóc kiểu này đầu tư khá nhiều nên mỗi năm tôi thu 19 tấn cá, trừ tất cả chi phí tôi cũng chỉ còn lãi được 150 triệu thôi”. 

Anh Nguyễn Văn Khiêm-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thanh Oai cho biết, chuyện kết hợp lúa cá huyện đã có từ lâu, với hàng chục hộ nuôi, cho hiệu quả khá nhưng hiện chỉ có 4-5 hộ còn duy trì bởi lý do nguồn nước, cả sông Đáy lẫn sông Nhuệ cùng kênh La Khê nhiều thời điểm ô nhiễm, không thể lấy vào. Những hộ còn nuôi được là bởi có nguồn nước sạch hoặc gần các khu ruộng trũng, nước vào đã lắng ở đó, được cây lúa thanh lọc nên tương đối đảm bảo.

Còn về mô hình lúa cá của Trung tâm Khuyến nông, năm nay trạm làm 1 cái nhưng chia ra 2 địa điểm: thị trấn Kim Bài và xã Đỗ Động, hỗ trợ 50% giống, thức ăn cho dân: “Dù có 1-2 hộ tham gia mô hình nhưng các lớp tập huấn chúng tôi vẫn mời 20-30 hộ có nhu cầu đến tìm hiểu. Trong quá trình triển khai từ hồ sơ đến kỹ thuật, Trạm phân công một người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo tận hộ, gia đình có kinh nghiệm tới đâu, còn lại thiếu thì hỏi ngay cán bộ.  

Mô hình lúa cá có cái hay ở chỗ thức ăn sẵn ở trong nước, ở trên mặt nước, có không gian rộng để sinh sống nên thủy sản phát triển khá nhanh, chất lượng tốt. Thị trường Hà Nội đang có yêu cầu về nông sản từ an toàn đến sạch, từ VietGAP đến hữu cơ. Nhưng để thực hiện điều đó cần phải có các tổ hợp tác bảo ban nhau cùng làm, có diện tích lớn, xây dựng dự án rồi trên về thẩm định, cấp giấy chứng nhận. Trước đây có một số hộ làm rau an toàn, những người biết thì có thể mua với giá cao hơn một chút, nhưng phần lớn đều chỉ trả giá như hàng chợ vì không có giấy tờ gì chứng nhận cả. Cá lúa cũng thế, mới chỉ là mô hình nhỏ, sản lượng ít để làm điểm về sau cho nhiều hộ thực hiện theo. Một khi mở rộng được diện tích, gia tăng được sản lượng thì mới làm được thương hiệu, đưa sản phẩm vào hệ thống cửa hàng, siêu thị tiêu thụ với giá bán tương xứng”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.