Lòng vòng về điểm xuất phát
Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải bài viết “Dự án tái định cư khẩn cấp: Thủ tục nhiêu khê, người dân khốn đốn” đề cập đến những nút thắt xoay quanh công tác tái định cư cho đồng bào vùng lũ ở thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ của huyện Kỳ Sơn, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã lên tiếng.
Theo Quyết định số 1056/QĐ-UBND về việc “khảo sát địa điểm lập quy hoạch xây dựng khu tái định cư tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ”, UBND tỉnh Nghệ An cho phép UBND huyện Kỳ Sơn khảo sát địa điểm lập quy hoạch xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở.
Địa điểm khảo sát rộng khoảng 3,9ha (huyện Kỳ Sơn dự kiến 9ha) hiện trạng là đất rừng sản xuất (không có rừng) do Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn và UBND xã Tà Cạ quản lý.
UBND huyện Kỳ Sơn có trách nhiệm phối hợp cùng Sở NN-PTNT để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh cho phép bổ sung vị trí, địa điểm bố trí sắp xếp dân cư tập trung tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Đồng thời bổ sung danh mục dự án vào quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 21/1/2020) đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.
Tưởng như với động thái này của UBND tỉnh Nghệ An, nút thắt xoay quanh khu tái định cư khẩn cấp sẽ sớm được tháo gỡ. Nhưng khi xâu chuỗi các yếu tố thì điều này không hề giản đơn, chính người trong cuộc quả quyết không thể hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Rào cản đầu tiên chính là địa điểm thực hiện, đặc biệt là diện tích thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn. Trên thực tế, đơn vị này đã triển khai các bước nhằm bàn giao hơn 95.000ha rừng cho chính quyền địa phương cấp huyện quản lý theo chủ trương chung, thế nhưng mọi việc gần như giậm chân tại chỗ do quá trình cắm mốc, xác định mốc giới, bóc tách thực địa… không hề giản đơn.
Quỹ đất dự kiến để khảo sát tái định cư cấp bách lại nằm trong diện này, chưa bàn đến quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất về sau, chỉ riêng việc Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn chưa thể thống nhất, bàn giao thực địa đồng nghĩa mọi tính toán vẫn nằm nguyên trên giấy.
Kế đó là sự thay đổi về nhu cầu dân sinh do quá trình rà soát, thẩm định kéo dài lê thê. Ghi nhận ở thời điểm cuối tháng 11/2022 có 38 hộ tự tìm nơi ở mới, 37 hộ xin ở lại địa điểm cũ, 33 hộ chưa có ý kiến, 102 hộ chấp nhận phương án tái định cư.
Dù vậy sau hơn nửa năm phải sống trong cảnh “vật vờ” (ở xen, ghép với người thân; thuê mướn phòng trọ; mượn đất dựng tạm nhà), tâm lý nhiều hộ bị xáo trộn, không ít gia đình đã thay đổi lựa chọn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch tổng thể của huyện Kỳ Sơn trong việc khảo sát, tiến tới triển khai xây dựng khu tái định cư.
Đây không phải lần đầu UBND tỉnh Nghệ An có ý kiến về việc xây dựng khu tái định cư khẩn cấp cho người dân thị trấn Mường Xén và Tà Cạ. Trước đó, ngày 9/12/2022 tỉnh này đã ban hành Quyết định số 9765/UBND-NN thống nhất với kế hoạch giai đoạn 1 của UBND huyện Kỳ Sơn, đồng thời yêu cầu giai đoạn 2 phải đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Chi tiết, rạch ròi là thế nhưng tiến độ rất đáng quan ngại. Nói có sách mách có chứng, đã qua hơn nửa năm kể từ khi trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng ập xuống vào đầu tháng 10/222 tình hình vẫn không tiến triển, tất cả vẫn đang ở… chế độ chờ.
Chồng chéo kéo theo dân khổ
Tại Công văn số 34 CV-BVĐ ngày 22/2/2023, Ban vận động Quỹ người nghèo và cứu trợ tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh thống nhất, để huyện Kỳ Sơn sử dụng số kinh phí còn lại trong tổng số 25,5 tỷ đồng mà Ban vận động tỉnh đã phân bổ cho huyện vào mục đích xây dựng khu tái định cư do hậu quả thiên tai gây ra vào tháng 9, tháng 10 năm 2022 trên địa bàn thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ.
