Tại cuộc họp giao ban báo chí hôm qua (12/3), Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền về dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vừa phải giúp ngăn chặn dịch lây lan, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa phải giúp đảm bảo sản xuất, tiêu thụ thịt lợn bình thường.
DTLCP đang khiến tình hình tiêu thụ thịt lợn gặp nhiều khó khăn |
Lợn lành tiêu thụ bình thường
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết tính đến ngày 12/3, dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 13 tỉnh thành, tập trung ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 14.368 con. Bên cạnh việc quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch, Bộ NN-PTNT cũng đã tham mưu và triển khai nhiều giải pháp, đề nghị các cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin truyền thông để làm sao phòng chống dịch có hiệu quả, đồng thời không để xã hội, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn.
Trả lời một số cơ quan báo chí về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống DTLCP, nhất là vấn đề về lực lượng thú y cơ sở, khó khăn trong tiêu thụ thịt lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Thực tiễn hiện nay ở các tỉnh, thành lực lượng cán bộ thú y quá mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong giám sát dịch bệnh, đặc biệt là không có lực lượng thú y cơ sở, nên không có người giám sát trên địa bàn; không có người tiêm phòng, phun thuốc tiêu độc...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Tiến cho biết Thủ tướng Chính phủ mới đây đã đưa ra giải pháp sẽ phải duy trì, củng cố bộ phận thú y cơ sở.
Về vấn đề khó khăn trong tiêu thụ thịt lợn, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Những cơ sở chăn nuôi an toàn, lợn lành bệnh, tiêu thụ bình thường.
Đối với công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống DTLCP, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý: Thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tiếp tục quan tâm trong công tác tuyên truyền, ngăn chặn dịch lây lan, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời phải giúp đảm bảo sản xuất, tiêu thụ thịt lợn bình thường.
Lợn nái, lợn đực giống được hỗ trợ cao nhất gấp 2 lần lợn thịt
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng (LMLM); xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, không để phát sinh ổ dịch mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn làm lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời động vật mắc bệnh.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phòng, chống bệnh DTLCP tại địa phương mình quản lý.
Về một số giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP, LMLM, tai xanh, Chính phủ thống nhất cho phép UBND cấp tỉnh sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh LMLM, tai xanh, DTLCP buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2,0 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh. Chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn; trong quá trình triển khai phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách...