Tiếp thị chính sách: Định hướng mới về xây dựng pháp luật
Nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm vai trò của pháp luật, sáng 7/11, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương những cố gắng và kết quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ những người hằng ngày thực hiện nhiệm vụ pháp chế trong ngành NN-PTNT.
Theo Thứ trưởng, Bộ Tư pháp đã đánh giá Bộ NN-PTNT là một trong những đơn vị hàng đầu trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để ban hành các văn bản quan trọng.
“Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là nhiệm vụ cấp thiết, vừa là giải pháp, vừa là mệnh lệnh để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của đất nước. Trên thực tế, các hoạt động phát triển nông nghiệp thường đi trước quy định pháp luật, đòi hỏi sự chủ động trong tiếp cận xây dựng các văn bản”, Thứ trưởng nói.
Ông đề cập đến nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua.
Trong khi đó, ngành NN-PTNT là lĩnh vực đa dạng, xuất hiện trong mọi mặt đời sống, từ đồng ruộng đến bàn ăn. Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, pháp luật phải tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển cho ngành, thay vì chỉ mang tư tưởng “quản lý là chính”.
Theo chủ trương của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần kiên định, đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp thị chính sách đến các đối tượng tác động. Trong quá trình đó, cần lắng nghe ý kiến đóng góp từ các bên để hoàn thiện các văn bản QPPL.
Thứ trưởng Hiệp đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, truyền thông tiếp thị các chính sách, dự án, dự thảo văn bản QPPL trình các cơ quan có thẩm quyền; phối hợp liên ngành để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng các dự án.
Thay mặt Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT), Vụ trưởng Nguyễn Văn Nam bày tỏ cảm ơn đến Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp vì những chỉ đạo và động viên dành cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế. Ông Nam khẳng định, những gợi ý và định hướng của Thứ trưởng sẽ được tiếp thu và lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn, nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, truyền thông và tiếp thị chính sách pháp luật của ngành.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, công tác truyền thông chính sách luôn nhận được sự quan tâm và đôn đốc từ lãnh đạo Bộ.
“Vụ Pháp chế đã không ngừng cải tiến phương pháp truyền tải thông tin để chính sách đến được với các đối tượng tác động một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, Vụ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật”, Vụ trưởng cho biết.
Vận động người dân tham gia xây dựng chính sách
Để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ NN-PTNT tiếp tục tập trung vào hoạt động tập huấn kỹ năng xây dựng, truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật. Tại Hội nghị, TS Vũ Hoài Phương - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã giới thiệu chuyên đề kỹ năng xây dựng, truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật ngành NN-PTNT.
TS Phương giải thích, truyền thông chính sách là quá trình tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan truyền thông nhà nước với đông đảo quần chúng trong chu trình chính sách, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, bà Phương đánh giá, các hội thảo góp ý sửa đổi pháp luật hiện nay còn thiếu tính tương tác, chủ yếu diễn ra theo hướng “một chiều”. Bà đề xuất các đại biểu tăng cường đối thoại trực tiếp; ví dụ, hình thức tọa đàm cho phép người soạn thảo chính sách có thể trao đổi và giải đáp ý kiến của chuyên gia đầu ngành ngay tại chỗ. Bên cạnh đó, họp báo là phương thức hữu hiệu để giới thiệu các chính sách, sự kiện và vấn đề của ngành đến với báo giới.
Để đảm bảo công tác truyền thông chính sách thấu đáo, hiệu quả, Tiến sĩ Phương khuyến nghị Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu kỹ lưỡng đối tượng tiếp nhận, đặc biệt là thói quen tiếp cận thông tin của người dân. Theo kinh nghiệm của bà, tờ gấp hiệu quả ở vùng sâu vùng xa, vì nông dân thường sử dụng tờ gấp làm quạt. Do đó, để thu hút nông dân, các tờ gấp phải có chất liệu cứng.
Nữ chuyên gia cũng lưu ý, hình thức truyền thông cần được linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với từng vùng miền, đối tượng. Ngôn ngữ là yếu tố cần đặc biệt lưu ý, đảm bảo đồng bào dân tộc được tiếp cận thông tin chính sách đầy đủ.
Xu hướng tất yếu trong tương lai là thay đổi tư duy về phương thức truyền thông chính sách, hướng tới đơn giản; xây dựng kịch bản truyền thông, sử dụng hình ảnh, đồ họa bắt mắt, ngôn ngữ dễ hiểu.