UBND tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Kiên Giang, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024, tỉnh đã tổ chức 244 đoàn kiểm tra đối với 3.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Qua đó, phát hiện 301 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 11 cơ sở.
Riêng trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, diễn ra từ ngày 15/4-15/5, toàn tỉnh đã thành lập 162 đoàn kiểm tra đối với 2.714 cơ sở. Kết quả kiểm tra phát hiện 276 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 11 cơ sở với số tiền trên 10 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương tiến hành giám sát mối nguy an toàn thực phẩm tại 15 huyện, thành phố, đã lấy 168 mẫu xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh, hóa lý tại phòng xét nghiệm, có 1 mẫu không đạt.
Đồng thời tiến hành test nhanh hóa lý 527 mẫu, có 32 mẫu không đạt. Riêng tại TP Hà Tiên, đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể do ăn thịt cá nóc, làm 5 người bị ngộ độc phải đi cấp cứu, trong đó có 1 người tử vong.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 17.947 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong đó, ngành Y tế quản lý 12.654 cơ sở, gồm sản xuất nước uống đóng chai, nước đá, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Ngành NN-PTNT quản lý là 4.193 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngành Công thương quản lý 1.200 cơ sở, gồm đơn vị sản xuất kinh doanh, các chợ, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích.
Theo đánh giá, nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao. Trong khi các biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm chưa toàn diện, nhất là các bếp ăn tập thể tại trường học, khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố…
Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, thường xuyên giám sát mối nguy và kiểm tra việc tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.