Ngày 12/12, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Xây dựng mô hình HTX tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại ĐBSCL” giai đoạn 2022 - 2024. Đây là dự án do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm chủ đầu tư, Vinaseed chủ trì thực hiện.
Hình thành mối liên kết chặt chẽ
Ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng Giám đốc Vinaseed, Chủ nhiệm dự án cho biết: Dự án được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa "4 nhà" gồm doanh nghiệp – chính quyền địa phương – hợp tác xã – hộ nông dân, được triển khai trong 3 năm 2022 - 2024 với quy mô trên 2.000ha, sản xuất giống trải rộng ở 4 tỉnh An Giang, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp.
Qua 3 năm thực hiện dự án, doanh nghiệp, HTX và các hộ dân tham gia đều hiểu rõ hơn vai trò của mình trong chuỗi sản xuất lúa giống, từ đó hình thành nên các vùng sản xuất chuyên môn hóa, đặc biệt sau dự án vẫn tiếp tục hợp tác sản xuất với Công ty.
Đây là sự chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức của các bên trong việc duy trì quan hệ sản xuất bền vững, hợp tác đôi bên cùng có lợi, điều mà trước đến nay chưa thực sự mạnh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Theo đó, về số mô hình HTX, dự án đã thực hiện được 34 mô hình HTX liên kết sản xuất, trong đó có 7 mô hình sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng (vượt 1 mô hình) và 27 mô hình HTX sản xuất giống lúa cấp 1 xác nhận 1 (vượt 15 mô hình) với 709 hộ dân tham gia (đạt 61%).
So với mục tiêu ban đầu, kết quả thực hiện nhiều chỉ tiêu của dự án đều đạt và vượt ở mức cao. Đối với mô hình sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng, dự án đã thực hiện được 160ha, đạt 100%; năng suất trung bình đạt 6,2 tấn/ha, vượt 37%; hiệu quả kinh tế tăng 68,7% so với sản xuất lúa lương thực, vượt 38,7%.
Đối với mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận 1, dự án đã thực hiện được gần 2.017ha, đạt trên 100%; năng suất trung bình đạt 5,8 tấn/ha, vượt 16%; hiệu quả kinh tế tăng 50,4% so với sản xuất lúa lương thực, vượt 30,4%.
Mặc dù mục tiêu ban đầu doanh nghiệp chỉ phải cam kết thu mua 90% lượng giống nguyên chủng và 80% lượng giống xác nhận, nhưng với góc độ muốn thúc đẩy hoạt động sản xuất giống lúa xác nhận đảm bảo chất lượng, Vinaseed đã thực hiện thu mua 100% sản lượng giống đạt tiêu chuẩn.
Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua 960 tấn lúa cấp nguyên chủng (đạt 150%) và 10.966 tấn lúa cấp xác nhận 1 (đạt 109,7%). Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng mã số vùng trồng cho 92% diện tích; tổ chức 40 lớp tập huấn cho các hộ dân, đạt 333% và 4 lớp tập huấn nhân rộng mô hình, đạt 100%.
HTX Kiến Bình (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) sản xuất lúa giống từ năm 2016 đến nay. Hiện HTX đang hợp tác với Công ty Giống cây trồng miền Nam (thành viên của Vinaseed) để sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và xác nhận. Ông Dương Hoài Ân, Giám đốc HTX nhận xét, chất lượng giống lúa đầu vào chuẩn, được sự chỉ dẫn tận tâm của cán bộ kỹ thuật về quy trình sản xuất nên chất lượng lúa đầu ra rất đạt.
“HTX có 20ha sản xuất giống nguyên chủng và 50ha giống xác nhận 1. Công ty Giống cây trồng miền Nam cung ứng giống lúa Đài Thơm 8 để sản xuất rất phù hợp với điều kiện của HTX. So sánh với các mô hình xung quanh, mô hình liên kết với Công ty Giống cây trồng miền Nam có lợi nhuận cao hơn 20 - 25%, bà con rất phấn khởi”, ông Dương Hoài Ân nói.
An Giang là một trong 3 tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL. Từ năm 2010, tỉnh phát triển mạnh xã hội hóa giống lúa hay còn gọi là nhân giống lúa cộng đồng. Giai đoạn 2010 - 2020, diện tích nhân giống lúa bình quân hàng năm từ 20 - 22 ngàn ha. Các địa phương đều có tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa giống, tuy nhiên gần đây do vấn đề bản quyền giống nên chương trình giống cũng chững lại. Từ khi tham gia dự án do Vinaseed chủ trì, tỉnh An Giang đã khôi phục lại chương trình giống.
Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm giống An Giang cho biết: “Nhờ dự án của Vinaseed, nông dân được tiếp cận lại những kiến thức về nhân giống. Điểm mới của dự án là đã xây dựng được quy chế hoạt động của tổ sản xuất lúa giống. Kế nữa là cấp mã số vùng trồng cho HTX, tổ hợp tác tham gia dự án. Kèm theo đó là hiệu quả sản xuất của các tổ sản xuất lúa giống khá cao. Lợi nhuận tăng thêm so với khi chưa liên kết với doanh nghiệp từ 10 - 20%. Đặc biệt, nông dân quan tâm, sản xuất theo đúng quy trình nên chất lượng giống chuẩn hơn”.
Kiến nghị nhân rộng mô hình
Về định hướng sắp tới, ông Dương Quang Sáu - Phó Tổng Giám đốc Vinaseed kiến nghị Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục có những chương trình, dự án hỗ trợ, ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất giống nhằm thúc đẩy, mở rộng hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo sự ổn định, bền vững trong sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, đóng góp cho chương trình của Chính phủ về xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Ông Doãn Văn Chiến, Trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, đây là dự án do lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo thực hiện để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân, đặc biệt là thay đổi tập quán, năng lực sản xuất giống của các HTX thông qua các doanh nghiệp sản xuất giống có điều kiện, thương hiệu trên thị trường.
"Qua báo cáo, bước đầu có thể đánh giá kết quả rất tốt của dự án. Chúng tôi hi vọng với kết quả này, các HTX, hộ dân có thể lấy đó làm điều kiện để phát triển, cùng tương tác với doanh nghiệp để nâng cao năng lực của HTX nhằm sản xuất vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đặc biệt là giống lúa đưa ra thị trường phải đạt chất lượng, đạt yêu cầu", ông Chiến đánh giá.
Cũng theo ông Chiến, hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ NN-PTNT giao thực hiện các mô hình, đặc biệt là công tác truyền thông hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là tiền đề giúp cho 12 tỉnh ĐBSCL tham gia Đề án này có cơ hội nhân rộng các mô hình của dự án giúp bà con nông dân, đặc biệt là các HTX nâng cao năng lực của mình, cùng tương tác để Đề án thành công.
"Kiến nghị của đơn vị chủ trì dự án rất phù hợp, chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ NN-PTNT để có chương trình dài hạn giúp các nội dung kiến nghị, đề nghị không chỉ của Vinaseed mà còn các đơn vị khác nữa có thể áp dụng vào sản xuất”, ông Doãn Văn Chiến cho biết.