| Hotline: 0983.970.780

Không phải sách của GS Hồ Ngọc Đại không có sạn!

Thứ Tư 12/09/2018 , 09:00 (GMT+7)

TS Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm giảng dạy và Trị liệu ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học) bày tỏ lo ngại cuộc tranh luận về các bộ giáo trình, phương pháp giảng dạy hiện nay không có hồi kết.

* Chưa có công trình khoa học nói giáo trình nào là ưu việt

Ông khẳng định, nếu không có một cơ quan đủ thẩm quyền và tài năng nghiên cứu đánh giá rõ đâu là giáo trình phổ thông đạt chuẩn, ưu việt nhất thì sẽ còn nhiều chuyện bi hài và thiệt hại cuối cùng là con trẻ.

TS Phạm Hiển

Trong cuộc trò chuyện với PV NNVN, TS Phạm Hiển tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến học thuật, trong đó ông đưa ra một vài cứ liệu cho rằng, không phải trong bộ giáo trình của GS Hồ Ngọc Đại là không có sạn. 

Thưa TS Phạm Hiển, tôi là người Nghệ nên trò chuyện với ông, có những phát âm chưa chuẩn, nhất là các dấu hỏi, ngã, mong ông thông cảm và cùng chia sẻ thẳng thắn xung quanh chủ đề này? 

Tôi khá thú vị cách vào chuyện của anh. Có lẽ cũng nên bắt đầu như thế để thấy rằng, vì sao tiếng Việt thú vị. Các quốc gia khi nhìn ra bên ngoài, lựa chọn điểm khác biệt thì đấy chính là chữ viết. Đất nước họ có thể có nhiều thay đổi cả về quy mô, chế độ nhưng chữ viết chỉ có một. Họ không thay đổi chữ viết. Còn tiếng Việt được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, tại chương I điều 5 mục 3, là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam. Tiếng Việt bao gồm cách phát âm tiếng Việt và chữ Quốc ngữ để viết. 

Tuy nhiên hiện chưa có bất kỳ văn bản nào quy định giọng chuẩn và quốc tự của tiếng Việt. Ngay cả trên sóng truyền hình quốc gia, chuyện chọn phát thanh viên giọng Bắc hay giọng Nam cũng còn tranh luận. Cách đây mấy năm còn xuất hiện phát thanh viên người Huế dẫn bản tin thời sự 19h cơ mà. 

Cũng như anh đang nói chuyện với tôi vậy. Gặp tôi, anh nói giọng Hà Nội nhưng lát nữa gọi điện về quê gặp bố mẹ, anh sẽ nói tiếng Nghệ ngay. Vậy thì nó còn là do phương ngữ vùng miền, bản sắc riêng nữa. 

Qua theo dõi dư luận và quá trình nghiên cứu, giảng dạy của mình, ông có ý kiến gì xung quanh bộ giáo trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại? 

Trước hết phải nói rõ ràng rằng, ý kiến của tôi hay của nhiều người lúc này cũng chỉ là những quan điểm cá nhân và cũng sẽ còn tranh luận mãi, chưa có hồi kết nếu không có hẳn một công trình nghiên cứu khoa học chứng minh đâu là ưu việt. 

Ngay trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông cũng chỉ thể hiện hướng mở là khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD – ĐT. Vậy thì đâu là chuẩn để Bộ lấy căn cứ làm hướng dẫn? Rõ ràng chính Bộ cũng đang gặp khó khăn. 

Còn các ý kiến trên mạng xã hội xung quanh giáo trình Công nghệ giáo dục, tôi cho rằng, không biết mục đích của họ sau đó là gì nhưng phải khẳng định rằng khá nhiều ý kiến quá đà. Họ thấy một video clip cô giáo dạy cách đánh vần và thế là "lên đồng" nhảy ra phỉ báng. Nhưng nếu hỏi họ đã cầm cuốn giáo trình đó đọc chưa thì phần lớn trả lời là chưa đọc. Chẳng hạn như giáo trình trong bộ sách có đưa ra các hình vuông, tròn, tam giác, tôi khẳng định đấy không phải là bộ chữ và đấy không phải chữ cái. Đấy chỉ là công cụ hình ảnh trực quan giúp cho việc giảng dạy, học tập tốt lên. Nhiều ý kiến trên mạng cứ đẩy quá lên. Dĩ nhiên không phải trong giáo trình này không có sạn, lát nữa tôi sẽ chỉ ra và cái đó không khó để khắc phục. 

Tôi cho rằng, vấn đề này phải hiểu ngọn ngành. Đặc thù của tiếng Việt là âm tiết tính ngôn ngữ đơn lập. Mỗi tiếng (hay âm tiết) được phát âm tách rời nhau và được thể hiện bằng một chữ. Việc sử dụng hình ảnh trực quan vuông, tròn, tam giác có màu sắc bắt mắt chỉ là phương thức, vật thay thế để cho học sinh lớp 1 dễ nhìn, dễ nhớ. Cái này cũng phù hợp với lứa tuổi và thực tế nhiều nước đã làm rất hiệu quả. 

Vậy đâu là "điểm huyệt" của tiếng Việt hiện nay, thưa ông? 

