Tăng trưởng mạnh
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, sản lượng cây có múi cả nước liên tục tăng trong những năm qua. Riêng tại phía Bắc, trong 10 năm từ 2009 đến 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm về diện tích (tương ứng 7.300 ha/năm), 12,5%/năm về sản lượng (69.400 tấn/năm).
Tính đến năm 2019, cây có múi là nhóm cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc. Cam, bưởi, chanh, quýt cũng thuộc nhóm 15 loại quả chủ lực, có diện tích lớn trên cả nước.
Với đặc thù khí hậu và điều kiện tự nhiên, nhiều tỉnh phía Bắc đã đẩy mạnh canh tác cây có múi thời gian qua. 9 tỉnh có diện tích trồng cam vượt 1.000ha, và 14 tỉnh có diện tích trồng bưởi vượt 1.000 ha.
Tổng diện tích cây có múi trong vùng hiện vào khoảng 121.970 ha, chiếm 47,5% so cả nước, và 29,09% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc. Nhìn vào thống kê và tốc độ tăng trưởng, tiềm năng phát triển cây có múi tại miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế sản xuất và tiêu thụ cây có múi lại phát đi những tín hiệu trái chiều. Về sản xuất, nghiên cứu của Cục Trồng trọt cho thấy, người dân vẫn còn thói quen trồng cây có múi theo tư tưởng số đông. Nhiều vùng đất dốc, chân đất thấp, khó làm đường thoát nước, bà con vẫn cố trồng cây có múi và cho hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng.
Về mặt tiêu thụ, cam và bưởi là hai loại cây chủ lực, được trồng nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc cũng như cả nước, nhưng sức mua chính lại từ thị trường nội địa, phục vụ nhu cầu ăn tươi.
Trong khi đó, chanh chỉ có diện tích trồng khoảng 9.600 ha trên cả nước, chưa đến 8% diện tích cây có múi, lại cho giá trị xuất khẩu lên tới 41,6 triệu USD năm 2019, chiếm 94,4% giá trị xuất khẩu quả có múi.
Ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình trăn trở: "Chúng tôi cần tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cây có múi theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh.
Đối với diện tích trồng phân tán, tại các vùng không phù hợp như đồi có độ dốc lớn, Sở sẽ phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi sang cây trồng khác có năng suất và hiệu quả cao hơn".
Nỗi lo cây giống
Hòa Bình sở hữu một trong 10 sản phẩm quả có múi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý - cam Cao Phong - nhưng người dân nơi đây vẫn chưa hết nỗi lo vượt khó bằng cây cam.
Bà Trần Thị Hằng, một nông dân ở xã Thống Nhất, huyện Lạc Thụy, kể: "Nhà tôi có ba lao động chính, trồng xen kẽ cam, bưởi, chanh trên mảnh đất hơn 2 ha. Nếu được mùa, trừ chi phí cây giống và phân bón, gia đình có thể thu lãi 100 triệu đồng/ha. Nhưng chỉ một vài cây cam lâu năm hỏng, chúng tôi đã mất trắng chục triệu".
Là một trong số hai hộ nông dân được mời tới Hội nghị "Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại các tỉnh phía Bắc", bà Hằng biết đến cây cam từ rất sớm.
5 năm trước, khi Hòa Bình chưa nhân rộn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), bà đã lặn lội khắp khu vực đồng bằng sông Hồng để tìm bằng được giống cam ngon, phù hợp với thổ nhưỡng Thống Nhất.
"Tôi tìm đến cam sành Hà Giang, cam sành Hàm Yên, chỉ chưa thử trồng cam Vinh, nhưng cây con trồng xuống không hợp đất. Khoảng một phần năm chết trong năm đầu. Phần lớn chết trong năm thứ hai và ba, khiến có lúc tôi tính chuyển sang cây trồng khác", bà nhớ lại.
Từ người quen, bà tìm được một giống cam tại Hưng Yên, cho quả sai, trồng được trên đồi dốc, và có thể trồng tương đối dày. Nhờ khoản hỗ trợ 10 triệu đồng/ha từ tỉnh, cộng thêm tiền vay ngân hàng, bà đầu tư 200 triệu đồng trồng cam hồi năm 2015.
"Năm đầu, cây phát triển tốt, nhưng từ năm thứ hai, tôi thấy cây không phát triển như được trồng tại Hưng Yên. Người ta mách tôi cách làm đường đồng mức (một kiểu san đất thành ruộng bậc thang ở lưng chừng đồi) để cây dễ thoát nước.
Cam nhà tôi, vì thế, giữ được độ phát triển. Dù vậy, tiền công tôi đổ vào mỗi năm tăng đáng kể, thường khoảng 100 triệu/năm", bà kể tiếp.
Do nhà chỉ có ba lao động, việc làm đường đồng mức, bón phân và nhiều việc khác, bà Hằng thuê ngoài. Riêng tiền thuê bón phân đã lên tới 15 triệu/năm, sau giảm xuống một nửa khi dùng phân hữu cơ. Đầu tư nhiều là vậy, nhưng chưa khi nào bà hết nơm nớp nỗi lo mất mùa bởi cây giống không đảm bảo.
