Sáng 23/10, Bộ NN-PTNT, UBND TP. Hà Nội và 40 tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố". Đây cũng là phiên thứ 8 của Diễn đàn Kết nối nông sản 970.
Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Thành viên Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) chia sẻ:
Hà Nội là thị trường tiêu thụ lượng nông sản rất lớn bởi năng lực sản xuất nội thành mới chỉ đáp ứng được khoảng 45% - 50% tổng nhu cầu. Đặc biệt, người tiêu dùng của thành phố có thu nhập cao hơn các địa phương khác. Họ yêu cầu sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đặc sản của các địa phương.
Hà Nội đã ký kết phối hợp với 40 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam để cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có thời điểm các chuỗi cung cấp hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy do ảnh hưởng của Covid-19.
Việc tái khởi động lại chương trình phối hợp để thiết lập các chuỗi giá trị khép kín là nhiệm vụ rất quan trọng giữa Bộ NN-PTNT, UBND thành phố Hà Nội và các địa phương đang cung cấp và cam kết sẽ cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng với giá hợp lý cho người tiêu dùng Thủ đô.
Tôi tin rằng với sự đồng hành vào cuộc trong thời gian dài của Bộ NN-PTTN, nhất là Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua nông sản và các địa phương, chúng ta sẽ duy trì, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững trong tương lai.
Dựa trên thành công của 7 phiên được tổ chức định kỳ vào sáng thứ 7 hàng tuần trong thời gian vừa qua, Tổ Điều hành Diễn đàn kỳ vọng gì vào kết quả đối với phiên thứ 8 lần này?
Qua 7 phiên Diễn đàn Kết nối nông sản 970 được tổ chức trong thời gian qua, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm và cũng có rất nhiều gợi mở cho sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT để chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất sản xuất nông nghiệp trước đây sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Những tháng qua, nhiều địa phương phía Nam áp dụng lệnh giãn cách xã hội, nhưng chúng tôi nhận thấy các sản phẩm sản xuất theo hợp đồng, có kế hoạch tổ chức bài bản thì không bao giờ có hiện tượng đứt gãy dù dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy nhiều địa phương có hiện tượng dư thừa, ùn ứ nông sản trong khi không ít nhà máy, doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu. Các nhà thu mua không đủ dữ liệu thông tin về các mặt hàng nông sản, sản lượng, thời điểm thu hoạch, địa điểm, tiêu chuẩn chất lượng, đầu mối cung cấp để liên hệ thu mua.
Bởi vậy, tại Diễn đàn tới đây, chúng tôi chủ động liên hệ với các nhà cung ứng và nhà thu mua sản phẩm nông sản, thực phẩm để đề nghị họ đăng ký thông tin cần mua - cần bán cho Tổ Điều hành diễn đàn. Từ đó, Tổ Điều hành sẽ xử lý thông tin trước.
Như ở các tỉnh phía Nam, Tổ Điều hành đã cập nhật được 1.500 dữ liệu thông tin về các đầu mối cung ứng - thu mua sản phẩm. Thông qua Diễn đàn được tổ chức vào ngày 23/10 tới đây, chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin ở cả đầu cung và đầu cầu, sau đó tích hợp vào kho dữ liệu chung toàn quốc. Nhờ vậy, doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất có thể dễ dàng liên hệ, hợp tác với nhau, đảm bảo cho việc phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế cao, tránh tình trạng dư thừa sản phẩm, mất giá, ùn ứ nông sản.
Diễn đàn Kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố ngày 23/10 có thành phần nào tham gia, thưa ông?
Diễn đàn tới sẽ có 40 tỉnh, thành phố đã có biên bản ký kết với UBND TP Hà Nội tham gia, và có rất nhiều đơn vị ở đầu thu mua, gồm đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà bán lẻ như lãnh đạo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, lãnh đạo Công ty Cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, lãnh đạo siêu thị MM Mega Market, lãnh đạo Tập đoàn Central Retail, lãnh đạo chuỗi siêu thị Sài Gòn Coop, lãnh đạo hệ thống siêu thị AEON; đại diện các sàn thương mại điện tử Chợ Tốt, Tiki, Postmart... cùng nhiều các đơn vị thu mua, hệ thống bán lẻ trong cả nước.
Bởi vậy, chúng tôi đề nghị các địa phương khi tham gia Diễn đàn không nói vòng vo, chung chung về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, dân số... Thay vào đó, phải đưa thông tin rất cụ thể về sản phẩm muốn chào bán, thời gian thu hoạch, sản lượng, địa chỉ liên lạc đầu mối cung cấp, chất lượng sản phẩm và giá bán mong muốn…
Trên cơ sở đó, các nhà thu mua sẽ đưa ra các tiêu chí sản phẩm đủ điều kiện đưa vào hệ thống, nhà máy, như: quy cách sản phẩm, quy cách đóng gói, hình thức thanh toán, số lượng cần nhập. Từ đó, cả bên cần mua và bên cần bán sẽ thống nhất được những cam kết ban đầu với nhau để tiến tới các hợp đồng kinh tế bền vững và dài hạn hơn. Có như vậy Diễn đàn sẽ đi vào thực chất hơn, đem lại lợi ích giữa các đơn vị tham gia.
Xin cảm ơn ông!
"Diễn đàn kết nối nông, thủy sản Hà Nội và 40 tỉnh, thành" do Bộ NN-PTNT, UBND TP. Hà Nội và 40 tỉnh thành phối hợp tổ chức diễn ra lúc 8h00 ngày 23/10/2021 với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu tham dự, gồm: Đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại… của 41 tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT; các nhà mua nông sản: Hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, kênh phân phối, doanh nghiệp chế biến - bán lẻ - xuất khẩu; các nhà cung nông sản: Các chuỗi sản xuất nông sản, doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ nông dân…
Sự kiện được tường thuật trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử https://nongnghiep.vn và hệ thống kênh mạng xã hội của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các địa chỉ:
https://www.youtube.com/c/NôngnghiệpViệtNamOfficial
https://www.facebook.com/NongNghiepVietNamOnline
https://www.facebook.com/groups/diendannn
Nhóm Zalo: https://zalo.me/g/zjlpeh497
Quý doanh nghiệp, HTX và bà con có nhu cầu kết nối cung - cầu nông sản, đăng tải thông tin trên Báo Nông nghiệp Việt Nam xin liên hệ đường dây nóng: 0974.488.808; 0916.054.556, hoặc email: ketnoinongsanvietnam@gmail.com.