| Hotline: 0983.970.780

Khởi công xây dựng trung tâm chiếu xạ 50.000 tấn/năm tại Cần Thơ

Thứ Năm 14/07/2022 , 15:36 (GMT+7)

Dự kiến đầu năm 2023, trung tâm chiếu xạ gồm cụm kho bãi, dây chuyền chiếu xạ đa năng công suất 50.000 tấn/năm phục vụ xuất khẩu nông, thủy sản sẽ đi vào hoạt động.

Hàng năm, khu vực ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn. Thế nhưng, vùng này lại chưa có các trung tâm chiếu xạ công suất lớn để đảm bảo nhu cầu chiếu xạ nông, thủy sản xuất khẩu cho các thị trường lớn, khó tính. Điều này dẫn đến 70% lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển về các cảng lớn ở TP.HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn 10 – 40% (tùy từng tuyến), ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa Việt trên thị trường.

Lễ khởi công cụm kho bãi chiếu xạ tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Lễ khởi công cụm kho bãi chiếu xạ tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành logistics vùng ĐBSCL cũng đã được tổ chức. Trong đó, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ ra rằng, hệ thống kho lạnh, kết nối vận tải biển và phát triển các trung tâm chiếu xạ công suất lớn trong vùng là vấn đề hết sức cần thiết.

Ngày 14/7, tại cảng Cần Thơ, Công ty Cổ phần chiếu xạ Cần Thơ (ICT) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cụm kho bãi và dây chuyền chiếu xạ công nghiệp đa năng với công suất dự kiến lên đến 50 nghìn tấn/năm. Khi đi vào hoạt động, cụm kho bãi này sẽ đóng vai trò quan trọng giải quyết bài toán logistics cho cả vùng ĐBSCL.

Cụ thể, trong giai đoạn 1, ICT sẽ triển khai xây dựng dây chuyền chiếu xạ công nghiệp đa năng VINAGA1 sử dụng nguồn Cobalt – 60, một công nghệ hiện đang phổ biến trên thế giới. Công nghệ này do Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thiết kế và chế tạo.

Dây chuyền dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2023, trên diện tích gần 2ha tại khu vực Phú Thắng, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Mô hình phác thảo cụm kho bãi chiếu xạ tại cảng Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình phác thảo cụm kho bãi chiếu xạ tại cảng Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Cùng với đó, hệ thống cụm kho bãi, gồm 1 kho chứa hàng bình thường, 3 kho lạnh ở nhiệt độ bảo quản 0 độ C và 15 độ C cũng được xây dựng để đáp ứng đa dạng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN), hiện nay công nghệ chiếu xạ đang phát triển mạnh, nhiều đơn vị tư nhân đã sử dụng công nghệ này nhằm mục đích chiếu xạ kiểm dịch, xuất khẩu. Tại Nam Bộ, cũng xuất hiện một số đơn vị, nhưng quy mô nhỏ hơn, số lượng không lớn. Và rõ ràng, tại TP Cần Thơ có một đơn vị chiếu xạ phục vụ cho xuất khẩu nông, thủy sản của vùng ĐBSCL là điều rất cần thiết.

Ông Thành khẳng định, trung tâm chiếu xạ được khởi công tại TP Cần Thơ là dây chuyền chiếu xạ đầu tiên được xây dựng tại một cảng ở Việt Nam. “Trước đây, các đơn vị chiếu xạ khác đều nằm ngoài cảng. Khâu vận chuyển hàng hóa, chiếu xạ, hải quan không tiến gần với nhau, làm cho chi phí hàng hóa xuất khẩu tăng lên. Việc xây dựng trung tâm chiếu xạ, cụm kho bãi tại cảng Cần Thơ sẽ góp phần khép kín quá trình xuất khẩu một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Thành cho hay.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chiếu xạ Cần Thơ bày tỏ, cụm kho bãi chiếu xạ tại cảng Cần Thơ sẽ góp phần hoàn thiện trung tâm logistics của vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chiếu xạ Cần Thơ bày tỏ, cụm kho bãi chiếu xạ tại cảng Cần Thơ sẽ góp phần hoàn thiện trung tâm logistics của vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chiếu xạ Cần Thơ bày tỏ, mục tiêu dài hạn của Công ty là thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, đưa KH-CN hạt nhân vào cuộc sống, đặc biệt là thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Việc xây dựng cụm kho bãi và dây chuyền chiếu xạ tại cảng Cần Thơ sẽ góp phần hoàn thiện trung tâm logistics của vùng với đầy đủ chức năng vận tải – phân phối – lưu trữ – chiếu xạ.

Đồng thời, sẽ tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế vùng ĐBSCL về hệ thống logistics kết nối từ sản xuất tới tiêu dùng, thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất khẩu hàng hóa qua cảng Cần Thơ.

Theo Viện Năng lượng nguyên tử, công nghệ chiếu xạ là dùng tia phóng xạ để tiêu diệt côn trùng, nấm mốc, các loại vi khuẩn có trong thực phẩm. Công nghệ này giúp cho các sản phẩm nông, thủy sản đạt chất lượng cao hơn, thời gian bảo quản lâu dài, phục vụ xuất khẩu đi các nước có những yêu cầu khác nhau khi nhập khẩu.

Công nghệ này đã được Viện Năng lượng nguyên tử tìm hiểu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Từ những năm 1980, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã triển khai dây chuyền chiếu xạ đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1999, mở ra dây chuyền chiếu xạ tại TP.HCM và 1 đơn vị trực thuộc Viện.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.