| Hotline: 0983.970.780

Đừng để 'trên nóng dưới lạnh' trong kết nối tiêu thụ nông sản

Thứ Sáu 22/10/2021 , 13:00 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart chia sẻ nhiều mong muốn của hệ thống siêu thị này trước thềm 'Diễn đàn kết nối nông, thủy sản Hà Nội và 40 tỉnh, thành'.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart chia sẻ về vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: NVCC.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart chia sẻ về vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: NVCC.

Chi phí logistics tăng 3-4 lần

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, hiện nay, Hà Nội không chỉ là nơi có lượng tiêu thụ nông, thủy sản lớn mà các chợ đầu mối của Thủ đô còn là nơi trung chuyển, đưa các mặt hàng này đi các địa phương khác.

"Thời điểm hiện tại nhu cầu về nông, thủy sản ở Hà Nội là rất lớn do người dân bắt đầu trở lại Thủ đô sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều hàng quán cũng hoạt động trở lại", bà Hằng nhận định và cho rằng, ngoài số lượng thì nhu cầu về chất lượng của thị trường Hà Nội cũng cao hơn so với các địa phương khác.

Dưới góc nhìn của hệ thống siêu thị như Nutrimart, đây là cơ hội để các địa phương có thể tăng cường cung cấp nông sản cho Hà Nội, đặc biệt là các mặt hàng tươi, chất lượng cao.

Trước những cơ hội như vậy, mặc dù hiện nay các chốt kiểm soát ở cửa ngõ Hà Nội đã được bỏ nhưng ở các địa phương vẫn còn xu hướng không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các xe tải ở Thủ đô tiếp cận với vùng nguyên liệu.

“Điều này khiến cho quá trình đi thu mua, bao tiêu sản phẩm nông sản của Nutrimart ở các địa phương gặp phải nhiều khó khăn”, Chủ tịch HĐQT Nutrimart chia sẻ và phân tích, điều này vừa làm tăng chi phí trung gian, vừa làm tăng thời gian vận chuyển, giảm độ tươi ngon, chất lượng của sản phẩm.

Ngoài ra, một khó khăn nữa mà Nutrimart phải đối mặt hiện nay đó là sau đợt dịch vừa rồi, bà con nông dân mới bắt đầu xuống đồng trở lại nên số lượng, chủng loại và chất lượng nông sản ở các vùng lân cận Hà Nội hiện nay đều chưa phải ở trạng thái tốt nhất.

“Theo tôi, phải 2 tháng nữa, trước tết dương lịch nông sản mới đa dạng về chủng loại, số lượng dồi dào và chất lượng tốt như trước khi dịch xảy ra”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nhận định.

Về khâu vận chuyển, bà Hằng cho biết, các vùng nguyên liệu truyền thống như Hải Dương, Hòa Bình đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Đặc biệt, tại Hải Dương doanh nghiệp này đang phải tạm dừng thu mua đề giảm phụ phí phát sinh trong đi lại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự đa dạng của các mặt hàng nông sản trên kệ của hệ thống siêu thị Nutrimart.

Bên cạnh đó, khi chia sẻ về chi phí phát sinh do khó khăn trong vận chuyển, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết: “Trước đây, chi phí logistics chỉ chiếm từ 3-5%, nếu cả 2 chiều đều đầy xe thì chỉ khoảng 3%. Trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, việc xét nghiệm và tổ chức 3 tại chỗ khiến logistics tăng lên từ 8-12% và hiện tại đang rơi vào khoảng 6-7%, gấp 3-4 lần so với bình thường”.

Đừng để “trên nóng dưới lạnh”

Trước thềm “Diễn đàn kết nối nông, thủy sản Hà Nội và 40 tỉnh, thành” sẽ diễn ra ngày 23/10, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng đã bày tỏ một số kiến nghị, trong đó cấp thiết nhất vẫn là không để xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Bà Hằng cho rằng, các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản do Tổ 970 của Bộ NN-PTNT tổ chức rất tốt, các cơ quan quản lý rất ủng hộ doanh nghiệp kết nối, bao tiêu sản phẩm cho bà con, cho các HTX.

