Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Vĩnh Long tăng cường kiểm soát động vật nhập vào tỉnh, đồng thời bố trí cán bộ giám sát các cơ sở giết mổ động vật 24/24 để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kính thưa quý vị! Trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, công đoạn giết mổ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và cũng là khâu khó kiểm soát nhất. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, gồm các loại thịt gia súc và gia cầm, tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ. Vậy hoạt động kiểm soát tại địa phương được thực hiện như thế nào? Mời quý vị theo dõi phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Theo Chi Cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long nhu cầu giết mổ gia súc, gia cầm trong quý 4 năm 2024 dự kiến tăng gấp 3 lần so với trước đó. Trung bình mỗi tháng, khoảng 29.000 con gia súc và 154.000 con gia cầm được giết mổ. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành thú y đã tăng cường kiểm soát 24/24 tại các cơ sở giết mổ tập trung.
Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long: Đơn vị đang triển khai các biện pháp kiểm soát động vật xuất nhập tỉnh. Các quy trình kiểm soát giết mổ được tuân thủ nghiêm ngặt, từ việc kiểm tra động vật trước khi giết mổ, giám sát quá trình giết mổ, đến kiểm tra sau khi giết mổ. Sau mỗi ca giết mổ, cơ sở đều được giám sát kỹ lưỡng và định kỳ lấy mẫu để kiểm tra vi khuẩn trong lò giết mổ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Ghi nhận tại lò giết mổ gia cầm lớn nhất tại thành phố Vĩnh Long, hoạt động giết mổ diễn ra từ 23h đêm đến 6h sáng hàng ngày, với công suất 2.000 con gia cầm mỗi đêm. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ cơ sở chỉ nhập gà từ các trang trại có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Cơ sở cũng đã lắp đặt camera giám sát để kiểm soát chặt chẽ hơn các quy trình vệ sinh. Ngoài ra, ao cá được bố trí để xử lý phần dư thừa từ quá trình giết mổ, để đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh.
Mỗi ngày, từ 0h đến 5h sáng, cán bộ thú y đến kiểm tra công tác chuẩn bị và vệ sinh tại cơ sở, đảm bảo hoạt động giết mổ diễn ra an toàn và sạch sẽ, kiểm dịch chặt chẽ từng lô gia cầm trước khi đưa vào tiêu thụ
Ông Nguyễn Văn Tùng – Cán bộ kiểm soát giết mổ: Cơ sở giết mổ luôn đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với nguồn gà nhập trong tỉnh luôn có giấy tiêm phòng H5N1, còn nhập ngoài tỉnh có giấy kiểm dịch tại các trạm. Công tác vệ sinh luôn chấp hành theo quy định.
Hiện tại, toàn tỉnh Vĩnh Long có 31 cơ sở giết mổ động vật. Trong đó gồm: 17 cơ sở giết mổ heo, 2 cơ sở giết mổ trâu và bò, 3 cơ sở giết mổ gia cầm, 2 cơ sở giết mổ cả heo, bò và gia cầm, 2 cơ sở giết mổ heo và bò, và 2 cơ sở giết mổ heo và gia cầm. Mỗi ngày, các cơ sở này giết mổ và cung cấp ra thị trường trung bình khoảng 850 con heo, 70 con trâu bò, và 4.500 con gia cầm.
Vào buổi chiều trước khi giết mổ, nhân viên thú y sẽ kiểm tra tình trạng động vật để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh truyền nhiễm. Đối với heo, cán bộ kiểm tra xem có dấu hiệu bị bơm nước, tiêm thuốc an thần hay không và xác minh nguồn gốc của heo nhập vào lò mổ. Trong quá trình giết mổ, nhân viên thú y cũng giám sát liên tục để đảm bảo vệ sinh ở khu vực trước và sau giết mổ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ cơ sở giết mổ 9 Quấn tại xã Hữu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long: Cơ sở đã tăng cường vệ sinh và trang bị thiết bị đầy đủ để phục vụ tốt công tác kiểm tra. Hiện nay, heo nhập vào cơ sở đều từ các trang trại có nguồn gốc rõ ràng và có giấy kiểm dịch, không còn mua heo trôi nổi như trước đây.
Ông Huỳnh Long Vĩnh - Cán bộ kiểm soát giết mổ tại xã Hữu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long: Cơ sở giết mổ yêu cầu tất cả heo nhập vào phải được ghi chép rõ ràng về nguồn gốc. Đối với heo từ ngoài tỉnh, phải có giấy kiểm dịch kèm theo khi đưa vào lò.
Kính thưa quý vị! Chúng tôi tin rằng, nhờ tinh thần trách nhiệm của các công ty, doanh nghiệp và cơ sở giết mổ, cùng với sự giám sát chặt chẽ từ các cấp, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với gia súc, gia cầm sẽ được đảm bảo trong những tháng cuối năm, giúp người dân đón Tết an lành. Phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đã kết thúc. Xin kính chào và hẹn gặp lại!