| Hotline: 0983.970.780

World Bank lạc quan về vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ Năm 10/10/2024 , 20:54 (GMT+7)

Báo cáo tháng 10 của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao khả năng tăng tốc phát triển kinh tế từ những quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương.

World Bank lạc quan về khả năng phát triển kinh tế của khu vực Đông Á.

World Bank lạc quan về khả năng phát triển kinh tế của khu vực Đông Á.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định, căng thẳng thương mại gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách “kết nối” các đối tác thương mại lớn.

"Các công ty Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018-2021", báo cáo chỉ ra.

Tuy nhiên, những bằng chứng mới đây đưa WB đến dự đoán, các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò “kết nối một chiều” khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng.

Các nước láng giềng của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của nước này trong suốt 30 năm qua. Dù vậy, quy mô của động lực đó này có xu hướng giảm dần.

Trung Quốc đã thúc đẩy các nước khác thông qua nhập khẩu hàng hóa, nhưng nhu cầu nhập khẩu hiện nay tăng chậm hơn GDP. Nhập khẩu chỉ tăng 2,8% trong 7 tháng đầu năm nay so với mức gần 6% mỗi năm trong thập kỷ trước, theo WB.

Tăng trưởng chung của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự báo đạt 4,8% trong năm 2024 nhưng sẽ chững lại còn 4,4% vào năm 2025.

Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc, dự báo sẽ giảm từ 4,8% trong năm nay xuống còn 4,3% trong năm 2025 do thị trường bất động sản yếu kéo dài, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng thấp. Bên cạnh đó là những thách thức mang tính cơ cấu như dân số già hóa và những căng thẳng toàn cầu.

Tăng trưởng chung của khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, dự báo đạt 4,7% trong năm 2024 và 4,9% trong năm 2025, nhờ tiêu dùng trong nước tăng lên, xuất khẩu hàng hóa phục hồi và du lịch tăng trở lại.

Trong các nền kinh tế lớn hơn, chỉ có Indonesia dự kiến ​​tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 bằng hoặc cao hơn mức trước đại dịch. Ngược lại, tăng trưởng ở Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan dự kiến ​​sẽ thấp hơn trước đại dịch.

Các quốc đảo Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng ở mức 3,5% trong năm 2024 và 3,4% trong năm 2025 khi du lịch được phục hồi. Cùng với đó, tăng trưởng đầu tư vẫn còn yếu ở nhiều nơi trong khu vực.

Bà Manuela Ferro, Phó chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhìn nhận, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.

"Để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, các quốc gia trong khu vực phải chủ động hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế của mình để thích nghi với sự chuyển đổi các mô hình thương mại và thay đổi về công nghệ”, bà khuyến nghị.

Báo cáo vừa phát hành của WB cũng chỉ ra 3 yếu tố gây ảnh hưởng đến tăng trưởng trong khu vực: chuyển dịch thương mại và đầu tư, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và sự bất ổn chính sách toàn cầu ngày càng gia tăng.

Dự báo thời gian tới, WB cho rằng bất ổn toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khu vực. Ngoài sự bất ổn về địa chính trị, những bất định về chính sách kinh tế gia tăng có thể làm giảm sản xuất công nghiệp và giá cổ phiếu ở Đông Á và Thái Bình Dương lần lượt là 0,5% và 1%.

Công nghiệp, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng số đang thay đổi thị trường lao động trong khu vực. Từ năm 2018 đến năm 2022, sử dụng robot đã giúp tạo việc làm cho khoảng 2 triệu lao động nhưng cũng thay thế khoảng 1,4 triệu lao động có tay nghề thấp hơn.

Tỷ lệ việc làm bị trí tuệ nhân tạo đe dọa nhỏ hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Dù vậy, ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực nhận định: “Mô hình phát triển của Đông Á dựa vào thị trường toàn cầu mở và sản xuất thâm dụng lao động đang bị thách thức bởi căng thẳng thương mại và công nghệ mới. Phản ứng tốt nhất là tận dụng các FTA và trang bị những kỹ năng để tận dụng công nghệ mới”.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.