| Hotline: 0983.970.780

Không để người dân vùng 'chảo lửa' thiếu nước sinh hoạt

Thứ Năm 06/05/2021 , 16:18 (GMT+7)

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, khai thác vận hành bền vững các công trình cấp nước sạch.

Các công trình nước sạch tập trung được xây dựng ở hầu hết các vùng nông thôn Ninh Thuận.

Các công trình nước sạch tập trung được xây dựng ở hầu hết các vùng nông thôn Ninh Thuận.

Đảm bảo việc cấp nước 24/24 giờ

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận, hiện nay đơn vị đang quản lý, vận hành trên 42 hệ thống cấp nước tập trung, được xây dựng khắp các vùng nông thôn. Đến cuối năm 2020 có 95% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 75% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 100 lít/người/ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận, cho biết: Hiện nay việc đầu tư các công trình cấp nước tập trung đã phủ hầu hết các địa phương, do vậy chúng tôi đang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, khai thác vận hành bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn.

Với mục tiêu hết năm 2021, có ít nhất 96% dân cư nông thôn trong tỉnh sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó 76% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 100 lít/người/ngày đêm và đến năm 2022 Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận đảm bảo cho 97% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó 78% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, với số lượng 105 lít/người/ngày đêm và đảm bảo cấp nước cho các dịch vụ khác.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2022, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Theo đó, tập trung cho công tác quản lý, vận hành xử lý nước đảm bảo số lượng cấp nước theo quy chuẩn Việt Nam, chất lượng nguồn nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; đảm bảo việc cấp nước 24/24 giờ, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, đồng thời có giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt trong điều kiện hạn hán xảy ra.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các hệ thống cấp nước; thực hiện sửa chữa thường xuyên kịp thời; triển khai tốt việc lắp mới và thay thế đồng hồ, chống thất thoát nước nhằm phát triển khách hàng sử dụng, đảm bảo tính chính xác trong sử dụng nước của khách hàng, giảm tỷ lệ thất thoát nước…

Hệ thống lắng lọc nước tại công trình cấp nước tập trung.

Hệ thống lắng lọc nước tại công trình cấp nước tập trung.

Áp dụng công nghệ thông tin

Ông Nguyễn Văn Cương cho biết: Chúng tôi đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, khai thác vận hành bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn. Đối với việc quản lý vận hành, xử lý nước, lập kế hoạch các trạm cấp nước để bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp máy móc, thiết bị; theo dõi quy trình xử lý nước của các hệ thống cấp nước, kiểm tra về tăng, giảm sản lượng nước, diễn biến thất thoát và các chi phí vận hành (nhân công, hoá chất, điện năng...), tình hình máy móc thiết bị, đường ống…

Thực hiện bảo trì, thay thế phụ kiện các thiết bị máy bơm, máy định lượng đúng chu kỳ để chủ động trong công tác vận hành cấp nước. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước đầu vào (chỉ số pH, độ đục), xác định liều lượng châm hóa chất PAC, vôi, clo xử lý nước phù hợp, đảm bảo nước đạt chất lượng đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.  

Xây dựng quy trình vận hành, xử lý nước phù hợp cho từng hệ thống cấp nước theo vùng, mùa nhằm đảm bảo quá trình vận hành cơ bản hơn. Tăng cường công tác trực, xử lý nước, kiểm tra hệ thống thiết bị máy móc, hệ thống lấy nước đầu nguồn, kênh mương, các tuyến ống chính, tuyến ống trong khu dân cư kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng nhằm bảo đảm tránh thất thoát nước.

"Để nâng cao chất lượng nước thì việc kiểm soạt chất lượng rất quan trọng. Theo đó Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận thường xuyên rà soát, đầu tư nâng cao năng lực phòng xét nghiệm, nội kiểm chất lượng nước. Đồng thời phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát chất lượng nước theo chế độ ngoại kiểm, xét nghiệm đảm bảo tính khách quan trong công tác vận hành, xử lý, quản lý chất lượng nước. Thực hiện lấy, gửi mẫu nước thành phẩm của các hệ thống cấp nước để xét nghiệm một số chỉ tiêu theo quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước, đảm bảo nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, ông Nguyễn Văn Cương cho biết.

Cùng với đó việc sửa chữa thường xuyên, lắp mới và thay thế đồng hồ, chống thất thoát nước cũng được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận đặt lên hàng đầu. Kịp thời sửa chữa thay thế máy móc, thiết bị, đường ống… nhằm đảm bảo nhiệm vụ cấp nước thường xuyên, ổn định cho người dân.

Áp dụng công nghệ thông tin để trực tiếp theo dõi, quản lý toàn bộ đồng hồ trên mạng lưới, qua đó làm cơ sở phân tích đánh giá thực trạng của toàn bộ đồng hồ đo lưu lượng nước làm căn cứ xây dựng kế hoạch mua sắm thay thế và bảo hành đồng hồ. Đổi mới mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong quản lý, vận hành, giám sát hệ thống xử lý nước, cung cấp nước sạch bảo đảm chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố.

Thực hiện lắp đặt đồng hồ tổng tại các hệ thống cấp nước để xác định tỷ lệ thất thoát, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Sắp xếp, củng cố kiện toàn bộ máy các tổ quản lý gắn với quản lý, vận hành gọn nhẹ, phân công trách nhiệm rõ ràng; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện việc ghi thu tiền sử dụng nước đủ và đúng, đảm bảo trung thực khách quan, tạo niềm tin đối với khách hàng sử dụng nước.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận là đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ về tài chính và con người từ năm 2015. Hiện Trung tâm có 177 cán bộ công nhân viên, người lao động. Trong năm 2020, doanh thu đạt 62,3 tỷ đồng, trong đó tiền thu sử dụng nước 58 tỷ đồng, đạt 116 kế hoạch, thu tiền lắp đặt đồng hồ 4,3 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.