Kiểm soát giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết. Nông dân không có dừa bán do sâu đầu đen gây hại. Một huyện có 21.000 con hươu cho thu hoạch nhung. Hiệu quả từ mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng.
Tin 1
KIỂM SOÁT GIẾT MỔ, ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM DỊP TẾT
Thực hiện: An Khang - Khánh Linh
Sáng nay Bộ NN và PTNT đã tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm và kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Phát biểu tại hội nghị ông Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết: “Năm 2024, ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển đạt từ 5,2-5,5%, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năm vừa qua cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương chúng ta đã ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn, gia súc, gia cầm tại các khu vực phía Bắc, phía Nam và Miền Trung. Thời điểm cuối năm là lúc thời tiết diễn biến thuận lợi cho nhiều loại bệnh trên vật nuôi có nguy cơ bùng phát. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại gia súc, gia cầm cũng diễn ra sôi động do nguồn cung tăng phục vụ lễ, Tết. Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan và chuẩn bị các phương án đảm bảo đủ nguồn thịt cung cấp cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết Ất Tỵ đang đến gần.
Tin 2
NÔNG DÂN KHÔNG CÓ DỪA BÁN DO SÂU ĐẦU ĐEN GÂY HẠI
Quỳnh Anh
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua trái dừa tươi giá từ 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 quả); riêng dừa khô (loại 1) giá trên 150.000 đồng/chục quả. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Điều đáng nói là hiện nay, nhiều nhà vườn không có trái dừa để bán cho thương lái mà rơi vào tình trạng cây dừa “treo buồng”, thậm chí có nhiều vườn dừa xơ xác, có nguy cơ chết trắng do sâu đầu đengây hại. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, tổng diện tích vườn dừa nhiễm sâu đầu đen hiện tại là hơn 493 ha. Lũy kế diện tích nhiễm từ năm 2024 đến nay là 886 ha, diện tích phục hồi là 393 ha.
Để “cứu” vườn dừa đang bị sâu bệnh "tấn công", Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cùng các huyện tiếp tục phóng thích 4,7 triệu con ong ký sinh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các địa phương tổ chức phát động ra quân đồng loạt phòng trừ sâu đầu đen. Ngành chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhà vườn các biện pháp phòng trị, không được chủ quan lơ là và cưa bỏ các cây dừa hết trái, bị nhiễm bệnh nặng để trồng lại.
Tin 3
MỘT HUYỆN CÓ 21.000 CON HƯƠU CHO THU HOẠCH NHUNG
Thanh Nga sx
Toàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hiện có tổng đàn hươu hơn 44.500 con. Trong đó có khoảng 21.000 con cho thu hoạch nhung, tập trung nhiều ở các xã Quang Diệm, Sơn Trường, Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Châu.
Theo mùa khai thác, từ nay đến hết tháng 2 âm lịch năm Ất Tỵ 2025 là thời kỳ rộ thu hoạch nhung, vì vậy thời điểm này người chăn nuôi ở huyện Hương Sơn ngoài cho hươu ăn thức ăn xanh thông thường như lá cây, cỏ, còn bổ sung thêm tinh bột từ ngô, sắn, các loại khoáng, vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho hươu.
Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, giai đoạn hươu khai thác nhung thường trùng thời điểm mưa rét nên bà con cần che chắn chuồng trại cẩn thận, giữ gìn vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho hươu, giúp nhung phát triển đạt trọng lượng chuẩn trước khi khai thác.
Tin 4
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH TRỒNG LÚA KẾT HỢP NUÔI CÁ ĐỒNG
Văn Vũ
Sau nhiều năm sản xuất độc canh cây lúa kém hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau phát triển mạnh mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp người dân phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu.
Các loại cá được nuôi gồm cá lóc, cá rô, cá trê và cá chép. Cá được thả khi lúa được gieo sạ khoảng 10-15 ngày, khoảng 80-90 ngày là có thể thu hoạch cá, với 1ha lúa trung bình mỗi vụ người dân lợi nhuận từ 20 – 25 từ bán cá..
Anh Dư Việt Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Lâm cho biết, mô hình nuôi trồng lúa kết hợp nuôi cá đang phát triển mạnh tại địa phương, ngoài lợi nhuận từ lúa người dân còn thêm lợi nhuận con cá. Hiện tại, Hội nông dân xã đang tạo mọi điều kiện để người dân phát triển mô hình một cách hiệu quả và bền vững.