Các chi nhánh của Nutrimart là điểm tiêu thụ nhiều loại nông sản.

Các chi nhánh của Nutrimart là điểm tiêu thụ nhiều loại nông sản.

“Nutrimart là đơn vị mẫn cán, nỗ lực trong vấn đề bao tiêu, thu mua nông sản cho bà con nông dân. Tuy nhiên, các cán bộ ở địa phương có vẻ chưa mặn mà lắm trong việc kết nối giữa người sản xuất với người thu mua như chúng tôi”, bà Hằng khẳng định và nhấn mạnh có nhiều khi gọi điện liên lạc qua cán bộ địa phương nhưng không thể kết nối được.

Theo đại diện của Nutrimart, cán bộ địa phương là người nắm rất rõ các thông tin của nông sản bản địa, về cả số lượng, chủng loại, thời điểm thu hoạch và đó là những thông tin mà doanh nghiệp rất cần.

“Thông qua các diễn đàn của Tổ 970, Nutrimart đã liên hệ với khoảng 20 đầu mối là các HTX, doanh nghiệp sản xuất và bắt đầu làm việc với khoảng 70% trong số đó. Còn lại đa số chúng tôi vẫn phải tự tìm kiếm, liên hệ để kết nối được với người sản xuất”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết thêm.

Theo đó, việc địa phương ít giới thiệu với bà còn nông dân về Nutrimart khiến siêu thị gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận người bán: “Chúng tôi đi mua nhưng nhiều khi vị thế không khác gì người đi xin”.

Từ vướng mắc này, điều mà Nutrimart hiện nay mong muốn đó là các địa phương, các HTX cần tích cực hơn trong việc kết nối giữa người sản xuất với đơn vị thu mua.

Quay trở lại vấn đề logistics, bà Hằng cho rằng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các mặt hàng thiết yếu như Nutrimart cần có chế tài riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển nông sản từ vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Việc gặp khó khăn trong vận chuyển không chỉ làm ảnh hưởng đến nguồn hàng của doanh nghiệp mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến uy tín với bà con nông dân.

“Nếu doanh nghiệp không thể cho phương tiện đi thu mua nông sản thì những cam kết bao tiêu của chúng tôi với bà con sẽ bị phá vỡ. Điều này sẽ khiến người nông dân mất niềm tin với doanh nghiệp, không tái sản xuất trong các vụ sau”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng khẳng định.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Nutrimart cho biết đơn vị đã có kế hoạch đưa các nông sản Việt Nam ra các thị trường quốc tế.

Do đó, một mong muốn nữa mà bà Hằng đưa ra đó là các địa phương quan tâm, giới thiệu thêm những đặc sản, sản phẩm chất lượng cao của mình với Nutrimart để tăng cường khả năng tiêu thụ, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn tiếp cận với người tiêu dùng nước ngoài.

"Diễn đàn kết nối nông, thủy sản Hà Nội và 40 tỉnh, thành" do Bộ NN-PTNT, UBND TP. Hà Nội và 40 tỉnh thành phối hợp tổ chức diễn ra lúc 8h00 ngày 23/10/2021 với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu tham dự, gồm: Đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại… của 41 tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT; các nhà mua nông sản: Hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, kênh phân phối, doanh nghiệp chế biến - bán lẻ - xuất khẩu; các nhà cung nông sản: Các chuỗi sản xuất nông sản, doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ nông dân…

Sự kiện được tường thuật trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử https://nongnghiep.vn và hệ thống kênh mạng xã hội của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các địa chỉ:

https://www.youtube.com/c/NôngnghiệpViệtNamOfficial

https://www.facebook.com/NongNghiepVietNamOnline

https://www.facebook.com/groups/diendannn

Nhóm Zalo: https://zalo.me/g/zjlpeh497

Quý doanh nghiệp, HTX và bà con có nhu cầu kết nối cung - cầu nông sản, đăng tải thông tin trên Báo Nông nghiệp Việt Nam xin liên hệ đường dây nóng: 0974.488.808; 0916.054.556, hoặc email: ketnoinongsanvietnam@gmail.com.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.