| Hotline: 0983.970.780

Kịch thiếu nhi mỗi năm được... một mùa

Thứ Sáu 01/06/2018 , 09:30 (GMT+7)

Mỗi năm, trẻ em có duy nhất dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 thưởng thức những tác phẩm dành cho lứa tuổi thần tiên. 

Mỗi năm trẻ em ở đô thị chỉ may mắn có một lần được đến nhà hát, thì hoàn cảnh trẻ em ở nông thôn càng ngậm ngùi hơn trong bài toán kinh doanh của người lớn!

09-30-00_vo_kich_tien_hc_m
Vở kịch “Tiên hắc ám” dành cho thiếu nhi!

Gần như trở thành thông lệ, khi các trường học bắt đầu nghỉ hè, thì sân khấu kịch thiếu nhi tại Sài Gòn bắt đầu nóng lên. Mùa hè năm nay, trẻ em ở Sài Gòn được phụ huynh cho hai sự lựa chọn, hoặc vở kịch “Tiên hắc ám” trên Sân khấu kịch TKC mô phỏng theo bộ phim cùng tên do siêu sao Angelina Jolie sản xuất từng rất ăn khách, hoặc vở kịch có cái tên dài “Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó” trên Sân khấu kịch IDECAF. Là một đơn vị nghệ thuật mới, TKC rụt rè tham gia thị trường kịch thiếu nhi, còn IDECAF đã có kinh nghiệm phục vụ khán giả nhí suốt 18 năm qua với chương trình “Ngày xửa ngày xưa”.

Tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua, không có sự góp mặt của kịch thiếu nhi, vì IDECAF không tham gia. Hầu hết các nhà hát được bao cấp hay các sân khấu xã hội hóa đều phải kiêng dè IDECAF về khả năng dàn dựng kịch thiếu nhi của họ. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và quái kiệt Thành Lộc đã khai mở một lối đi riêng, rất độc đáo. Từ vở kịch đầu tiên “Tấm Cám” cách đây 18 năm, IDECAF đã tạo ra một dòng chảy riêng của kịch thiếu nhi với những tác phẩm được yêu thích như “Hoàng tử Sọ Dừa”, “Chum vàng, chum rắn”, “Công chúa Chích Chòe”, “Aladin và đủ thứ thần”, “Cậu bé rừng xanh”, “Nàng Bạch Tuyết lạc 7 chú lùn”... Những khán giả nhí của IDECAF năm nào, bây giờ đã có người trưởng thành bước vào đời với những hình ảnh đẹp về một không gian nghệ thuật dành cho giới trẻ.

Hiện nay, kịch thiếu nhi chỉ xuất hiện vào tháng đầu tiên của đợt nghỉ hè, nghĩa là trước và sau 1/6. Những bầu show sân khấu cho rằng chỉ tập trung trong mùa hè là đủ, bởi vì thời gian còn lại các em tập trung vào việc học tập. Nói chính xác hơn, phụ huynh muốn con em học tốt nên sẽ không cho phép các con dành thời gian xem kịch trong mùa cao điểm học tập. Điều này cũng phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới. Vở kịch công diễn vào mùa hè sẽ được tái diễn vào dịp Tết Trung thu, nên doanh thu không phải là điều quá đáng bận tâm.

Sự thăng hoa bền vững của thương hiệu “Ngày xửa ngày xưa” rất đáng để các sân khấu khác phải noi theo để phát triển kịch thiếu nhi. Riêng hai khoản cảnh trí và phục trang, sự đầu tư cho năm sau luôn cao hơn năm trước gấp nhiều lần. Trong thời điểm hiện tại, rất ít sân khấu dám bỏ ra vài trăm triệu để đầu tư cảnh trí và phục trang như IDECAF. Ngoài ra, còn phải nhắc đến một điều quan trọng là chương trình “Ngày xửa ngày xưa” có nhiều “thần tượng” làm say mê khán giả nhỏ như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Lê Khánh, Hương Giang, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Hoàng Trinh. Họ đã mất vài năm mới khẳng định được vị trí và giờ đây chưa có lực lượng nghệ sĩ nào để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các em hơn nghệ sĩ IDECAF.