Tôi thấy tiếng Việt có đơn vị cấu trúc âm tiết là rõ ràng. Âm tiết gồm 5 thành phần: thanh điệu, âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối. Trong tranh luận vừa rồi, mọi người hay nói về 3 chữ C, K, Q. Ba chữ ấy, khi phát âm phải dùng đơn vị âm thanh để gợi âm vị. Âm vị là đơn vị nhỏ nhất của hệ thống biểu đạt thành tiếng của ngữ âm của một ngôn ngữ được quan niệm như là một tổng thể của những nét khu biệt được thể hiện đồng thời. Tức là tất cả nét khu biệt phải được thể hiện đồng thời. 

Trong cuốn “Ngữ âm Tiếng Việt” của GS Đoàn Thiện Thuật xuất bản đã lâu và nhiều lần tái bản được sử dụng trong hệ thống trường Đại học, THCN… thì âm vị cờ /k/ ghi âm “cờ” được thể hiện trong bằng cả 3 con chữ C, K, Q. 

Nhiều người thấy cách thể hiện âm vị /k/ ấy được thể hiện bằng 3 chữ C, K, Q đều hoàn toàn phù hợp nhưng cách phát âm  âm vị /k/ trong từ “ca” thì đánh vần “cờ a ca”. Song với chữ “ki” Ki, trong sách Công nghệ giáo dục thì lại khác. 

Ở đây phải nhấn mạnh rằng, việc đánh vần là để học sinh đọc đúng và viết đúng. Nếu mục đích cho học sinh đọc đúng thì phải đọc là cờ /k/, còn nếu viết chính tả đúng chữ “ki” Ki thì cần phải có nghiên cứu bởi, theo tôi được biết, hiện tại chưa có công trình nào đánh giá về hiệu quả hai cách đánh vần này ảnh hưởng đến tỉ lệ học sinh viết đúng chính tả. 

Còn chữ Q trong chính tả tiếng Việt bao giờ đi theo sau nó phải có bán nguyên âm U, hay còn gọi là âm đệm /-u-/. Hay nói cách khác, chữ Q phải đứng trước bán nguyên âm U. Ví dụ: như trong các từ “quả, quê, quang”. 

Từ phân tích trên và nhận định trước đó, theo ông Công nghệ giáo dục điểm nào là hạn chế và có thể khắc phục được không? 

Thẳng thắn mà nói, công trình nghiên cứu nào thì cũng có mục đích của nó và dĩ nhiên có cái được, có cái chưa hoàn thiện. Trong Công nghệ giáo dục cũng vậy. Có điều, giáo trình đã được đưa vào sử dụng mấy chục năm rồi, hiện đã có 48 tỉnh thành và năm học này có đến hơn 700.000 học sinh sử dụng lại được hâm nóng trên diễn đàn? Tại sao lại như vậy và vì sao lại vào thời điểm này? Cái đó cả tôi và anh chắc không thể có câu trả lời. 

Trong tiếng Việt có mấy nhóm nguyên âm đôi. Ví dụ tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi cũng là 3 âm vị. /ie/, nguyên âm đôi này là /iê/. Nó có 4 cách thể hiện chữ viết khác nhau. Cách thứ nhất iê (miến), cách thứ 2 là ia (mía), cách thứ 3 là yê (yêu), cách thứ 4 là ya (khuya). 

Cho nên khi phát âm và chữ viết nó cũng đã có sự khác nhau. Chẳng hạn iê (miến) và ia (mía), chữ viết khác nhau nhưng khi đọc, phát âm là giống nhau, cùng thể hiện một âm vị là iê/ie/. Chính vì thế khi phát biểu cái nào quan trọng phải phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu là chú trọng vào nói hay viết. Như tôi đã nói, nhìn chữ khác nhau nhưng cũng cùng thể hiện một âm vị. Đấy là kết quả nghiên cứu của ngữ âm học. Còn theo giáo trình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại khi đề cập đến âm vị /ie/ lại viết là /ia/ như thế là chưa chính xác. Vì trong Tiếng Việt chỉ có 3 nguyên âm đôi là /ie/, /uo/ (uô, ua), và / ƜƔ/ /uơ/ chứ không có nguyên âm đôi là /ia/. 

Tôi cho rằng đây là sạn trong giáo trình của GS Đại nhưng cái đó không khó để khắc phục. Có điều GS có khắc phục không vì nếu không sẽ sai cả cách đọc và ký âm. Chẳng hạn sử dụng /ia/ với để kí âm cho bốn chữ iê, ia, yê, ya sẽ đúng 4 chữ nhưng âm vị /ia/ để thể hiện 4 chữ ấy là ký âm thì chưa chính xác. 

Tương tự nguyên âm đôi /uo/ trong giáo trình Công nghệ giáo dục lại được ký âm là /ua/ cũng sai. Còn chữ “uô, ua” thể hiện âm vị /uo/ liệt kê trong sách Công nghệ giáo dục lại là đúng là uô, ua. Tôi khẳng định những điểm chưa chính xác trong sách của GS Hồ Ngọc Đại không khó để khắc phục được. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.