| Hotline: 0983.970.780

Nhà dân bị san phẳng do lũ ở Kỳ Sơn: Cấp thiết tái định cư

Thứ Ba 04/10/2022 , 19:16 (GMT+7)

Công tác khắc phục bão lũ đang diễn ra rất khẩn trương, dù vậy phải rất lâu nữa, người dân Tà Cạ nói riêng và đồng bào Kỳ Sơn mới nguôi ngoai vết thương lòng.

Empty

Công tác khắc phục sau lũ tại Kỳ Sơn còn mất nhiều thời gian. Ảnh: Việt Khánh.

Áp lực đè nặng

Lũ dữ đã qua, những tia nắng ấm xuất hiện nhưng phải rất lâu nữa nhịp sống thường nhật mới hồi sinh trên đất Kỳ Sơn (Nghệ An). Dư âm để lại từ trận lũ quét lịch sử rạng sáng ngày 2/10 quá khủng khiếp, đến mức dù đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực cùng tổng lực ra quân khắc phục hậu quả nhưng mọi thứ vẫn rất bộn bề. 

Cập nhất diễn biến mới nhất cho thấy mức độ ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn không ngừng gia tăng. Đến thời điểm hiện tại hơn 300 người dân tại thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ buộc phải sơ tán đến nơi an toàn.

Hàng trăm nhà dân bị trôi, sập, ngập, sạt lở nặng. Nhiều tài sản có giá trị (ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh…), nhiều công trình trọng điểm, hàng loạt diện tích rau màu, ao nuôi bị lũ cuốn trôi, làm ngập, hoặc chìm nghỉm trong bùn lầy.

Mưa lũ cũng cô lập 2 xã Sơn Tây và Tà Cạ, trong đó nặng nhất là 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà (Tà Cạ) với trên 300 hộ dân cùng 1.350 nhân khẩu, đẩy nhiều hộ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, buộc phải ăn nhờ ở đậu, rất bức bí… 

Empty

Thiệt hại lần này vô cùng lớn, đủ sức khiến Kỳ Sơn... nghèo thêm. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 4/10, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông tin: Kỳ Sơn tập trung khắc phục hậu quả theo định hướng chỉ đạo của tỉnh, đang tiếp tục sơ tán người dân đến nơi an toàn nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ, đồng thời tích cực triển khai các biện pháp tối ưu nhất nhằm sớm thông tuyến.

Những ngày qua huyện Kỳ Sơn đã huy động toàn bộ các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn, tranh thủ sự trợ giúp tích cực của các huyện lân cận như Tương Dương, Con Cuông cùng các doanh nghiệp, đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương xử lý những vấn đề mang tính cấp bách.

Lúc này nhiều tuyến đường trọng điểm (quốc lộ 7A hướng đi lên Nậm Cắn, đường đi vào xã Tây Sơn, đường vào Mường Tít, Mường Ải…) vẫn đang trong tình trạng chia cắt, phương tiện giao thông chưa thể di chuyển.

Hiện tại đang có 10 máy xúc, khoảng 20 chiếc ô tô trọng tải lớn được điều động đến để vận chuyển đất đá, bùn lầy ứ đọng về bãi tập kết chính, mặt khác sẽ tận dụng luôn số nguyên vật liệu này đổ trực tiếp vào các điểm sạt lở để gia cố, khắc phục.

Empty

Với tình hình này dự kiến phải một tuần nữa tình hình mới tạm ổn phần nào. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, lượng đất đá, phế thải khổng lồ từ trận lũ quét rạng sáng ngày 2/10 để lại quá nhiều, để xử lý nhanh đòi hỏi phải tăng cường thêm máy móc, thêm nhân lực, vật lực, tuy nhiên cái khó của Kỳ Sơn là hệ thống đường giao thông quá nhỏ hẹp, một lúc không thể vận dụng hết, điều này dẫn đến tiến độ chung bị ảnh hưởng không nhỏ.

Theo lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn, với đà này phải tầm một tuần nữa tình hình mới tạm ổn, bên cạnh đó địa phương sẽ cố gắng hết sức để thông tuyến một làn xe trong 3 ngày tới.

Hậu sau lũ, Kỳ Sơn đối diện với muôn vàn vấn đề bức bí. Cấp bách nhất lúc này là bố trí nơi ăn chốn ở phù hợp cho các hộ vừa bị lũ “ghé thăm”. Không riêng gì khu vực “tâm lũ” Hòa Sơn, Sơn Hà, mới nhất ghi nhận tại Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 nhiều nhà cũng chung tình cảnh ngặt nghèo.

Chủ trương chung là tiến hành rà soát tổng thể, những nhà còn có thể khắc phục sẽ cố gắng khắc phục, đối với những nhà bị lấp sâu, hư hỏng nặng bắt buộc phải di dời. Dựa theo tình hình thực tế, huyện sẽ đề xuất phương án khảo sát, xây dựng 2 điểm tái định cư với tổng quy mô 50 - 60ha để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Empty

Nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị lũ san phẳng nhà thực sự rất cấp thiết. Ảnh: Việt Khánh.