Nếu nhìn vào cách chinh phục thị trường kịch thiếu nhi của sân khấu IDECAF thì không khó khăn gì để nhận ra, có ba thời điểm sàn diễn tiếp cận được trẻ em là mùa hè, mùa trung thu và có thể tính thêm mùa Noel. Thế nhưng, với mỗi vở, mùa hè có thể diễn 40 buổi, mùa trung thu có thể diễn 30 buổi, thì mùa Noel chỉ có thể diễn 20 buổi. Do đó, chỉ cần một phép tính đơn giản cho bài toán tài chính, các đơn vị nghệ thuật buộc phải chọn mùa hè để tung ra kịch thiếu nhi mới mong lấy lại vốn. Ngược lại, muốn gửi một món quà cho tuổi thơ vào mùa Trung thu hoặc mùa Noel, không thể không thu hẹp qui mô vở diễn theo phương châm "trông giỏ bỏ thóc".

Kịch dành cho người lớn càng đậm chất đời thường càng có sức thuyết phục, nhưng kịch dành cho trẻ em luôn đòi hỏi phải chứa đựng nhiều yếu tố lạ thường và phi thường, từ hình ảnh nhân vật cho đến tình huống tưởng tượng. Để phù hợp với phẩm vị của khán giả nhí, trang phục của diễn viên cũng hướng đến sự rực rỡ và hoa mỹ. Vì vậy, kinh phí đầu tư cho một vở kịch thiếu nhi bao giờ cũng ở mức tối thiểu là gấp ba lần kinh phí đầu tư cho một vở kịch người lớn. Cho nên, dù hiện tại, các tụ điểm sân khấu đều được miễn thuế, nhưng có lẽ cần nghĩ đến một chiến lược trợ giá cho kịch thiếu nhi mới mong phát triển dòng nghệ thuật đang đứng trước nhiều thử thách này.

Để cân bằng thu - chi, tụ điểm sân khấu không thể trả nhuận bút một kịch bản của kịch thiếu nhi ngang với kịch bản của kịch người lớn. Hơn nữa, một vở kịch lôi kéo người lớn đến rạp luôn có tác dụng quảng bá tên tuổi nhà viết kịch rộng rãi gấp nhiều lần một vở kịch ăn khách với thiếu nhi. Chính lý do ấy, nhà viết kịch phải chịu một chút thiệt thòi khi chấp bút kịch thiếu nhi. Phải chăng, nhà viết kịch phải tìm thấy niềm vui cá nhân trong mỗi kịch bản dành cho thiếu nhi thì mới có thể hy sinh lợi ích riêng mình.

Ở đây, chúng ta phải sòng phẳng nói với nhau một sự thật giản dị: muốn mở lòng ra với những thành viên hồn nhiên nhất của cộng đồng, thì phải tạm cất đi ánh mắt đắn đo của một nhà kinh tế!

Phác thảo ngày mai của kịch thiếu nhi, nhiều người đang bày tỏ nhu cầu xây dựng một Nhà hát Thiếu nhi. Tuy nhiên, thật cân nhắc để phân tích, thì sự ra đời của một Nhà hát Thiếu nhi không khác gì một giấc mơ hơi lãng mạn và quá xa xỉ. Mặt khác, tuổi thơ không có điều kiện đi tìm kịch thiếu nhi, mà chúng ta phải chủ động mang kịch thiếu nhi đến với tuổi thơ. Hãy chung tay phát triển kịch thiếu nhi, không phải mệnh lệnh của đồng tiền mà là mệnh lệnh của trái tim từ phía những người biết nghĩ cho trẻ em! Hiện tại, kịch thiếu nhi chỉ dành cho thiếu nhi ở đô thị. Đó là một thực tế mà những nhà quản lý văn hóa và quản lý giáo dục phải trăn trở. Nếu vận động được nguồn tài trợ, hoàn toàn có thể đưa kịch thiếu nhi về cho trẻ em vùng sâu, vùng xa như một quà tặng mùa hè thú vị!

Hầu như mọi vở kịch thiếu nhi suốt hàng chục năm qua đều dựa vào kho tàng cổ tích Việt Nam và thế giới như "Phù Đổng Thiên Vương", "Phù thủy lắm chiêu", "Hoàng tử Ai Cập", "Chú mèo đi hia"... Bên cạnh giá trị của những thần thoại, một đề tài nữa cũng hấp dẫn trẻ em là khoa học giả tưởng. Về tương lai, sàn diễn dành cho tuổi thơ không thể không nghĩ đến những kịch bản ấn tượng hơn. Đành rằng, đó là dự định phải làm của những diễn viên vốn trân trọng khán giả nhỏ tuổi, nhưng cách nào để khuyến khích những nhà viết kịch khai phá lãnh địa ấy vẫn còn giống như ẩn số hóc búa.

 

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.