| Hotline: 0983.970.780

Dự án tái định cư khẩn cấp: Thủ tục nhiêu khê, người dân khốn khổ

Thứ Hai 17/04/2023 , 14:58 (GMT+7)

Trận lũ ống kinh hoàng tại Kỳ Sơn, Nghệ An đã qua nửa năm trời nhưng hậu quả để lại vẫn dai dẳng. Nhu cầu tái định cư cho dân bản thực sự cấp thiết.

Empty

Nửa năm đã qua đi nhưng tâm lũ Tà Cạ vẫn chất chồng nỗi lo toan. Ảnh: Việt Khánh.  

Dự án cấp bách… rùa bò

Đã hơn nửa năm trôi qua, đồng bào huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn chưa hết hãi hùng khi nhắc đến trận lũ dữ thuộc diện xưa nay hiếm. Những bản làng tiêu điều, xác xơ, hàng trăm gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất, nhiều tài sản, vật dụng có giá trị bị cuốn trôi chỉ trong tích tắc.

Thiên tai ập xuống tâm lũ Tà Cạ (Kỳ Sơn) vào khoảng 3h sáng ngày 2/10/2022, trong đêm tối tĩnh mịch bất chợt vang lên những âm thanh chát chúa như sấm rền, tiếng người la hét thất thanh ngày một dày thêm, không khí hoảng loạn hệt như ong vỡ tổ.

Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, dân bản hò nhau khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn, ưu tiên di dời những hộ sống gần mép khe suối Huồi Giảng nơi con nước đã dâng quá đầu người. Chủ trương còn người là còn của, chỉ cần giữ được mạng sống còn những thứ khác chẳng cần màng đến.

z3769544331629_b6a25b9da0f60ce69b6915e56e790018

Những người trong cuộc khẳng định chưa từng chứng kiến trận lũ nào kinh hoàng đến thế. Ảnh: Quốc Toản.

Mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần sau hàng giờ vật lộn ứng phó, chưa kịp ngơi nghỉ thì một trận lũ ống, lũ quét hung hãn gấp bội lại “ghé thăm” ngay buổi sáng cùng ngày. Đất đá, cây cối, bùn lầy từ thượng nguồn thi nhau dội xuống bỗng chốc càn quét, nhấn chìm nhiều khu vực của xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, hàng loạt nhà dân, công trình xây dựng… tại các bản Hòa Sơn, Sơn Hà, Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 bị san phẳng, chẳng thể nhận ra hiện trạng vốn có.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp cận hiện trường Tà Cạ ngay từ sáng ngày 2/10. Diễn biến lúc bấy giờ rất cam go. Nguy cơ lũ chồng lũ vẫn hiển hiện, ngoài trời mưa tuôn xối xả, nước lũ chảy xiết như muốn nuốt chửng tất thảy. Công tác di dân cấp bách hơn lúc nào hết, từng tốp người, già, trẻ, lớn, bé lầm lũi, dò dẫm từng bước trong dòng nước lũ đục ngầu tiến ra ngoài, trên nét mặt ai nấy hiện rõ sự lo lắng, bất an.

Kỳ Sơn vốn dĩ là huyện nghèo của cả nước, đời sống của đồng bào nơi đây còn bộn bề lo toan, sau nghịch cảnh “lũ chồng lũ”, bối cảnh càng bi đát hơn. Lũ qua đi kéo theo nhịp sống thêm phần trì trệ, nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt thực sự bí bách, nan giải hơn cả là công tác bố trí tái định cư cho những hộ mất đất, mất nhà, mất kế sinh nhai.

Empty

Dù gấp rút bắt tay vào công cuộc tái thiết nhưng xã Tà Cạ nói riêng, huyện Kỳ Sơn nói chung còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: Quốc Toản.

Ở trong cuộc, dĩ nhiên huyện Kỳ Sơn thấu hiểu hơn ai hết. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, ngày 31/12/2022 UBND huyện đã ban hành Quyết định số 864/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ”.

Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 94 tỷ đồng, bao gồm nguồn hỗ trợ từ vốn ngân sách tỉnh (30 tỷ đồng), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh (25 tỷ đồng), doanh nghiệp (10 tỷ đồng) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trước mắt, giai đoạn 1 sẽ bố trí kinh phí 35 tỷ đồng để triển khai tái định cư tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, thời gian thực hiện từ 2022 – 2023. Tưởng như dự án cấp bách sẽ sớm hoàn thành, nào ngờ tình hình không như kỳ vọng. Đã nửa năm trôi qua, mọi thứ vẫn nằm vẹn nguyên… trên giấy.

Thủ tục đầu tư nhiêu khê, người dân khốn khổ

Ngày 12/4, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn xác nhận: “Lúc này chưa thể triển khai xây dựng khu tái định cư khẩn cấp cho người dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ do các thủ tục pháp lý liên quan vẫn chưa hoàn thiện”.

Để đảm bảo đúng quy trình, đồng thời tránh sai sót không đáng có, UBND huyện Kỳ Sơn đã làm Tờ trình số 1107/UBND và 1130/UBND kiến nghị cho phép được trực tiếp sử dụng nguồn vốn 35 tỷ đồng (riêng 25 tỷ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đã chuyển vào tài khoản của Ban cứu trợ huyện Kỳ Sơn) triển khai xây dựng khu tái định cư theo dự án đầu tư công khẩn cấp, đồng thời cam kết chịu trách nhiệm.