Đây là dự án mang tính cấp bách, dù vậy kế hoạch chung đang nằm… trên giấy, để triển khai được đòi hỏi phải sớm tháo gỡ được các nút thắt. Thứ nhất là vướng về quy định hiện hành khi một phần diện tích tái định cư có đất rừng, do đó buộc phải tiến hành chuyển đổi.

Hai là nhu cầu bức thiết về kinh phí thực hiện, sơ bộ tổng mức đầu tư công trình này tiêu tốn đến 70 - 80 tỷ đồng, con số này chắc chắn nằm ngoài tầm với của huyện nghèo “bền vững” như Kỳ Sơn, chưa kể còn phải cân đo đong đếm để san sẻ cho những nội dung trọng tâm khác sau lũ.

Cả nước hướng về vùng lũ

“Một miếng khi đói bằng một gói khi nó”, tinh thần tương thân tương ái, tình người trong mưa lũ đã được thể hiện đúng lúc. Những ngày qua cả nước tập trung hướng về Kỳ Sơn, chung một mục tiêu chia sẻ thương đau, mất mát, mong đó là động lực tinh thần để người dân Tà Cạ nói riêng, để người dân Kỳ Sơn vững tâm vượt qua giai đoạn khốn khó nhất.

Empty

Những hình ảnh ý nghĩa, thiết thực thể hiện "tình người trong lũ", góp phần làm ấm lòng đồng bào Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh. 

"Đồng bào trên mọi miền Tổ quốc đang hướng về Kỳ Sơn. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã gọi điện hỏi thăm, đăng ký làm từ thiện. Có đơn vị điều động máy móc, phương tiện đến giúp thông tuyến giao thông, có đơn vị ủng hộ nhu yếu phẩm, tiền mặt, dù dưới hình thức nào đi nữa cũng đã làm ấm lòng nhân dân huyện Kỳ Sơn”, Phó Chủ tịch Thò Bá Rê xúc động.

Một doanh nghiệp hảo tâm (xin được giấu tên) chia sẻ: “Thiên tai là điều không ai mong muốn, người dân Kỳ Sơn đang cần sự chung tay, giúp sức từ cộng đồng hơn bao giờ hết. Chúng tôi đến đây mang theo sự đồng cảm, sẻ chia, hi vọng chút thành tâm nhỏ nhoi có thể giúp bà con vơi đi phần nào nỗi lo toan”.

Empty

Nhu yếu phẩm thiết yếu từ các nhà hảo tâm đã được chuyển đến tay người dân. Ảnh: Việt Khánh.

Sáng 4/10, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cùng đoàn công tác đã trực tiếp có mặt tại hiện trường ở bản Hòa Sơn, nơi bị càn quét nặng nề nhất để chỉ đạo công tác khắc phục.

Thiếu tướng đề nghị chính quyền địa phương sớm có phương án tái định cư cho bà con, trước mắt phải khẩn trương di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhân dịp này, đoàn cũng đã trao 2 tấn gạo và 200 suất quà cho bà con.

Trong ngày, đoàn công tác của huyện Anh Sơn cũng đã đến thăm, động viên và trao số tiền 200 triệu đồng, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.   

Empty

Dù phía trước còn nhiều cam go nhưng với sự quan tâm lớn lao từ cộng đồng, tin rằng Kỳ Sơn sẽ đứng lên mạnh mẽ. Ảnh: Việt Khánh.

Ở diễn biến khác, lũ quét tràn qua cuốn theo đất đá tức thì vùi lấp, làm gãy nhiều đoạn ống nước của hệ thống thu nước đầu nguồn, địa điểm nằm tít trên đỉnh núi Pù Nghiêng, kéo theo tình trạng mất nước sinh hoạt cục bộ tại Kỳ Sơn suốt nhiều ngày trời.

Nhận thấy tình hình hết sức gay go, hơn 80 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 764 và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 đã cơ động, cuốc bộ nhiều km để đến địa điểm nhà máy nước, qua đó khẩn trương tiến hành nạo vét bùn đất và khắc phục đường ống. Với tinh thần hết sức khẩn trương, dự kiến ngày 5/10 người dân sẽ… hết khát.

Kỳ Sơn là huyện cao nhất, xa nhất của tỉnh Nghệ An. Giao thông không thuận lợi, địa hình bị chia cắt, thiên tai bão lũ thường trực ghé thăm, xét tổng quan các tiêu chí rất khó nhằn trong công tác thu hút, kêu gọi đầu tư, kéo theo nguồn thu rất èo uột. Đơn cử như năm 2022, thu ngân sách toàn huyện chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng, trong khi đó riêng đợt thiên tai vào tháng 9/2022 đã làm huyện này mất trắng hơn 70 tỷ đồng, thêm trận cuồng phong với quy mô nặng nề hơn nhiều vừa qua, chắc chắn huyện nghèo sẽ… nghèo thêm.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm