| Hotline: 0983.970.780

Cần cơ chế, chính sách cho khuyến nông cộng đồng

Thứ Tư 06/11/2024 , 08:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH Cần sớm có cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở.

Tại Hà Tĩnh, ngày 4/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã tổ chức tọa đàm truyền thông về mô hình hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng có hiệu quả.

Hướng tới khuyến nông theo nhu cầu và khuyến nông dịch vụ

Ngày 25/3/2022, Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ)”. Giai đoạn đầu thực hiện Đề án, từ cơ quan quản lý đến cơ quan chuyên môn và các địa phương đều rất bỡ ngỡ với khái niệm này. Từ việc xác định thành phần khi thành lập tổ KNCĐ, quy chế hoạt động, kế hoạch vận hành đều vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Tọa đàm về truyền thông về mô hình hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng có hiệu quả tổ chức tại Hà Tĩnh ngày 4/11. Ảnh: Thanh Nga.

Tọa đàm về truyền thông về mô hình hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng có hiệu quả tổ chức tại Hà Tĩnh ngày 4/11. Ảnh: Thanh Nga.

Tuy nhiên, những "điểm cộng" của Đề án này là góp phần khẳng định vai trò, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông, KNCĐ trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Từng bước thay đổi tư duy, nhận thức trong hệ thống khuyến nông, củng cố lại hệ thống khuyến nông trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông, tổ chức lại lực lượng khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông. Đổi mới và đa dạng hóa chức năng, hoạt động của khuyến nông cơ sở từ chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất là chính sang cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ năng quản lý, kinh doanh, phát triển thị trường, bảo vệ môi trường, hướng tới khuyến nông theo nhu cầu và khuyến nông dịch vụ.

Ngoài ra còn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân. Nhất là ở các vùng nguyên liệu, bà con đã được tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, được tham gia liên kết sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường.  

“Ví dụ, tổ KNCĐ tại tỉnh Sơn La đã hỗ trợ, kết nối nông dân, HTX với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Sơn La tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Yên Châu; kết nối với Công ty Bảo Lâm tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Quỳnh Nhai; kết nối với thương lái tại các điểm du lịch thu mua, tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Mộc Châu.

Tổ khuyến nông cộng đồng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các vùng nguyên liệu sản xuất hiệu quả, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Ảnh: Thanh Nga.

Tổ khuyến nông cộng đồng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các vùng nguyên liệu sản xuất hiệu quả, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với chanh leo, kết nối Công ty Cổ phần Nafoods Group Gia Lai tiêu thụ trên 100 tấn; thương lái tại chợ Long Biên tiêu thụ trên 50 tấn; thương lái Trung Quốc tiêu thụ 22 tấn chanh leo qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu một trong hàng trăm ví dụ về sự đồng hành tích cực của tổ KNCĐ trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các vùng nguyên liệu lớn.

Theo ông Thanh, sau 2 năm thực hiện Đề án, toàn quốc đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.167 tổ KNCĐ với hơn 47.200 thành viên tham gia. Việc đưa tổ KNCĐ vào hoạt động là định hướng phát triển đúng đắn để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, HTX, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân tốt hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, ngoài mặt tích cực, đáng khích lệ ở các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả, cũng cần nhìn nhận còn nhiều tổ đang gặp nhiều hạn chế. Sắp tới cần đào tạo chuyên sâu để đội ngũ thành viên tổ KNCĐ chuyên nghiệp hơn, tri thức hơn.

Cần cơ chế hỗ trợ khuyến nông cộng đồng

Tổ KNCĐ là cánh tay nối dài của cơ quan chuyên môn. Khi kiện toàn hệ thống khuyến nông từ trung ương đến tỉnh và cơ sở sẽ nâng cao năng lực, giúp chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc; kết nối nông dân và tổ chức tiêu thụ, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Tổ khuyến nông cộng đồng cần phát huy vai trò trung gian trong liên kết '4 nhà'. Ảnh: NNVN.

Tổ khuyến nông cộng đồng cần phát huy vai trò trung gian trong liên kết “4 nhà”. Ảnh: NNVN.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện các tổ KNCĐ tại 5 vùng nguyên liệu lớn trên cả nước đã tư vấn, hỗ trợ cho gần 50 HTX với tổng diện tích gần 10.000ha trong việc lồng ghép các chương trình, dự án khuyến nông để các HTX tăng cường phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất.

Một số tổ KNCĐ cung cấp dịch vụ cho các thành viên HTX, các tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi, thực hành sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP, giảm dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tại tọa đàm truyền thông về mô hình hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng có hiệu quả tổ chức chiều 5/11 tại Hà Tĩnh, nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hộ sản xuất đặt ra sự băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng trong tổ KNCĐ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sơn Nguyên, TP Hà Tĩnh) cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò của doanh nghiệp trong tổ KNCĐ như thế nào, tác động doanh nghiệp tham gia vào tổ KNCĐ ra sao? Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục hiện nay, tổ KNCĐ cần phải giúp nông dân cập nhật xu thế sản xuất, nếu không bắt nhịp kịp thì sản xuất sẽ luôn đi sau thị trường.

Cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tổ khuyến nông cộng đồng để phát huy hiệu quả hoạt động. Ảnh: NNVN.

Cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tổ khuyến nông cộng đồng để phát huy hiệu quả hoạt động. Ảnh: NNVN.

“Doanh nghiệp luôn muốn đồng hành cùng chính quyền, đơn vị quản lý nhà nước và nông dân để nhận về sản phẩm tốt nhất, ở thời điểm thị trường cần nhất. Có như vậy cả nông dân và doanh nghiệp mới thu được lợi nhuận”, chị Ánh nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Số (xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) kiến nghị, tổ KNCĐ phải phát huy vai trò trung gian trong liên kết “4 nhà”, cung cấp gói dịch vụ, trong đó có khuyến nông, nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cùng tham gia bàn cách thức sản xuất thế nào, phòng chống dịch bệnh ra sao, chế biến ở đâu, bảo quản, tiêu thụ thế nào…

“Để làm tròn vai theo kỳ vọng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho tổ KNCĐ hoạt động”, ông Số đề xuất thêm.

Để nâng cao năng lực tổ KNCĐ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Bộ NN-PTNT đang phối hợp cùng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của KNCĐ, xây dựng và phát triển các tổ KNCĐ trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở.

Bên cạnh đó khuyến khích doanh nghiệp, HTX tích cực phối hợp, kết nối với các tổ KNCĐ để hoạt động theo phương châm tích hợp đa giá trị, cùng phát triển…

Xem thêm
Kỹ thuật phối giống cho bò sinh sản

THÁI NGUYÊN Kỹ thuật phối giống đóng vai trò then chốt trong quy trình chăn nuôi bò sinh sản. Phối giống sai cách, bò sẽ khó có thai hoặc không sinh được bê con.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Một xã lãi 15 - 16 tỷ đồng nhờ dưa chuột vụ đông

Nghệ An Có những ngày xã thu hoạch đến 100 tấn dưa chuột, thu về trên 1 tỷ đồng. Lãi ròng từ riêng cây dưa chuột vụ đông của xã ước đạt 15 - 16 tỷ đồng.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.