Empty

Trưởng bản Hòa Sơn, ông Vi Văn Truyền (ngoài cùng bên phải) thẳng thắn chia sẻ về những bất cập khi thực hiện dự án tái định cư. Ảnh: Việt Khánh.

Xoay quanh nội dung này, Sở Tài chính khẳng định việc sử dụng nguồn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An để thực hiện dự án là phù hợp với quy định hiện hành. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp phải được nộp vào thu ngân sách của huyện Kỳ Sơn và quản lý sử dụng theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Về phần mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Trường hợp toàn bộ, hoặc một phần kinh phí tài trợ được hỗ trợ qua ngân sách huyện thì dự án thuộc cấp huyện quản lý. Căn cứ Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn quyết định đầu tư dự án đầu tư công khẩn cấp.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ của khu tái định cư di dời khẩn cấp, ngày 22/3/2023 Ban Vận động quỹ vì người nghèo và cứu trợ tỉnh Nghệ An cũng có Công văn số 34/CV-BVĐ liên quan đến việc sử dụng nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện khắc phục thiên tai gửi đến UBND tỉnh này.

Theo đó, thống nhất để huyện Kỳ Sơn sử dụng số kinh phí còn lại (trong tổng số 25,5 tỷ đồng mà Ban Vận động đã phân bổ cho huyện) vào mục đích xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị mất nhà, không có nơi ở, phải di dời khẩn cấp trên địa bàn thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh “cho ý kiến sử dụng nguồn kinh phí nêu trên” (quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ) để huyện Kỳ Sơn có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo…

Từ những lát cắt này, thấy rằng chủ trương xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp thực sự cần thiết, dù vậy diễn tiến thực tế lại vướng ngược vướng xuôi. Đến nay UBND tỉnh vẫn chưa “chốt” phương án sử dụng vốn, đồng nghĩa huyện Kỳ Sơn chẳng thể làm được gì dù một phần vốn đã cầm trong tay. Sự chậm trễ này khiến tâm lý chung của người dân vùng lũ bị xáo trộn nặng nề, nỗi lắng lo càng thêm chất chồng, nhất là khi mùa mưa bão 2023 đang cận kề trước mắt.

Empty

Chị Lô Thị Ngọc Lúy khẳng định gia đình sẽ chuyển đến khi dự án tái định cư hoàn thành. Ảnh: Việt Khánh.

Gia đình ông Kha Hải Vinh, bà Lương Thị Dung tại bản Hòa Sơn thuộc diện mất nhà do sức càn quét kinh hoàng của trận lũ ống. Nhà cửa bị thiên tai đánh sập buộc ông bà phải “mượn tạm” đất của người dân trong bản, dựng tạm căn nhà tuềnh toàng chỉ độ dăm chục m2 lấy chỗ che nắng che mưa. 5 con người (4 người lớn, 1 trẻ nhỏ) tá túc trong không gian thiếu thốn, chật hẹp ròng rã hàng tháng trời, quả thực bất tiện vô cùng.

Thai kỳ đã ở tháng thứ 9, thời điểm sinh nở đang đếm ngược từng ngày, chị Lô Thị Ngọc Lúy, con dâu của ông Vinh bà Dung lấy tay chống lưng, chân lê từng bước khó nhọc. Ngồi bệt xuống giường, chị Lúy cho hay: “Nhà có rẫy, ông bà đang ở trên nương, chồng em tranh thủ đi bóc keo thuê để kiếm đôi đồng trang trải sinh hoạt thường nhật, cuộc sống chung quy rất vất vả. Gia đình đang chờ kế hoạch bố trí tái định cư của huyện, khi hoàn thành chắc chắn sẽ chuyển đến, chứ sống cảnh này vừa bất tiện, vừa nơm nớp lo sợ.

Chung quan điểm, Trưởng bản Hòa Sơn, ông Vi Văn Truyền chia sẻ thực trạng ngặt nghèo: “Toàn bản có 245 hộ, trận lũ ống, lũ quét làm sập, trôi hoàn toàn hàng chục nhà dân. Quá trình làm công tác tư tưởng, bước đầu có trên 70 hộ đăng ký chuyển đến vùng tái định cư, tuy nhiên do chờ đợi quá lâu nhiều hộ đã thay đổi tư tưởng, một số ở lại, số khác tự chủ động phương án”.

Cơn "bạo bệnh" ở vùng đất nghèo qua đi, huyện Kỳ Sơn ghi nhận 54 nhà dân bị sập, trôi hoàn toàn; 90 hộ nằm trong diện di dời cấp độ 1; 31 hộ nằm trong diện di dời cấp độ 2; 6 hộ trong diện di dời cấp độ 3; 23 hộ có nhà hư hỏng nặng… Qua khảo sát, lấy ý kiến có 38 gia đình xác định tự tìm nơi ở mới, 102 gia đình khác xác nhận sẽ chuyển đến khi khu tái định cư khẩn cấp hoàn thành.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.