3 nỗi lo trước mùa mưa bão
Hội nghị Trực tuyến Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020 được Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 26/6 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại cho Việt Nam bình quân khoảng 1,5% GDP và khoảng 300 người thiệt mạng. Bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… ngày càng khốc liệt hơn. Với điều kiện thời tiết cực đoan, chúng ta không thể lường trước được hết vấn đề sẽ xảy ra. Do đó, đây là vấn đề rất lớn và rất khó.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Việt Nam có hơn 9.000km đê cấp III trở lên, trong đó có 230 điểm nguy cơ và có thể uy hiếp an toàn đê điều bất cứ lúc nào.
“Ngoài ra, hai nguy cơ chúng tôi lo lắng nhất, đó là các vụ vi phạm đê điều ngày càng tăng và không có xu hướng giảm, với tổng số khoảng 7.400 vụ vi phạm chưa bị xử lý.
Bên cạnh đó, lâu rồi chúng ta không có một trận lũ lớn nào xảy ra. Chính vì thế một số địa phương chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ, tu bổ, nâng cấp đê. Sức chịu đựng của các tuyến đê chưa có điều kiện kiểm chứng trong thực tế, mà chỉ mới có diễn tập ứng phó nên chúng tôi rất lo lắng nếu có mội trận lũ lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Ông cũng cho biết, thời điểm này Trung Quốc đang có trận lũ rất lớn, đe dọa hàng chục triệu người. Và theo quy luật, sau khi Trung Quốc xảy ra lũ lụt khoảng 1-2 tháng, thì Việt Nam sẽ có mưa lớn.
"Ngay lúc này, chúng tôi đang theo dõi các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Hà Giang và Cao Bằng có những trận mưa rất lớn và không loại trừ khả năng trong ít ngày tới sẽ có lũ quét.
“Chúng tôi mong các đồng chí Chủ tịch UBND huyện ở 167 huyện, thị xã có đê thực hiện trách nhiệm được giao trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều và phòng chống thiên tai”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Một số địa phương lơ là, xem nhẹ công tác hộ đê
Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT đã cung cấp những thông tin mới nhất về Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9; các vấn đề liên quan trực tiếp đến các Chủ tịch UBND huyện liên quan đến công tác quản lý đê điều.
Theo đó, những nhiệm vụ trọng tâm mà Chủ tịch UBND cấp huyện cần tập trung quan tâm, chỉ đạo như: Các hoạt động kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, phân công, phân nhiệm cho các thành viên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn các công trình phòng, chống thiên tai và cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Nhất là đảm bảo an toàn cho 2.726km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt với 230 trọng điểm đê điều xung yếu; xử lý vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng và ngăn chặn tình trạng tái diễn, vi phạm mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện cũng chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả đảm bảo sớm ổn định đời sống sản xuất và tái thiết sau thiên tai.
Theo ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong công tác hộ đê, việc phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu sự cố đê điều mang tính quyết định. Tuy nhiên, qua theo dõi những năm gần đây, việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra, canh giác, bảo vệ đê trong mùa lũ theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ theo Thông tư 01 năm 2009 của Bộ NN-PTNT.
Khởi tố hình sự vụ vi phạm nghiêm trọng
Bên cạnh đó, một số địa phương không bố trí đủ cán bộ làm công tác chuyên trách quản lý đê theo quy định của Luật Đê điều nên thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập. Phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế, tình huống có thể xảy ra thì lực lượng tham gia hộ đê lúng túng.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cho biết: Hiện nay, trong Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã quy định nhiều nội dung thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện, nhất là công tác hộ đê vào mùa mưa bão.
Do đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã ban hành tờ rơi về trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện, đề nghị các Chi cục Đê điều và Phòng, chống thiên tai cung cấp cho các lãnh đạo huyện để các đồng chí mang theo trong cặp.
Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý Đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) đề nghị các Chủ tịch UBND cấp huyện kiên quyết xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính về đê điều theo thẩm quyền. Đối với các vi phạm nghiêm trọng nếu xác định đủ điều kiện cấu thành tội phạm, cần khởi tố hình sự theo quy định củ Bộ luật Hình sự để tạo tính răn đe.
Bên cạnh đó, tổ chức quản lý chặt chẽ các công trình, hành lang bảo vệ đê điều và đất bãi sông như giao đất, cho thuê đất… theo đúng quy định của pháp luật về đê điều.