Dễ nhầm với zona thần kinh
TS. Nguyễn Minh Quang, PGĐ Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết, vài tuần trở lại đây, số người bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tăng nhiều so với trước.
Tổn thương vì kiến ba khoang
Trung bình mỗi ngày bệnh viện đón 50-70 bệnh nhân đến khám và điều trị. Hầu hết bệnh nhân nghĩ mình bị zona thần kinh nên ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc tự điều trị. Trong số này, rất ít bệnh nhân đến viện ngay khi phát hiện bệnh. Tình trạng này tương tự tại BV Nhi Trung ương, BV Da liễu Trung ương.
“Việc tự điều trị sẽ khiến bệnh không khỏi thậm chí tiến triển nặng lên. Có những trường hợp đến viện trong tình trạng nặng như vết thương đã bị bội nhiễm mưng mủ, loang ra diện tích lớn hơn rất nhiều so với ban đầu. Hoặc có những trường hợp vết thương đã bị tràm hóa, gây mất thẩm mỹ nếu như dính tiết dịch của kiến ba khoang lên mặt, cổ hoặc chân tay”, TS Nguyễn Minh Quang nói.
Kiến ba khoang hay kiến khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Loài kiến này thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, cỏ mục, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau cơn mưa, hoặc bà con thu hoạch lúa, kiến không còn nơi cư trú sẽ bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn. Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này.
TS. Quang cho biết thêm, khác với zona thần kinh có dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn, tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể, còn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể gặp bất cứ vị trí nào có tiếp xúc, trong đó chủ yếu là vùng da hở.
Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Nếu không được chữa trị kịp thời hoặc gãi nhiều sẽ khiến vùng tổn thương lan rộng hơn.
Cách nào ngăn ngừa?
Các chuyên gia da liễu cho biết, thông thường sau khi tiếp xúc với kiến, người bệnh cảm giác râm ran. 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ. 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình. Nếu nhẹ, sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy, sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại dát thâm lâu mất.
Để kiến ba khoang không bay vào trong nhà, tiếp xúc với khăn mặt, quần áo, giường chiếu. TS Minh Quang khuyến cáo người dân nên đóng cửa buông rèm, dùng lưới chắn côn trùng hoặc tắt điện. Đối với những cụm dân cư không có điều kiện trên như ký túc xá, nhà ở nông thôn thì có thể dùng phương pháp tắt điện trong nhà, để bên ngoài sân một ngọn đèn quây xung quanh, phía dưới đặt một chậu nước. Kiến ba khoang thấy ánh sáng sẽ bay vào, rơi xuống chậu nước. Cần giặt, phơi những vật dụng kiến đậu vào.
“Trong trường hợp chẳng may tiếp xúc với kiến ba khoang, đừng giết bằng cách đập, hoặc di tay chết kiến mà nhẹ nhàng phủi chúng đi. Sau đó dùng nước lạnh xối vào chỗ kiến đậu nhằm rửa trôi tiết dịch. Tuyệt đối không gãi hay chà sát mạnh vùng da vừa bị kiến đậu vào. Đặc biệt, khi có dấu hiệu ngứa rát thì cần phải đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời”, TS Nguyễn Minh Quang khuyến cáo.
Theo các nhà khoa học, trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Do cơ thể loài kiến này có chất độc và vi khuẩn cộng sinh nên khi tiếp xúc với da tạo nên viêm da, thối thịt giống như bị tạt axít. |