Theo đó, tại cuộc họp khẩn vừa diễn ra, ông Uông Dương đã kêu gọi chính quyền các cấp cần kiểm soát lũ lụt và chủ động các nỗ lực cứu hộ khẩn cấp trong lưu vực sông Dương Tử nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Ông Uông Dương hiện cũng nắm giữ chức vụ là người đứng đầu Cơ quan phòng chống lụt bão và hạn hán quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Uông yêu cầu các ban ngành và địa phương cần tăng cường giám sát, cảnh báo sớm và đánh giá rủi ro, đồng thời đẩy nhanh các ứng dụng khoa học vào hoạt động kiểm soát lũ lụt.
Trong diễn biến liên quan, hiện có nhiều thông tin cho rằng đập Tam Hiệp đang có nguy cơ vỡ ngay trong mùa mưa năm nay khi mực nước tại hồ chứa của đập đã chạm mốc 147m vào cuối tuần trước, cao hơn 2m so với mức cảnh báo lũ. Đặc biệt là khi lưu lượng nước từ các sông đổ về tăng từ 20.500 m3/s lên 26.500 m3/s chỉ sau một ngày làm dấy lên nhiều lo lắng về cấu trúc đập đang đứng trước sức ép lớn.
Đập Tam Hiệp được chính phủ Trung Quốc xây dựng trên sông Dương Tử, đoạn tại thị trấn Tam Đẩu Bình thuộc thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc hiện vẫn nắm giữ là đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Theo tờ China Daily, siêu dự án này được khởi công từ năm 1994 và vận hành toàn phần vào tháng 7/2012, với tổng vốn đầu tư 200 tỷ nhân dân tệ, với sản lượng điện năm 2018 đạt 100 tỷ kWh. Dự án bao gồm một đập cao 185 m và một hồ chứa nước dài 660 km, được thiết kế để tạo ra điện năng và kiểm soát lũ.
Tính từ năm 2011 đến nay, chính phủ Trung Quốc đã chi ra hơn 600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 86 tỷ USD) để giải quyết các tác động lâu dài của con đập khổng lồ này đến môi trường và cư dân lân cận khi các nghiên cứu cho thấy những bằng chứng ngày một xấu đi. Tuy nhiên đến nay nhiều vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ chưa được giải quyết và chính phủ tiếp tục cam kết sẽ chi thêm khoảng 600 tỷ nhân dân tệ đến năm 2025 cho các nỗ lực kiểm soát hiệu quả dự án.
Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, trong năm 2017 các khu vực xung quanh sông Dương Tử đã xảy ra 776 trận động đất, tăng 60% so với năm 2016. Một cuộc nghiên cứu từ Cục Địa chấn Quốc gia cũng cho biết, mật số các trận động đất ở khu vực đã tăng gấp 30 lần trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2009.