Sở Tài chính thống nhất với đề xuất trên. Tuy nhiên, Sở khẳng định việc Ban vận động viện dẫn “đề nghị áp dụng theo khoản 2 Điều 11 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP” để phân bổ là chưa phù hợp (theo quy định tại khoản 2 Điều 11, nguồn kinh phí còn dư được sử dụng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương vùng bị thiên tai, dịch bệnh; không quy định sử dụng để đầu tư xây dựng hạ tầng các công trình).
Về đề nghị của UBND huyện Kỳ Sơn thông qua Tờ trình số 177/TTr-UBND ngày 11/10/2022, Tờ trình số 182/TTr-UBND ngày 18/10/2022 về hỗ trợ số tiền 94 tỷ đồng; Tờ trình số 145/TTr-UBND ngày 15/12/2022, UBND - UBMTTQ huyện Kỳ Sơn lên phương án phê duyệt xây dựng khu tái định cư (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng từ nguồn Ban cứu trợ tỉnh Nghệ An chuyển cho Ban cứu trợ huyện Kỳ Sơn (25 tỷ đồng) và nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp (10 tỷ đồng).
Sở Tài chính có ý kiến như sau: Tại Điều 11 Nghị quyết số 93/2021/NĐ-CP quy định về các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện mới chỉ đề cập đến nội dung chi xây dựng mới từ khoản đóng góp có địa chỉ cụ thể, chưa quy định về nội dung chi xây dựng mới công trình hạ tầng có nguồn vốn đóng góp tự nguyện không có địa chỉ cụ thể.
Tại khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 93/2021/NĐ-CP, quy định việc xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu sử dụng một phần từ nguồn đóng góp tự nguyện, một phần từ nguồn vốn đầu tư công thì quản lý theo quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng, đầu tư công và ngân sách nhà nước, nhưng chưa quy định rõ việc áp dụng đối với nguồn đóng góp tự nguyện có địa chỉ cụ thể hay không có địa chỉ cụ thể.
Trong khi đó, khu tái định cư cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ là công trình xây dựng mới trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, có quy mô và dự kiến tổng mức đầu tư rất lớn.
Từ cơ sở này, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Kỳ Sơn xác nhận số kinh phí phân bổ còn dư từ nguồn Quỹ Cứu trợ của tỉnh cho Ban Cứu trợ huyện. Đồng thời phối hợp với Quỹ Vận động huyện nộp kinh phí còn dư và kinh phí hỗ trợ từ doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.
Một khu tái định cư mang tính cấp bách, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cả trăm hộ dân đang rơi vào cảnh trì trệ từ phía cơ quan chức năng. Mùa mưa bão 2023 đang cận kề, bà con vùng lũ Mường Xén, Tà Cạ sẽ ứng phó ra sao?
Trận lũ quét khủng khiếp vào ngày 2/10/2022 đã làm “tan hoang” huyện vùng cao Kỳ Sơn. Qua kiểm đếm có trên 600 nhà dân bị thiệt hại (≥ 70% nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 30% - 50% bị thiệt hại nặng; dưới 30% thiệt hại một phần; 64 nhà bị ngập nước dưới 1m; 265 nhà phải di dời khẩn cấp). Lũ đến cấp tốc đã cuốn trôi cả người và phương tiện, vùi lấp hàng loạt ô tô, xe máy cùng cơ man vật dụng, thiết bị có giá trị. Thiên tai cũng tác động nặng nề đến hệ thống cơ sở hạ tầng, làm hỏng hóc hàng loạt tuyến đường giao thông thiết yếu, đồng thời gây chia cắt cục bộ suốt nhiều ngày trời… Ước tổng thiệt hại lên đến 190 tỷ đồng, con số thực sự khủng khiếp. Cần biết rằng thu ngân sách hàng năm của huyện Kỳ Sơn chỉ quanh quẩn 15 – 20 tỷ đồng, riêng năm 2022 đạt khoảng 15 tỷ, đưa ra để thấy huyện nghèo đối diện với bộn bề lo toan khi lũ qua đi.