| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Năm 22/09/2022 , 06:10 (GMT+7)

An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là một trong những vấn đề được các Bộ, ban ngành và toàn xã hội quan tâm.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng lên, đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, minh bạch trong sản xuất nghiêm ngặt hơn.

Người tiêu dùng cần ủng hộ thực phẩm sạch

Thời gian qua, TP.HCM đã xây dựng các hệ thống phân phối hiện đại, doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đầu mối, chợ đầu mối, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và cải thiện quản lý an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, hệ thống phân phối hiện đại có giới hạn về năng lực tiêu thụ nông sản thực phẩm, mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% lượng cầu. Vẫn còn khoảng 70% nông sản thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống - các chợ dân sinh, chợ tự phát chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm.

Theo kết quả khảo sát tại các hộ tiêu dùng, hộ nông dân, chợ đầu mối và kênh phân phối hiện đại cho thấy, các kênh phân phối truyền thống, có nhiều điểm chưa kiểm soát được về an toàn thực phẩm. Phần lớn rau củ quả không có bao bì, thương hiệu, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Rau củ quả từ các tỉnh, thành vận chuyển đến TP.HCM bằng các phương tiện vận tải không chuyên dùng, không đảm bảo an toàn.

Riêng mặt hàng thịt heo, dù hoạt động truy xuất nguồn gốc được thực hiện khá tốt, tuy nhiên vẫn có vấn đề đặt ra là không truy xuất được từ người sản xuất, mà thực chất chỉ truy xuất từ thương lái thu gom đến khâu giết mổ và phân phối đến chợ đầu mối.

Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc càng trở nên khó khăn hơn khi sản phẩm chăn nuôi trước giết mổ đến từ rất nhiều tỉnh thành khác. Việc truy xuất nguồn gốc cũng tương tự đối với thịt gia súc, gia cầm và rau củ quả.

Đoàn kiểm tra Ban An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra tại Chợ Xóm Chiếu (quận 4). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn kiểm tra Ban An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra tại Chợ Xóm Chiếu (quận 4). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho hay, khó khăn bất cập lớn nhất hiện nay đến từ các nông sản tươi sống từ các nông hộ nhỏ lẻ, hệ thống phân phối manh mún, hàng kém chất lượng có thể trà trộn.

Do đó, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này thì người tiêu dùng cần ủng hộ lựa chọn thực phẩm sạch được sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, VietGAP, GlobalGAP, HACCP...

Cũng như cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, hạn dùng bảo đảm, được phân phối tại các cơ sở hợp pháp tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống… Đặc biệt, không mua hàng trôi nổi, kém chất lượng, không nhãn mác, không hạn sử dụng.

Đề xuất dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn

Trong những năm qua, TP.HCM luôn quan tâm đẩy mạnh các hình thức quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm thô là chính, các sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến còn ít, các hình thức liên kết, hợp tác bước đầu đã được hình thành nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp; các chợ đầu mối gắn với vùng sản xuất tập trung còn tự phát, chưa chặt chẽ, chưa được đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa… Đó là những thách thức, nguy cơ lớn đối với vấn đề an toàn thực phẩm của Thành phố.

Do đó, nhằm cải thiện hệ thống và cơ sở hạ tầng về quản lý an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng, sản lượng trong chuỗi giá trị phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về đề xuất dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn TP.HCM.

Quy mô của dự án triển khai trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2026, trong đó tập trung tại các quận nội thành và huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 840.794 tỷ đồng, tương đương 36,24 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA là 29,69 triệu USD (tương đương 688.794 triệu đồng); vốn đối ứng là 152 tỷ đồng (tương đương 6,55 triệu USD), sử dụng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố.

Dự án có 3 hợp phần chính gồm: Hợp phần 1 “Cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp an toàn”; hợp phần 2 “Nâng cao năng lực, thể chế về quản lý an toàn thực phẩm nông nghiệp”; hợp phần 3 “Quản lý dự án”.

Nguyễn Thủy - Tố Như

(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.