"Để trồng được một cây con trên ruộng của mình, tính cả chi phí đi lại, tôi tốn 130.000 đến 140.000 đồng. Mỗi lần trồng mới, tôi mua cả loạt hàng trăm cây. Nếu lỡ bị hỏng, là coi như năm đó làm không công, chẳng còn lãi", bà đau đáu nói.
Với một số loại cây trồng khác, việc giới thiệu, bán và hướng dẫn nông dân trồng trọt được các Trung tâm Khuyến nông tỉnh sát sao. Nhưng với cây có múi, không chỉ riêng Hòa Bình mà tại Bắc Giang, Hà Giang và nhiều địa phương khác, người dân thiếu sự định huóng.
Giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận lỗi trước Hội nghị: "Nhiều năm qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã chọn tạo những giống cam, giống cây có múi ít hạt nhưng thành tựu vẫn chưa nhiều.
Bên cạnh đó, chất lượng giống chưa được cải thiện nên chất lượng sản phẩm chưa theo được các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm này để biết mình đang ở đâu và phải bước tiếp thế nào".
Rà soát, điều chỉnh, kiểm soát
Có nhiều nguyên nhân khiến cây có múi bị chững lại sau khi đạt diện tích gieo trồng 256.860 ha và sản lượng 2,46 triệu tấn vào năm 2019. Một trong số đó chính là chất lượng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận xét: "So với cam ôn đới, cam của chúng ta vỏ mỏng hơn, ít nước hơn. Hiện Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều cam từ thị trường Australia và châu Âu.
Thiết nghĩ, chúng ta không nên đặt mục tiêu diện tích lên hàng đầu nữa. Thay vì mở rộng, chúng ta cần rà soát, điều chỉnh, có thể là tái canh hoặc thay đổi quy mô cây trồng theo từng vùng".
Thứ trưởng Doanh lấy bài học từ cây cà phê trong miền Nam. Sau Giải phóng, cà phê chủ yếu là giống cũ, cho sản lượng và chất lượng thấp, thậm chí nhiều vùng, cây có hiện tượng già cỗi. Sau khi nghiên cứu, Bộ NN-PTNT quyết định trồng mới 120.000 cây trên diện tích 5.000ha.
"Phải coi đây là một dịp để đưa giống tốt vào. Tôi tin chỉ sau ba đến bốn năm, nếu chăm bón tốt, năng suất sẽ trở lại mức cũ", ông Doanh nhấn mạnh.
Là giống cây mẫn cảm với những bệnh như greening, vàng lá thối rễ, vàng lá sinh lý, cây có múi cần được kiểm tra kỹ lưỡng nhóm cây đầu dòng. Ông Doanh cho rằng đây là giải pháp đầu tiên, cũng là quan trọng nhất cho bà con nông dân khi trồng loài cây này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các Sở NN-PTNT đề ra những quy chuẩn trồng cây có múi sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, chẳng hạn có trồng tại khu vực rừng hay sườn đồi không? Mật độ, kỹ thuật trồng thế nào để đảm bảo cây có đủ ánh sáng và hạn chế lan truyền bệnh.
Với Hòa Bình, cây có múi là hướng phát triển chủ đạo, giúp nông nghiệp tỉnh thay đổi diện mạo. Còn với Bắc Giang, cây có múi lại giúp phá thế độc canh của cây vải.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang phát biểu: "Trước đây, Bắc Giang chỉ được biết đến nhờ cây vải. Nhưng vài năm gầy đây, nhờ cây có múi, tỉnh phá được thế độc canh trên địa bàn và gặt hái được một số kết quả tại Lục Ngạn, mảnh đất nổi tiếng với cây vải thiều.
Tuy nhiên, thành công bước đầu khiến tại nhiều nơi, diện tích cam, bưởi tăng nhanh, vượt quá kế hoạch sản xuất. Chúng tôi đang cân nhắc để khuyến cáo bà con hạn chế tình trạng tăng diện tích, phát triển nóng theo kiểu phong trào nhất là tại các vùng không phù hợp".
Bên cạnh giống, cây có múi cần được sử dụng phân bón hữu cơ hoàn toàn. Ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quế Lâm nêu giải pháp: "Chúng tôi chủ trương hướng dẫn bà con nông dân tạo ra các chế phẩm vi sinh ngay tại nhà, dựa vào nguyên liệu có sẵn. Tôi tin nếu có thể chủ động tạo được những nguyên liệu đầu vào tốt, ngay tại vườn, chất lượng đầu ra sẽ được đảm bảo".
Còn ông Biền Văn Nga, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sông Gianh nêu ý kiến: "Mong các cấp các ngành tăng cường tuyên truyền để phát huy hết tác dụng và hiệu quả của phân hữu cơ để hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững trong tương lai".
"Tôi vừa đi thực tế tại Hòa Bình, thấy 12 quả cam (khoảng hơn 3kg) được đóng hộp hai tầng và bán với giá 380.000 đồng.
Tính trung bình, mỗi cân cam có giá hơn 100.000 đồng. Nghĩa là sản phẩm chất lượng người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao, đó là điều chúng ta hướng đến", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.