Kịch thiếu nhi được xem như một món ăn tinh thần đặc thù của trẻ em đô thị. Kịch thiếu nhi chưa thể đến với thiếu nhi nông thôn, dù giới sân khấu đã kêu gào khản cổ vẫn không có doanh nghiệp nào động lòng trắc ẩn để nhón tay tài trợ.
Kịch thiếu nhi chưa bao giờ có cơ hội lan tỏa rộng rãi, vì đối tượng mà thể loại này muốn phục vụ luôn vướng bận học hành. Kịch thiếu nhi tại hai đô thị lớn nhất nước Hà Nội và TP.HCM mỗi năm chỉ có lịch diễn vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1//6 và Tết Trung Thu.
Bằng nỗ lực của một sân khấu tư nhân, chương trình “Ngày xửa ngày xưa” đã trở thành thương hiệu trên sàn diễn IDECAF – TPHCM suốt hơn hai thập niên qua. Chương trình “Ngày xửa ngày xưa 33” vừa được hoàn thành, với vở kịch “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá” do Đình Toàn làm đạo diễn.
Như vậy, kể từ chương trình “Ngày xửa ngày xưa 32” với vở kịch “Truy tìm Thủy Long kiếm” công diễn dịp Quốc tế Thiếu nhi năm 2019 đến nay, khán giả nhỏ tuổi mới có cơ hội được xem kịch thiếu nhi. Thế nhưng, vở kịch “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá” khai diễn buổi đầu tiên đúng ngày 1/7, với lý do năm học 2021-2022 ảnh hưởng Covid-19 nên học sinh chỉ được nghỉ hè vào cuối tháng 6.
Vở kịch “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá” mở ra một thế giới Vinh Tiên Cá vui nhộn cho trẻ em, thông qua những nhân vật được hóa thân ngộ nghĩnh. Ngoài thuyền trưởng Sindad, vở kịch “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Đại chiến nàng tiên cá” còn có công chúa Mê Ly và tiên cá đen Mê La tranh giành thủy ngọc quyền năng.
Với truyền thống của chương trình “Ngày xửa ngày xưa”, vở kịch “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Đại chiến nàng tiên cá” tiếp tục là một tác phẩm được đầu tư công phu cho cảnh trí và trang phục, giúp tuổi thơ nâng cao óc thẩm mỹ và trí tưởng tượng. Dĩ nhiên, vở kịch “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Đại chiến nàng tiên cá” vẫn quy tụ đội ngũ diễn viên quen thuộc với kịch thiếu nhi như Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Bạch Long, Hoàng Trinh, Hương Giang, Lê Khánh, Tuấn Khải...
Dù không công diễn vào dịp 1/6, nhưng vở kịch “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Đại chiến nàng tiên cá” vừa công bố đã tạo được cơn sốt đặt vé trực tuyến. 13 nghìn vé cho 13 suất diễn đợt 1 đã được bán hết trong vòng 24h. Các bậc phụ huynh tại TP.HCM chia sẻ, sau thời gian đại dịch, họ muốn bù đắp đời sống tinh thần cho con em bằng một vở kịch thiếu nhi.
Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Kịch IDECAF cho biết, một vở kịch được đầu tư tiền tỷ như “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Đại chiến nàng tiên cá” phải diễn 50 suất mới có thể thu hồi vốn. Cho nên, đợt 2 sẽ được bán vé vào cuối tháng 5/2022 và đợt 3 sẽ bán vé cho những suất diễn Tết Trung Thu.