| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ có trọng điểm phát triển các sản phẩm OCOP

Thứ Bảy 02/11/2024 , 17:58 (GMT+7)

Tỉnh Bắc Kạn thực hiện nhiều chính sách giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các sản phẩm OCOP, trong đó tập trung hỗ trợ có trọng điểm sản phẩm tiềm năng.

Nhiều sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn đã chiếm lĩnh được thị trường. Ảnh: Sơn Lâm. 

Nhiều sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn đã chiếm lĩnh được thị trường. Ảnh: Sơn Lâm. 

Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) chính thức triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh có 218 sản phẩm được công nhận đạt từ OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Đáng chú ý, có 13 sản phẩm đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGap, GACP-WHO.

Để các sản phẩm OCOP phát triển có chiều sâu, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thương hiệu mạnh, ngày 9/5/2024, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Các đơn vị, chủ thể sản phẩm OCOP tiếp tục huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực của chủ thể OCOP và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện đề án.

Sản phẩm tinh bột nghệ của tỉnh Bắc Kạn đang dần trở thành mặt hàng chủ lực của tỉnh. Ảnh: Sơn Lâm. 

Sản phẩm tinh bột nghệ của tỉnh Bắc Kạn đang dần trở thành mặt hàng chủ lực của tỉnh. Ảnh: Sơn Lâm. 

Do xuất phát điểm của các chủ thể OCOP còn thấp, tỉnh Bắc Kạn chú trọng tư vấn, hướng dẫn, lựa chọn hướng phát triển sản phẩm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong 5 năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức 11 đợt tư vấn hỗ trợ cho 100% các chủ thể tham gia đề án. Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai tư vấn cho hơn 1.200 sáng lập viên về kiến thức hợp tác xã, bộ máy tổ chức, hồ sơ sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Tỉnh cũng lựa chọn 25 sản phẩm OCOP đã được công nhận để phát triển nhóm sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh.

Về cơ chế, chính sách, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã từ sản xuất, chế biến đến kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2018 đến năm 2023, tỉnh đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để thực hiện chương trình.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 11 hợp tác xã tham gia chương trình OCOP thực hiện 8 dự án, 1 đề tài nhằm chuẩn hóa vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận. Cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ 69 cơ sở cấp mới, 7 cơ sở cấp lại mã số, mã vạch, 24 tổ chức, cá nhân thực hiện cập nhật dữ liệu phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về truy xuất nguồn gốc.

Đến nay, một số sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn đã gây dựng được thương hiệu, được thị trường ưu chuộng như trà hoa vàng, miến dong, tinh bột nghệ… Sản phẩm miến dong Tài Hoan (huyện Na Rì) đạt chuẩn OCOP 5 sao, sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhiều năm nay. Nhiều vùng nguyên liệu như lúa nếp, dong riềng đã đạt chuẩn hữu cơ.

Nhiều vùng trồng dong riềng, nguyên liệu chế biến miến dong đã đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: Sơn Lâm. 

Nhiều vùng trồng dong riềng, nguyên liệu chế biến miến dong đã đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: Sơn Lâm. 

Những năm tới, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu duy trì hơn 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt từ 3 đến 4 sao, đến năm 2025 có từ 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao. Ðồng thời, củng cố, phát triển và duy trì hơn 100 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, từng bước hình thành hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm. Tập trung ứng dụng công nghệ trong phát triển thương hiệu, phân phối, tiếp thị sản phẩm, qua đó nâng cao doanh số bán hàng của các chủ thể tham gia chương trình OCOP.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.