| Hotline: 0983.970.780

Triển khai 2 đề án hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn

Thứ Ba 29/03/2022 , 15:11 (GMT+7)

2 Đề án về vùng nguyên liệu và khuyến nông cộng đồng mà Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt đều hướng tới việc phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn trên cả nước.

Xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Ngày 29/3 tại TP. HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn.

Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang).

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ. Tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 2022 - 2023, sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Cụ thể: 14.000 ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc; 22.900 ha gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) ở vùng Duyên hải miền Trung; 19.700 ha cà phê Tây Nguyên; 50.000 ha lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên; 60.200 ha cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười.

Sẽ xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn 50.000 ha ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Ngọc Trinh.

Sẽ xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn 50.000 ha ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Ngọc Trinh.

Song song với việc hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu. Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất từ 5 - 10% cho các thành viên HTX và nông dân; giảm tổn thất sau thu hoạch 5 - 10% và tăng giá trị từ 10 - 20%. Qua đó, tăng thu nhập 5 - 10% cho thành viên HTX và nông dân.

Bên cạnh đó, Đề án cũng tăng cường năng lực cho ít nhất 250 HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu; phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ; thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển HTX, kết nối thị trường.

Áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ, cà phê, lúa gạo, trái cây chất lượng cao; số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thí điểm thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất cho HTX, thành viên HTX; chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, Đề án mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ HTX, gồm: Trung tâm logistic chuỗi lúa gạo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); Trung tâm logistic lúa - tôm hữu cơ (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang); Trung tâm logistic chế biến tôm (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng); Trung tâm logistic trái cây Mỹ Hiệp (tỉnh Đồng Tháp); Trung tâm logistic chuỗi cà phê (tỉnh Gia Lai).

Theo Đề án, sẽ hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn 14.000 ha tại vùng miền núi phía Bắc. Ảnh: Trung Quân.

Theo Đề án, sẽ hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn 14.000 ha tại vùng miền núi phía Bắc. Ảnh: Trung Quân.

"Để triển khai thực hiện có hiệu quả 2 Đề án, tôi đề nghị các cơ quan tham mưu, 14 tỉnh tham gia Đề án, các doanh nghiệp, HTX, nông dân tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Nắm rõ nội dung và trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện Đề án; đánh giá, dự báo được những khó khăn, thách thức, bàn các giải pháp triển khai các nội dung Đề án đạt hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế.

Bàn kỹ về kế hoạch triển khai để phối hợp hiệu quả. Sau hội nghị này phải thống nhất được kế hoạch/giải pháp của từng bên và kế hoạch cả Đề án.

Thống nhất đầu mối chỉ đạo và thực hiện, nhất là đối với UBND các tỉnh (như thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu; chỉ đạo các sở ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; giao Sở NN- PTNT chủ trì triển khai thực hiện các nội dung liên quan thuộc phần nhiệm vụ của địa phương…".

(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam)

Hình thành tổ khuyến nông cộng đồng ở vùng nguyên liệu

Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng cũng liên quan tới việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Cụ thể, Đề án có mục tiêu tổng quát là: Củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông thôn, góp phần củng cố xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam, đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản.

Các tổ khuyến nông cộng đồng tham gia hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn.

Các tổ khuyến nông cộng đồng tham gia hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn.

Với mục tiêu tổng quát như trên, Đề án cũng sẽ được triển khai thực hiện tại các tỉnh thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và phát triển nhân rộng ra các tỉnh, thành khác.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Đề án đạt mục tiêu hình thành được ít nhất là 26 tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn 13 tỉnh thuộc vùng nguyên liệu. Đồng thời, xây dựng được bộ học liệu phục vụ đào tạo tổ khuyến nông cộng đồng bao gồm tài liệu đào tạo ToT và các video clips; tổ chức được các hoạt động nâng cao năng lực tổ khuyến nông cộng đồng; tổ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ được các HTX vùng nguyên liệu phát triển sản xuất, thông tin thị trường và liên kết sản xuất; tài liệu hoá được kinh nghiệm tổ chức, bài học kinh nghiệm để nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2024 – 2025, Đề án nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng ra 15 tỉnh tiếp theo thuộc vùng ĐBSH, ĐBSCL và một số tỉnh Miền Trung có điều kiện tương đồng như các tỉnh thí điểm ở giai đoạn 1. Mỗi tỉnh dự kiến nhân rộng ít nhất 2 mô hình khuyến nông cộng đồng, hoạt động theo 4 nhóm chức năng: Chuyển giao công nghệ khuyến nông; hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ thị trường và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững và hỗ trợ chuyển đổi số trong các HTX nông nghiệp.

Cũng trong giai đoạn 2024 - 2025, Đề án sẽ hoàn thiện được khung chương trình đào tạo, và các tài liệu đào tạo cho tổ khuyến nông cộng đồng để nâng cao năng lực cho khuyến nông cộng đồng hoàn thiện tốt nhiệm vụ.

Đề án khuyến nông cộng đồng được kỳ vọng sẽ là cú hích cho hoạt động khuyến nông cơ sở trong giai đoạn tới. Ảnh: Trung Chánh.

Đề án khuyến nông cộng đồng được kỳ vọng sẽ là cú hích cho hoạt động khuyến nông cơ sở trong giai đoạn tới. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: Đề án về khuyến nông cộng đồng là quyết định mang tính chất bản lề, tạo cơ hội mới vô cùng quan trọng cho hoạt động, cơ chế, hình thức cũng như bản chất hoạt động của đội ngũ khuyến nông. Bởi đây là vấn đề liên quan đến hệ thống khuyến nông cơ sở, là những người trực tiếp với người sản xuất. Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là cầu nối chặt chẽ nhất với người sản xuất. Đề án giống như xây dựng một tuyến đường cao tốc giành cho hệ thống khuyến nông, từ đó những “tuyến đường” khác sẽ kết nối vào để có sự phát triển mạnh khi khai thác hệ thống này.

Tại hội nghị, ông Thái Như Hiệp, giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đánh giá: Đề án là một cú hích quan trọng cho nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp. Vĩnh Hiệp hiện đang xây dựng vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đội ngũ cán bộ của công ty thường xuyên phải di chuyển khắp 4 tỉnh, nên việc xây dựng vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn nếu không kết hợp với khuyến nông cơ sở. Do đó, các tổ khuyến nông cộng đồng là một mô hình rất tốt, giúp cho doanh nghiệp giảm được nhiều áp lực về nhân sự khi xây dựng vùng nguyên liệu.

Tương tự, ông Võ Quan Huy, giám đốc Công ty TNHH Long Anh cho rằng: Vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng theo như Đề án về khuyến nông cộng đồng không chỉ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mà còn định hướng thị trường. Điều này rất phù hợp với yêu cầu của thời đại.

"Tôi đang liên kết sản xuất chuối với nông dân. Quá trình hợp tác cho thấy để thay đổi tư duy của họ từ tự làm theo ý của sang hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp là rất khó. Nếu khuyến nông đứng ra hướng dẫn, đào tạo nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn của doanh nghiệp thì hiệu quả cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tự làm", ông Huy nhấn mạnh.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.