Giống lúa Bao thai là giống lúa cảm quang, chỉ gieo cấy trong vụ mùa sớm hoặc mùa chính vụ. Thời gian sinh trưởng khoảng 150 ngày, cứng cây, đẻ khỏe, chống chịu hạn rất tốt, chống đổ khá, cây cao 90 – 100 con, bông dài 18 – 20cm, khối lượng 1.000 hạt 23 gam, vỏ trấu màu nâu sẫm, hạt gạo có màu hồng. Chất lượng cơm gạo ăn ngon, thơm, dẻo, vị đậm, rất được người tiêu dùng khó tính ưa chuộng và giá bán trên thị trường bao giờ cũng cao hơn tất cả các giống lúa gạo khác từ 30 – 35%.
Đặc biệt, giống lúa này không kén đất. Yêu cầu đầu tư thâm canh thấp và hạt lúa chín sinh lý chậm, nên khi chín dù có mắc mưa vẫn không có hiện tượng nẩy mầm trên bông như các giống lúa khác. So với các giống lúa mới sau nà, giống Bao thai năng suất không bằng, nhưng được thâm canh tốt vẫn cho năng suất bình quân từ 45 – 50 tạ/ha không khó.
Ở tất cả các vùng đất khô hạn, cao cưỡng không có nguồn nước tưới chủ động, nhất là vùng đất trung du, miền núi cao, vùng đất bãi ngang ven biển gieo cấy giống lúa này rất phù hợp.
Vào những năm của Thập kỷ 70 và 80 của Thế kỷ 20, giống lúa Bao thai đã được gieo cấy mỗi vụ mùa ở Nghệ An từ 21.000 – 23.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện có diện tích đất bãi ngang ven biển nhiều, như ở các huyện Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và ở những vùng đất cao, hạn, không có nguồn nước tưới chủ động thuộc các huyện trung du, miền núi.
Phương thức gieo cấy giống lúa này có 2 cách. Một là gieo sạ khô. Sau khi đã thu hoạch cây rau màu của vụ xuân, tranh thủ khi đất còn đủ ẩm, làm đất nhỏ, gieo hạt giống xuống rồi dùng bừa, bừa 1 - 2 lần để vùi lấp hạt giống vào đất và sau đó hạt giống sẽ mọc mầm nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ ẩm có trong đất.
Hai là gieo mạ phui, cấy vùi. Cách làm này rất phổ biến ở vùng đất cát pha ven biển ở Nghệ An trước đây. Trên đất gieo trồng rau màu vụ xuân sau khi thu hoạch xong, đất còn đủ ẩm, bà con nông dân cày bừa làm nhỏ đất, sau đó gieo hạt giống lúa Bao thai đã được ngâm no nước xuống đất, hạt giống được gieo rất dày, bình quân 4 - 5 kg hạt giống/sào Trung bộ (500 m2).
Đây là phương pháp gieo mạ không cần nước, được bà con nông dân gọi là gieo mạ phui. Gieo xong dùng bừa, bừa 1 - 2 lần để vùi lấp hạt giống xuống đất. Trên ruộng cấy giống lúa Bao thai, đất được cày bừa phơi ải chờ sẵn khi nào có mưa xuống, đất ướt, đủ ẩm thì nhổ mạ gieo phui đem ra ruộng cấy, dùng ngón tay chọc lỗ đủ để gốc cây mạ lút vào đất, rồi lấy tay khỏa bằng đất lại. Cách cấy lúa kiểu này gọi là cấy vùi, cấy lúa không cần có nước.
Từ những năm cuối Thập kỷ 80, việc gieo cấy giống lúa Bao thai ngày càng giảm dần, nguyên nhân chủ yếu là do yêu cầu về an ninh lương thực quá lớn và từ đây việc gieo cấy các giống lúa lai có năng suất cao được ưu tiên phát triển mạnh để thay thế các giống lúa thuần năng suất thấp. Nguyên nhân thứ hai là do chủ trương phát triển mạnh sản xuất vụ đông, tập trung chủ yếu trên đất màu và cây công nghiệp thực phẩm ngắn ngày trong vụ xuân như lạc, vừng, đậu đỗ…
Từ đây, đất gieo cấy giống lúa Bao thai thu hẹp lại dần, nhường chỗ cho cây trồng vụ đông như ngô, rau, đậu, củ quả các loại. Bây giờ, nhu cầu của người tiêu dùng lúa gạo chất lượng cao ngày càng nhiều và họ chủ yếu mua các loại gạo ngon cơm, thơm, mềm, dẻo và có vị đậm, cho dù giá mua cao hơn rất nhiều vẫn chấp nhận. Đây chính là nguyên nhân giống lúa Bao thai được ngành nông nghiệp Nghệ An và các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo khôi phục và phát triển lại.
Vụ mùa năm 2021 này, được sự giúp đỡ của Sở NN-PTNT Nghệ An, UBND huyện Con Cuông giao Phòng NN-PTNT huyện cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng mô hình gieo cấy giống lúa thuần Bao thai trên vùng đất khô hạn ở 2 xã Thạch Ngàn và Mậu Đức với quy mô 22 ha. UBND huyện hỗ trợ 100% kinh phí mua hạt giống, 50% kinh phí mua phân và thuốc BVTV.
Mô hình được thực hiện tại bản Đồng Tâm, xã Thạch Ngàn trên diện tích 6 ha và tại bản Kẻ Nóc, xã Mậu Đức hơn 16 ha, có 141 hộ dân tham gia.
Phòng NN-PTNT cùng với cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ xuống trực tiếp chỉ đạo 2 địa phương nói trên thực hiện.
Cả 2 mô hình gieo cấy giống lúa Bao thai ở 2 xã Thạch Ngàn và Mậu Đức cùng xuống đồng gieo sạ ngày 1/6/2021 và được thu hoạch xong ngày 26/10/2021, thời gian sinh trưởng xấp xỉ 150 ngày. Chi phí đầu tư phân bón bình quân cho 1 sào (500 m2) gồm 3 tạ phân chuồng + 10 kg phân NPK loại 16-16-8 để bón lót và 6 kg đạm Urê + 3 kg kali để bón thúc lúa đẻ, bón nuôi đòng. Kết thúc vụ sản xuất, năng suất lúa đạt bình quân 45 tạ/ha.
Tổng chi phí đã đầu tư hết 670.000 đ/sào (500 m2), bao gồm chi phí phân bón giống, công làm đất, thu hoạch, không phải chi phí thuốc BVTV và chi phí máy bơm nước.
Giá lúa Bao thai sau khi thu hoạch xong, phơi khô khén bán được với giá 8000 đ/kg, cao hơn giá các giống lúa khác trên dưới 2000 đ/kg lúa. Nếu được xay xát thành gạo để bán thì giá gạo Bao thai bán bình quân trên thị trường 16.000 đ/kg, cao hơn giá gạo các giống khác từ 3000 – 4000 đ/kg.
Tính ra, nếu sản xuất giống lúa Bao thai, năng suất thấp hơn các giống khác trên dưới 5 tạ/ha trong vụ mùa. Nhưng nhờ giá lúa giá gạo cao hơn các giống khác, vì vậy qua tính toán, nếu gieo cấy giống lúa thuần Bao thai trong vụ mùa chi phí thấp, thu lãi cao hơn các giống lúa khác trên 10 triệu đồng/ha là chắc chắn và không sợ khó tiêu thụ hoặc giá rẻ, vì xu thế người tiêu dùng đang rất cần loại gạo này.