Không chỉ khuyến khích sản xuất nông nghiệp
Ngày1/4, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Lễ tổng kết lớp tập huấn nghiệp vụ khuyến nông cộng đồng và định hướng của Bộ NN- PTNT thực hiện Đề án Khuyến nông cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ qua trực tuyến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cho biết, khuyến nông cộng đồng (bao gồm khuyến nông nhà nước và tình nguyện viên ở cấp cơ sở) chính là nền tảng để ngành nông nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đưa những chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, những cách tiếp cận mới… tới người nông dân, qua đó góp phần nâng cao dân trí, nâng cao năng lực của cộng đồng dân cư, cộng đồng nông thôn.
Lâu nay, ở nước ta, có nhiều mô hình khuyến nông từng phát huy hiệu quả rất tốt nhưng sau đó lại không lan tỏa được, thậm chí mất đi và nông dân lại trở lại với cách làm cũ. Nguyên nhân là do không có những người làm khuyến nông cộng đồng thường xuyên đồng hành, gần gũi, chuyện trò, trao đổi thường xuyên với bà con nông dân.
Do đó, chúng ta cần phải có một đội ngũ khuyến nông cộng đồng để đảm đương nhiệm vụ khuyến nông trong tình hình mới, bối cảnh mới.
Bộ trưởng cho rằng khuyến nông trong thời gian vừa qua chủ yếu là hướng dẫn bà con cách thức sản xuất để đạt năng suất, sản lượng nhiều hơn. Nhưng cách sản xuất không đồng nghĩa với cách làm giàu.
Do đó, bây giờ khuyến nông phải tư vấn cho bà con cách làm giàu. Thực tế cho thấy, cùng một sản phẩm làm ra nhưng người này có thể bán với giá cao hơn người kia. Cũng là trái xoài nhưng nếu trải tờ báo trên vỉa hè, đặt trái xoài lên đó để bán giá sẽ khác. Người bán xoài làm cái quầy cao, nhìn sạch sẽ hơn và để trái xoài lên thì người tiêu dùng sẵn sàng mua xoài đó với giá cao hơn một chút. Nếu trái xoài được để trong hộp ngăn bụi bặm, ruồi muỗi, giá lại khác.
Vì vậy, khuyến nông không dạy nông sản cách trồng trọt, chăn nuôi nữa mà phải hướng dẫn người ta phải làm sao để nâng cao giá trị nông sản như cách thu hoạch, bảo quản, sơ chế, cách mua bán sao cho được giá tối ưu nhất.
Làm khuyến nông là phải theo chuỗi, từ đầu vào cho đến đầu ra. Theo đó, người làm khuyến nông không cần phải biết hết nghiệp vụ của mọi khâu mà là người có khả năng kết nối những những người làm ở mọi khâu lại để hình thành một chuỗi giá trị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Khuyến nông có vai trò tối cần thiết khi chúng ta chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Khuyến nông không chỉ là khuyến khích sản xuất nông nghiệp mà còn khuyến khích tổ chức lại đời sống nông thôn, khuyến khích thay đổi nhận thức người nông dân. Như vậy khuyến nông là khuyến cả tam nông: nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Tôi tin tưởng rằng công tác khuyến nông của chúng ta đã thay đổi thì sẽ thay đổi được người nông dân, thay đổi được nền nông nghiệp, thay đổi được đời sống nông thôn.
Khuyến nông phải là một nghề
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, ngay sau khi Bộ NN-PTNT công bố Đề án Khuyến nông cộng đồng, Trung tâm đã phối với Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 (CMARD2), tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ khuyến nông cộng đồng. Có 63 học viên đã theo học trực tiếp tại hội trường CMARD2, và 80 học viên theo học qua hình thức trực tuyến.
Lớp đã hoàn thành 10 chuyên đề về công tác khuyến nông, hệ thống khuyến nông, vai trò của hợp tác xã trong sản xuất theo chuỗi, chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp …
Ông Thanh chia sẻ, bản chất của khuyến nông cộng đồng là tinh thần thiện nguyện, lấy cán bộ khuyến nông cơ sở làm nền tảng. Nếu chúng ta sử dụng được lực lượng có trình độ, kinh nghiệm thông qua xã hội hóa, dịch vụ hóa sẽ tạo ra lực lượng khuyến nông cộng đồng với cách tiếp cận mới mẻ hơn.
Thực hiện Đề án về khuyến nông cộng đồng, 26 tổ khuyến nông cộng đồng sẽ được xây dựng tại vùng nguyên liệu của 13 tỉnh tham gia đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt kết nối người sản xuất với doanh nghiệp, với thị trường tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cán bộ khuyến nông có vai trò lớn trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tại địa phương trong những năm qua. Tuy nhiên, chỉ đến khi có đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông, trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, thì vai trò của khuyến nông mới được khẳng định rõ nét hơn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam
Khuyến nông phải là một nghề được nhà nước, xã hội công nhận. Người làm khuyến nông phải sống được bằng nghề của mình thông qua việc thực hiện các dịch vụ khuyến nông.
Người làm khuyến nông cộng đồng khác với cán bộ tư vấn dịch vụ nông nghiệp của các doanh nghiệp. Cán bộ tư vấn dịch vụ nông nghiệp của các doanh nghiệp thì khi có lợi nhuận người ta mới làm. Còn người làm khuyến nông cộng đồng vẫn làm khi không có lợi ích kinh tế, nhưng mang lại lợi ích về xã hội.